Bộ giảm tải mạnh kiến thức, nhưng quên giảm số lượng bài kiểm tra thường xuyên

25/09/2021 06:56
KIM OANH
GDVN- Việc giảm tải số bài kiểm tra thường xuyên trong lúc này rất cần thiết cho cả thầy và trò, phù hợp với đặc điểm dạy và học trực tuyến hiện nay ở nhiều địa phương.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở một số địa phương nên việc dạy và học không thể diễn ra trực tiếp tại các nhà trường mà nhiều tỉnh phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến nên có những khó khăn nhất định đối với cả thầy và trò.

Cũng chính vì khó khăn nên ngày 16/9 vừa qua thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2021-2022 nhằm ứng phó với dịch Covid-19.

Tuy nhiên, điều chúng tôi chú ý là trong Công văn này là Bộ đã hướng dẫn giảm tải khá nhiều các đơn vị kiến thức bằng cách chuyển mốt số bài học chính khóa ở các năm trước sang khuyến khích tự học, tự đọc, tự làm hoặc sẽ tích hợp thành các chủ đề. Thế nhưng, cách thức tổ chức, số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ thì chưa thấy Bộ nhắc tới.

Nên chăng, trong bối cảnh hiện nay thì Bộ có hướng dẫn giảm bớt đi một nửa số bài kiểm tra thường xuyên đối với các môn học sẽ phù hợp hơn khi mà nhiều địa phương đang triển khai việc dạy và học trực tuyến hiện nay.

Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện nay vẫn còn khá nhiều bài kiểm tra (Ảnh minh họa: N.V.K)

Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện nay vẫn còn khá nhiều bài kiểm tra

(Ảnh minh họa: N.V.K)

Số lần kiểm tra thường xuyên đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ở năm học này được thực hiện như thế nào?

Trong năm học 2021-2022 này, riêng với lớp 6 sẽ thực hiện việc đánh, xếp loại theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT theo các mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Đặc biệt, theo hướng dẫn của Thông tư 22 thì điểm số các môn học sẽ có vị thế ngang hàng với nhau. Học sinh đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc khi có kết quả rèn luyện và học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt; kết quả học tập 6 môn học trở lên điểm cả năm đạt 9.0 trở lên.

Học sinh đạt danh hiệu Học sinh Giỏi khi có kết quả học tập và rèn luyện cả năm đánh giá mức Tốt; Kết quả học tập ít nhất 6 môn đạt điểm 8 trở lên và tất cả các môn học đều đạt 6.5 trở lên.

Theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thì số lần kiểm tra thường xuyên được quy định như sau: môn học có 35 tiết/năm học sẽ có 02 ĐĐGtx (điểm đánh giá thường xuyên); môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học có 03 ĐĐGtx; môn học có trên 70 tiết/năm học có 04 ĐĐGtx.

Riêng đối với lớp 7 đến lớp 12 thì vẫn thực hiện việc đánh giá, xếp loại theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điểm trung bình môn ở cuối học kỳ, cuối năm học sẽ được xếp loại ở 5 mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu và Kém. Các trường chỉ khen thưởng đối với học sinh được xếp loại học lực Giỏi và Khá.

Khen thưởng danh hiệu Học sinh Giỏi khi học sinh thỏa mãn điều kiện tất cả các môn học có điểm trung bình từ 8.0 điểm trở lên, không có môn học nào dưới 6,5 điểm, các môn không cho điểm xếp ở mức Đạt.

Trong đó, có 1 trong 2 môn Văn hoặc Toán (Thông tư 58) và 1 trong 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ (Thông tư 26) đạt từ 8.0 điểm trở lên.

Theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020 thì số bài kiểm tra thường xuyên được cũng được quy định như Thông tư số 22/2021, đó là: môn học có 35 tiết/năm họcsẽ có 02 ĐĐGtx; môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học có 03 ĐĐGtx; môn học có trên 70 tiết/năm học có 04 ĐĐGtx.

Ngoài ra, việc thực hiện theo Thông tư số 26/2020 hay Thông tư số 22/2021 thì các môn học đều có 2 bài kiểm tra định kỳ, đó là 1 bài kiểm tra giữa kỳ và 1 bài kiểm tra cuối học kỳ.

Như vậy, một số môn học có thời lượng trên 70 tiết/ năm thì mỗi học kỳ, học sinh sẽ phải thực hiện 6 bài kiểm tra: 4 bài kiểm tra thường xuyên và 2 bài kiểm tra định kỳ.

Trong điều kiện bình thường thì số lượng bài kiểm tra như vậy cũng không phải là quá nhiều nhưng lúc nhiều tỉnh đang phải dạy và học trực tuyến thì số lượng bài kiểm tra như thế này cũng tạo ra nhiều áp lực cho cả thầy và trò ở các nhà trường.

Nên chăng, Bộ có chủ trương giảm số lượng bài kiểm tra thường xuyên đối với những địa phương đang tổ chức học trực tuyến

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ở thời điểm hiện tại, cả nước có 24 tỉnh kết hợp giữa dạy trực tuyến kết hợp với dạy qua truyền hình; 14 tỉnh kết hợp giữa dạy trực tiếp với dạy trực tuyến và dạy qua truyền hình; 25 tỉnh dạy trực tiếp.

Như vậy, chúng ta thấy số lượng các tỉnh đang phải tổ chức dạy trực tuyến cũng khá nhiều…

Thế nhưng, trong một chỉ đạo mới nhất về chuyên môn ngày 16/9 vừa qua bằng Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH thì chúng tôi chưa thấy có sự chỉ đạo về việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với việc dạy và học trực tuyến trong năm học 2021-2022.

Trong Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH mà Bộ mới ban hành chỉ hướng dẫn: “Không kiểm tra, đánh giá định kì đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm” mà thôi.

Điều này cũng đồng nghĩa là trong năm học này chỉ giảm tải đối với một số đơn vị kiến thức trùng lặp, không phù hợp… còn số tiết và số lượng bài kiểm tra thì vẫn được giữ nguyên như trong điều kiện học tập bình thường.

Trong khi đó, với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay thì học sinh ở nhiều địa phương chưa biết bao giờ mới trở lại trường để học tập trực tiếp nên việc học trực tuyến có thể phải còn kéo dài và tất nhiên lãnh đạo ngành giáo dục cũng phải tính đến phương án kiểm tra trực tuyến.

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng Bộ và các Sở Giáo dục cần tính đến phương án kiểm tra trực tuyến và giảm số lượng bài kiểm tra thường xuyên đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông vì 2 cấp học này có rất nhiều môn học và số lượng bài kiểm tra thường xuyên rất lớn.

Hơn nữa, việc Bộ đã giảm tải rất nhiều đơn vị kiến thức của các bài học và chỉ giữ lại những nội dung cơ bản thì việc giảm lượng bài kiểm tra thường xuyên sẽ là điều phù hợp, tương đồng với việc giảm tải kiến thức mà Bộ vừa hướng dẫn bằng Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH.

Chúng tôi cho rằng đối với những bài kiểm tra định kỳ thì nên giữ nguyên nhưng đối với những bài kiểm tra thường xuyên thì nên giảm đi một nửa cũng là giải pháp hợp lý khi nhiều địa phương phải triển khai dạy và học trực tuyến.

Những môn có dưới 70 tiết/ năm thì chỉ cần thực hiện 1 bài kiểm tra thường xuyên/học kỳ, những môn trên 70 tiết/ năm thì chỉ cần thực hiện 2 bài kiểm tra thường xuyên/ học kỳ, cộng thêm 2 bài kiểm tra định kỳ nữa là phù hợp.

Việc giảm tải số bài kiểm tra thường xuyên trong lúc này là rất cần thiết bởi lâu nay điểm thường xuyên thường có các cột điểm miệng, điểm viết, điểm thực hành. Nhưng, khi dạy trực tuyến thì việc lấy điểm thực hành của nhiều môn học là rất khó.

Kiểm tra trên các phần mềm trực tuyến cũng là một vấn đề không hề dễ dàng đối với nhiều giáo viên và học sinh.

Vì thế, chúng tôi hy vọng lãnh đạo Bộ và các Sở sẽ nhìn thấy những khó khăn này mà giảm tải số lượng bài kiểm tra thường xuyên đối với những môn học đánh giá bằng điểm số để phù hợp với việc giảm tải kiến thức mà Bộ đã hướng dẫn ở Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH vừa qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH