Quảng cáo "tôn vinh" phụ nữ Việt lau nhà, đàn ông uống bia?

16/11/2011 06:55
Trong nhiều quảng cáo chỉ thấy phụ nữ lau nhà, giặt giũ, nấu nướng, có khi còn “phơi bày thân thể”, còn đàn ông thì thành đạt, đi ô tô, uống bia...
Đây là những biểu hiện bất bình đẳng, hạ thấp phụ nữ trong quảng cáo cần xem xét cấm...

Thảo luận về Dự thảo Luật quảng cáo tại hội trường sáng 14/11, đa số các đại biểu cho rằng, nhiều nội dung quảng cáo hiện nay đang gây ra cái nhìn sai lệch về vai trò của phụ nữ, hạ thấp phụ nữ và đề cao đàn ông thông qua những hình ảnh như: Phụ nữ chỉ thấy vào bếp nấu ăn, giặt giũ, lau nhà… trong khi đàn ông thì thành đạt, đi xe hơi, uống bia…
Nhiều hình ảnh, clip quảng cáo đang hạ thấp phụ nữ - Ảnh: minh họa.
Nhiều hình ảnh, clip quảng cáo đang hạ thấp phụ nữ - Ảnh: minh họa.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nhận xét: Rất nhiều quảng cáo đang phát đi thông điệp bất bình đẳng giới khi trong đó, chỉ thấy phụ nữ vào bếp nấu ăn, giặt giũ, lau nhà… trong khi đàn ông đi xe hơi, uống bia rượu và hưởng thụ.
 
Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt, QC nếu không nhằm góp phần nâng cao bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em thì rất dễ góp phần duy trì tạo nên các định kiến về giới.

"Thực tế hiện nay trên truyền hình còn xuất hiện những quảng cáo với nội dung cho thấy những sản phẩm liên quan đến gia đình như nước lau sàn, nước rửa bát, nồi cơm điện, gia vị, thực phẩm, máy giặt, tủ lạnh v.v.... hầu hết các nhân vật trong clip quảng cáo là phụ nữ. Hình ảnh những người phụ nữ liên tục chăm sóc con cái, nấu ăn trong bếp, chọn hàng trong siêu thị, lau rửa nhà vệ sinh, giặt giũ quần áo v.v... Trong khi đó hình ảnh người đàn ông thì ở các hoạt động nước uống, xe máy, xe hơi, điện thoại di động, ti vi v.v... Như vậy chính các quảng cáo này tự động phát đi một thông điệp méo mó, đó là phụ nữ thì suốt ngày phải lo việc nội trợ, phục vụ chồng, phục vụ gia đình và chiều con" - bà Lê Thị Nguyệt nhận xét.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyệt, đại biểu Trần Hồng Thắm - TP Cần Thơ cho rằng: Khi hình ảnh của nữ thường thấy thực hiện các công việc như giặt giũ, nấu nướng v.v..., còn hình ảnh của nam là các nhà nghiên cứu khoa học, các doanh nhân thành đạt, hoặc về phơi bày hình thể phụ nữ để quảng cáo sản phẩm hay phục vụ cho quảng cáo chương trình giải trí v.v... không chỉ gây bất bình đẳng giới mà còn ảnh hưởng không tốt tới việc giáo dục trẻ em.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Minh - TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, đến một lúc nào đó khi người xem quảng cáo có cảm giác bất bình hơn trước cách cư xử với phụ nữ trong phim, trong hình ảnh quảng cáo, bất bình bởi cách cư xử thiếu tôn trọng trong quảng cáo có thể lây lan trong đời sống thực. Vì vậy, phải có nội dung về bất bình đẳng giới trong các hành vi cấm quảng cáo của luật.
 
Các đại biểu Nguyễn Thị Khá tỉnh Trà Vinh, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Binh), đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - TP Hà Nội, cũng đề nghị không dùng những hình ảnh phân biệt đối xử giữa bình đẳng giới.

Quảng cáo rượu bia: Nhà nước được 1, dân mất 2


Liên quan đến vấn đề quảng cáo rượu bia, đại biểu Nguyễn Văn Tiên - Tiền Giang phát biểu khá gay gắt, cho rằng, trong khi các Bộ Giao thông lo chống quốc nạn là tai nạn giao thông, bộ Y tế lo xây thêm bệnh viện chống quá tải vì nạn nhân bị tai nạn, thì “Quốc hội cứ loanh quanh bàn xem cấm độ cồn là bao nhiêu”.

“Quốc hội ta rất gay gắt về an toàn giao thông nhưng không ai nhớ 40% tai nạn giao thông là do lạm dụng rượu bia, 60% xét nghiệm máu ở các người chết có cồn. Chúng ta cứ loanh quanh thảo luận cái gì, nhưng đây là biện pháp rất cơ bản mà chúng ta không quan tâm” - đại biểu Nguyễn Văn Tiên nói.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Tại sao bây giờ chúng ta lại khuyến khích quảng cáo rượu từ 15 độ lên rượu 30 độ? trước kia chúng ta hạn chế bia chỉ quảng cáo trên tivi, trên báo bao nhiêu lần trong 1 tuần, giờ chúng ta "thả cỏ". Vậy Bộ y tế có đề án chống quá tải, Bộ giao thông thì đề án chống tai nạn giao thông, chống các loại thế mà chúng ta không ai để ý đến vấn đề này. Tôi không hiểu, có Chính phủ khi thảo luận chỉ nghe ý kiến của Bộ công thương thôi, vì tôi nghĩ Bộ Công thương thì rất khuyến khích việc sản xuất rượu bia” - đại biểu tỉnh Tiền Giang nói.

Quảng cáo, sản xuất rượu bia: Nhà nước được 1, dân mất 2

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cũng dẫn chứng rằng, trên thế giới đã chứng minh, việc sản xuất rượu bia thì Nhà nước thu được một, người dân mất hai.

“Nhưng không có ai quan tâm đến vấn đề này. Bây giờ trong luật chúng ta quy định như vậy là quá ưu ái cho cái này. Tôi đề nghị sắp tới khi các cơ quan đề xuất Luật kiểm soát rượu bia chúng ta nên cấm quảng cáo bia, rượu, như vậy sẽ phù hợp hơn và chúng ta bảo vệ được sức khỏe, hoặc chúng ta chỉ cho phép quảng cáo rượu, bia loại nào đó với nồng độ thấp và chỉ trong thời gian ban đêm. Chứ bây giờ chúng ta cứ cho “thả cỏ” như thế này thì khác gì là thôi thì bệnh viện ơi, chúng ta cứ xây nhiều bệnh viện, có nhiều giường bệnh lên để đón bệnh nhân quá tải, đón bệnh nhân tai nạn giao thông, đồng thời bảo hiểm y tế phải có nhiều tiền, quỹ bảo hiểm ý tế thì chi tất cả cho các loại tai nạn giao thông mặc dù người ta vi phạm pháp luật uống rượu bia.

Ủy ban an toàn giao thông thì cứ hô hào, kêu gào nhưng không được ai để ý đến gốc gác này cả. Theo tôi, chúng ta phải có quy định rất chặt về quảng cáo bia, rượu. Nếu không thì lợi nhuận chảy vào các túi của nhà sản xuất còn tác hại thì người dân gánh chịu, đất nước gánh chịu” - đại biểu Nguyễn Văn Tiên gay gắt.

Ông cũng đề nghị Bộ Y tế và Bộ giao thông "đặc biệt phải có tiếng nói góp ý xây dựng luật này như thế nào đó đúng nguyên tắc để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ lợi ích của toàn dân".

Theo VnMedia