"Bắt thóp" cơn giận của bé lên 2

16/11/2011 12:41
Khi bé có thái độ giận dữ, giậm chân tay thình thịch và bắt đầu cơn ăn vạ Chí Phèo... bạn nên ân cần, điềm đạm nhưng đừng để bé 'bắt thóp' và thỏa hiệp.
Lên 2 tuổi, bé đã biết cách biểu lộ cảm xúc vui buồn, hờn giận, cáu gắt,… của mình để thể hiện những mong muốn, cung bậc tình cảm. Bé dễ nổi giận khi những yêu cầu không được đáp ứng hoặc bị cha mẹ từ chối. Lúc này, nhiều bé có thái độ giận dữ, dậm chân tay thình thịch, thậm chí là gào thét để tập trung sự chú ý của người lớn.

Trước thái độ ấy của con, thay vì quát tháo hoặc mắng nhiếc trẻ, trước tiên cha mẹ cần phải tìm cách “hạ hỏa” cơn giận của bé cái đã. Bé cần được đưa đến một không gian yên tĩnh và ít người hơn để có thể bình tĩnh trở lại. Trong thời gian này, sự điềm đạm, kiên nhẫn của người lớn là vô cùng cần thiết.

Ân cần nhưng không thỏa hiệp

Đưa trẻ đến một căn phòng khác, hoặc một vị trí khác yên tĩnh hơn, không phải là nơi trẻ nổi cơn tam bành là cách giúp trẻ bình tĩnh trở lại và bớt giận dữ. Hãy ở bên trẻ nếu trẻ cần có bạn. Dịu dàng, ân cần với trẻ nhưng đừng dễ thoả hiệp những yêu cầu của con chỉ vì bạn muốn con không bực bội nữa.

Cha mẹ có thể giải thích cho con về cách cư xử của bé, thái độ đúng sai mà bé vừa thể hiện. Với cách nói chuyện nhẹ nhàng, không áp đặt, không quát mắng của cha mẹ, trẻ dễ nghe lời và dễ hiểu thấu những điều bạn nói hơn.
Khi bé có thái độ giận dữ, giậm chân tay thình thịch và bắt đầu cơn ăn vạ Chí Phèo... bạn nên ân cần, điềm đạm nhưng đừng để bé 'bắt thóp' và thỏa hiệp. (Ảnh minh họa).
Khi bé có thái độ giận dữ, giậm chân tay thình thịch và bắt đầu cơn ăn vạ Chí Phèo... bạn nên ân cần, điềm đạm nhưng đừng để bé 'bắt thóp' và thỏa hiệp. (Ảnh minh họa).
Luôn luôn nhấn mạnh để trẻ hiểu được rằng bạn đang muốn giúp con vượt qua sự tức giận và cảm giác khó chịu, nóng như lửa đốt ở trong cơ thể. Không gian yên tĩnh ở đây quả thật là giải pháp rất lí tưởng mỗi khi trẻ nổi cơn tam bành trong bất kì trường hợp nào (yêu cầu không được đáp ứng, bị thua cuộc trong các trò chơi xếp hình, đố chữ với bạn bè…)

Để khoảng thời gian “riêng tư” của bé có hiệu quả, mẹ cần lưu ý những điểm sau:

Vẫn có thể ở bên con: Nếu để con ở lại một mình, đó chỉ là cách cho trẻ không gian riêng tư, độc lập nhưng chưa thực sự là một nơi để trẻ được học hỏi. Bởi vậy, khi ở bên trẻ trong không gian này, bạn có thể là người cùng trò chuyện với bé, động viên, thuyết phục bé và giúp bé hiểu được những lẽ đúng, sai, nhưng hãy nhớ là vai trò của bạn là để tương trợ bé chứ không được đối đầu với bé nên bạn không được nặng lời, quát mắng bé vì những hành động cáu kỉnh, giận dữ mà bé vừa thể hiện trước đó.

Luôn giữ bình tĩnh trong cuộc nói chuyện: Nếu bạn mất bình tĩnh, bé sẽ càng nổi giận hoặc sợ hãi thay vì có thể ôn hoà trở lại.

Ấn định thời gian cụ thể: Thời gian nói chuyện với con trong căn phòng yên tĩnh không nên kéo dài lê thê mà chỉ nên ấn định trong một khoảng thời gian rất ngắn, đủ để giảm bớt cơn giận dữ của mình. Cho dù đến cuối buổi nói chuyện bé có tĩnh lại được hay không, bạn nên động viên bé bằng một câu tích cực: Ổn rồi, vậy là con của mẹ đã rất cố gắng, mẹ yên tâm và hi vọng ở con. Bây giờ con có thể quay trở lại với bạn bè và chơi tiếp…

Luôn nhắc lại yêu cầu của mẹ: Để bé không thể hiện thái độ vùng vằng, hay giận dữ nếu bị trái ý, mẹ cần đưa ra các quy tắc và nhắc nhở bé thường xuyên. Với trẻ 2 tuổi, nhắc nhở bằng cách lặp lại yêu cầu có tác dụng tích cực hơn và khiến bé nhớ lâu hơn so với việc chỉ nhắc một lần và buộc bé phải thực hiện ngay lập tức.

Theo Mẹ&Bé