Ký ức khó quên về 4 tháng tình nguyện chống dịch Covid của nữ sinh 17 tuổi

23/09/2021 06:28
Ngân Chi
GDVN- Mới 17 tuổi, nữ sinh Bạch Thị Trúc ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có trải nghiệm gần 4 tháng trở thành tình nguyện viên hỗ trợ “tâm dịch”.

Bị ba mẹ phản đối, nữ sinh 17 tuổi vẫn nhiều lần “trốn” nhà đi chống dịch. Gặp những phút tủi thân khi có người không hiểu, cô tự nhủ: “Buồn làm gì, khi vẫn còn rất nhiều người cần mình?!”, rồi lại bắt đầu công việc của ngày mới một cách hăng say.

“Trốn” nhà đi chống dịch

Mới 17 tuổi, nữ sinh Bạch Thị Trúc (hiện đang học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) đã có trải nghiệm 4 tháng trở thành tình nguyện viên hỗ trợ “tâm dịch”.

Nhắc đến quyết định tham gia chống dịch của mình, nữ sinh chia sẻ: “Em còn nhớ, đó là vào khoảng cuối tháng 5, thời điểm thành phố bắt đầu bùng phát dịch bệnh Covid-19, cũng là lúc em bước vào những buổi học cuối cùng của năm học lớp 10.

Khi Gò Vấp trở thành “ổ dịch”, em khá lo lắng và nảy ra ý định muốn được góp sức cho “cuộc chiến” chung, bởi thấy mình còn trẻ, còn khỏe nên cống hiến cho đất nước.

Trong một đêm, vô tình lướt thấy đường link tuyển tình nguyện viên của Thành Đoàn em quyết định đăng ký tham gia và đến sáng hôm sau thì được gọi”.

Bạch Thị Trúc (bên phải) chuẩn bị suất ăn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bạch Thị Trúc (bên phải) chuẩn bị suất ăn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Thế nhưng, trở ngại cũng bắt đầu xuất hiện, khi ba mẹ biết chuyện em tham gia tình nguyện, đã phản ứng gay gắt.

Vì em ở với chị hai, còn ba mẹ đang ở quê Cà Mau, nên chỉ sau một ngày ở nhà, em lại muốn tiếp tục tham gia tình nguyện. Em nhờ chị hai che giấu để làm điều mà mình cảm thấy rất ý nghĩa này.

Đến khi ba mẹ xem một chương trình phóng sự được phát trên ti vi, thấy hình em tình cờ quay trúng, lại một lần nữa lo lắng, giục giã em trở về.

Sau khi em tìm mọi cách để trấn an, ba mẹ cuối cùng cũng xuôi xuôi, nhận thấy đây là việc có ích, nên đã động viên và dặn dò em cẩn thận và giữ sức khỏe”, Trúc nhớ lại.

Suốt một tháng đầu tiên tham gia tình nguyện, Bạch Thị Trúc là một trong số mười mấy tình nguyện viên làm việc ở bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày chuẩn bị khoảng 500-700 suất ăn, cung cấp miễn phí cho lực lượng trực chốt, nhân viên y tế tại các khu vực bị phong tỏa, trong đó có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh.

“Cho dù, có những hôm phải ở lại chuẩn bị đến 12 rưỡi đêm, nhưng em không cảm thấy mệt mỏi. Chỉ thấy buồn khi mấy ngày đầu thì làm ít suất ăn hơn, càng về sau, con số lại càng tăng. Em buồn không phải vì ngại mình vất vả, mà buồn vì con số tăng tức là số người phải cách ly cũng tăng lên, đồng nghĩa với dịch bệnh cũng dần trở nên phức tạp hơn”, Trúc bày tỏ.

Sau một tháng gắn bó với bếp ăn, quận Bình Thạnh thiếu người nên nữ sinh quay về quận để tham gia công tác phòng chống dịch. Đến khi toàn thành phố bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16, Trúc dành tất cả thời gian cho việc trực chốt kiểm soát, hết ca thì về phụ các công tác khác, cô cũng xin ở lại Quận Đoàn để tiện cho công việc tình nguyện và cũng đảm bảo an toàn cho gia đình.

Sau một thời gian tham gia tình nguyện, cô nữ sinh cũng có những thay đổi tích cực trong thói quen sinh hoạt.

“Trước đây, do phải học và làm thêm về khuya nên em thường “ngủ nướng” khá trễ vào hôm sau. Tuy nhiên, từ khi tham gia tình nguyện, em đã dậy sớm hơn rất nhiều, thậm chí, không cần cài báo thức cũng tự tỉnh dậy đúng giờ. Và em cũng đã chủ động hơn trong mọi sinh hoạt, từ ăn uống, dọn dẹp, giặt giũ.

Điều quan trọng nhất, là hiện tại, em biết suy nghĩ cho người khác, suy nghĩ cho cộng đồng, em nghĩ đến làm sao để lấy mẫu cho người dân sớm nhất, làm sao để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân và làm sao để “giảm nhiệt” cho những người đồng đội và lực lượng tuyến đầu... Ba mẹ em vì thế cũng mừng phần nào vì con gái đã trưởng thành và tự lập hơn rất nhiều”, Trúc bộc bạch.

Niềm vui sau những thử thách với bản thân

Trải qua nhiều công việc từ vận chuyển lương thực, chuẩn bị suất ăn cho tuyến đầu, đến trực chốt đi đường và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân…, Trúc cho biết, mỗi hoạt động lại là một trải nghiệm mới đối với cô, mang đến những hiểu biết mới.

Tuy nhiên, theo Trúc, thử thách lớn nhất của bản thân chính là nhiệm vụ trực chốt kiểm soát và lấy mẫu xét nghiệm.

Khẽ nén tiếng thở dài, cô nữ sinh 17 tuổi trải lòng: “Khi lấy mẫu xét nghiệm, có những hôm làm cho cả 3-4 khu phố, chúng em cũng muốn làm nhanh nhưng vì số lượng quá đông nên hơi mất thời gian chờ đợi. Vậy là em bị người dân mắng thẳng mặt… Những ngày đầu trực chốt, em gặp một số người dân chưa thực sự hiểu hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, nên muốn đi lại tự do, họ nói những câu như: “Tụi con ở nhà rảnh quá thì đi ra đây ngồi à?”, hay thậm chí còn nặng lời hơn thế. Những lúc như vậy, mặc dù không nhiều, nhưng em cũng cảm thấy khá buồn.

Có lần, đêm đến, em trằn trọc nghĩ về những lời lẽ khó nghe ấy, bất giác tủi thân, chỉ muốn ôm mặt bật khóc. Nhưng rồi, em phải tự vực dậy tinh thần: “Mình buồn thì cũng không được gì hết. Mình không làm những điều này cho riêng mấy người đó, mà mình làm vì rất nhiều người khác nữa, còn rất nhiều người đang cần mình hỗ trợ. Thời điểm này, chỉ cần một người “tụt mood”, lệch nhịp là sẽ làm giảm hiệu suất làm việc chung, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều đồng đội khác”. Vậy là em cố gắng gạt những lời tiêu cực, để thả mình vào giấc ngủ, sáng hôm sau lại bắt đầu một ngày mới tràn năng lượng”.

Phía sau những điều không vui ấy, Trúc cũng tìm thấy những khoảnh khắc vô cùng xúc động: “Hồi em nhận nhiệm vụ trực chốt, nhớ nhất là những món quà của người dân gần điểm trực. Họ rất thương chúng em, cứ khoản 8-9 giờ tối, là lục tục mang đồ ăn ra tiếp tế, nào là cháo, nào là bánh canh, mỗi bữa một món. Nói chung là đồ ăn thì không thiếu, chỉ sợ chúng em không có thời gian để ăn”.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của em trong suốt mấy tháng qua, có lẽ là vào một đêm lấy mẫu muộn. Khoảng 11 rưỡi đêm, chúng em mới thực hiện lấy mẫu đến nhóm cuối cùng. Em để ý, thấy một một cô đứng đợi ở cách đó không xa, cũng lâu lắm. Khi được hỏi cô đứng đó làm gì, cô đáp: “Cô đợi các cháu xong việc để gửi cho các cháu thùng nước”.

Thay vì gửi bảo vệ, cô ấy cố nán lại, đứng chờ hơn 30 phút, chỉ vì muốn được đưa tận tay cho chúng em và nói lời cảm ơn. Cảm xúc của em khi ấy thực sự rất khó diễn tả, nhưng trên hết, em cảm thấy ấm áp vô cùng, đứng trước một người lạ, mới gặp lần đầu tiên nhưng lại có cảm giác như một người thân trong gia đình”, Trúc bồi hồi nhớ lại.

Trúc cùng chuẩn bị Trung thu cho trẻ em trong khu vực. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trúc cùng chuẩn bị Trung thu cho trẻ em trong khu vực. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với mỗi nhiệm vụ khác nhau, cô nữ sinh lại được thay một bộ đồ bảo hộ khác nhau. Niềm vui khi đồ bảo hộ “thăng cấp” được Trúc chia sẻ: “Một trải nghiệm không thể không nhắc đến đối với em chính là khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ, mỗi khi đồ bảo hộ được “thăng cấp”, tức là thử thách dành cho bản thân càng lớn hơn, nhưng em lại rất vui. Còn nhớ, lần đầu tiên được mặc đồ bảo hộ cấp 4, em đã rất háo hức.

Trước đó, em chỉ được nhìn thấy các y bác sĩ mặc những bộ đồ này trên báo chí và truyền hình…, còn lúc này, em được khoác trực tiếp lên mình, mặc dù bí hơn những bộ đồ trước, nhưng đó là cảm giác chân thực nhất giúp em phần nào cảm nhận được rõ rệt hơn nỗi vất vả của lực lượng tuyến đầu”.

Mặc dù đã bước vào năm học mới, song, Trúc vẫn miệt mài với các hoạt động hỗ trợ “tâm dịch”.

“Thực tế, việc học của em trong giai đoạn này cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều, vì thầy cô cũng rất tạo điều kiện, nên em vẫn có thể sắp xếp thời gian, vừa học vừa tham gia tình nguyện chống dịch.

Em nhận nhiệm vụ hỗ trợ các bạn học sinh trong khu chung cư 1050, để không bỏ lỡ việc học trực tuyến. Vậy nên, em cũng có thể bố trí được thời gian cho mình”.

Nữ sinh lớp 11 nhận nhiệm vụ hỗ trợ trẻ học trực tuyến. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nữ sinh lớp 11 nhận nhiệm vụ hỗ trợ trẻ học trực tuyến. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cứ như vậy, mỗi ngày với Trúc trôi qua vẫn luôn đong đầy ý nghĩa. Nữ sinh không ngần ngại giãi bày: “Những ngày qua, em cũng chứng kiến không ít hình ảnh những người đồng đội của mình kiệt sức hoặc chẳng may dương tính với Sars-CoV-2. Những lúc như vậy, bản thân không thể giúp được gì, em đôi khi cũng tự trách. Song, cũng phải tự trấn an bản thân và động viên những người đồng đội khác, phải cố gắng giữ sức khỏe, có sức khỏe thì mới có thể cống hiến, mới có thể giúp đỡ được mọi người.

Và không cần phải lên kế hoạch gì đặc biệt, em muốn mình sẽ tiếp tục hỗ trợ chống dịch như hiện nay, đến khi nào đuổi được virus, đến khi nào thành phố trở lại nhộn nhịp như trước đây, thì em mới trở lại cuộc sống bên gia đình”.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Ngân Chi