Dạy thừa giờ tháng nào cần được thanh toán tháng đó, đừng để thầy cô bức xúc

28/09/2021 06:52
BÙI NAM
GDVN- Quy định trả tiền thừa giờ theo năm và cấn trừ giáo viên, bộ môn hoặc trường thiếu tiết đã dẫn đến nhiều bức xúc, bất hợp lý.

Bài viết “Giáo viên dạy tăng tiết quần quật cả năm không được tính thừa giờ, sao vô lý thế” của tác giả Phan Tuyết đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh rất chính xác việc giai đoạn này rất nhiều giáo viên dạy mỗi tháng dư rất nhiều tiết so với định mức quy định nhưng lại không được tính dư giờ gây bức xúc cho họ.

Nhiều giáo viên mỗi tháng dạy dư rất nhiều tiết, rất vất vả, cực khổ nhưng cuối năm khi tính lại, cấn trừ nghỉ do dịch Covid-19, do giáo viên khác thiếu tiết, trường thiếu tiết,… nên gần như trong 2 năm qua hầu như giáo viên không được chi trả dư giờ dù nhiều giáo viên làm quần quật suốt năm như tác giả Phan Tuyết phản ánh trong bài viết trên.

Nguyên nhân giáo viên không được trả dư giờ

Theo Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ trả thêm giờ đối với giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục công lập kèm theo chế độ làm việc của giáo viên phổ thông tại Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rất rõ về cách tính tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên các cấp.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Điều 4. Cách tính tiền lương dạy thêm giờ quy định:

[…] d) Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm) […]

Do đó căn cứ để tính tăng giờ là dựa vào năm học, nếu trong năm học vượt dạy định mức số tiết/ năm học quy định của từng cấp học thì được tính thừa giờ.

Định mức tiết dạy 1 tuần của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.

Theo đó, 2 năm gần đây, định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần x 35 tuần/năm = 595 tiết/năm, trung học cơ sở là 19 tiết/tuần x 35 tuần = 665 tiết/năm, tiểu học 23 tiết/tuần x 35 tuần = 805 tiết.

Ngoài ra, Thông tư đó lại có thêm quy định Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu giáo viên thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi: Có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

Từ những thông tin trên do cách tính tiền thừa giờ tính theo cả năm học, do đó giáo viên nếu mỗi tuần có thể dư 5-10 tiết/ tuần, nhưng cuối năm nghỉ 1 vài tuần do dịch, thiên tai, hoặc do giáo viên trong tổ, trong trường thiếu tiết nên giáo viên sẽ không được tính dư giờ.

Kiến nghị trả tiền dư giờ theo tháng cho giáo viên để chấm dứt tình trạng trên

Giải pháp tốt nhất để khắc phục tình trạng giáo viên làm quần quật cả năm nhưng lại không được tính tiền dư giờ gây bất công, bức xúc lên giáo viên đó là việc chuyển từ tính tiền dư giờ giáo viên theo năm, sang chuyển sang quyết toán tiền thừa giờ theo tháng.

Tháng nào giáo viên thừa giờ tháng nào thì quyết toán tháng đó, phù hợp Luật Lao động, người lao động làm việc thừa giờ thì được quyết toán tiền thừa giờ theo nguyên tắc “mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có) – trích Luật Lao động 2019”.

Mỗi lần trả lương, tức mỗi tháng nếu giáo viên có dư giờ thì quyết toán theo tháng là hợp tình, hợp lý.

Quy định trả tiền thừa giờ theo năm và cấn trừ giáo viên, bộ môn hoặc trường thiếu tiết đã dẫn đến nhiều bức xúc, bất hợp lý.

Do đó, người viết xin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét việc chi trả tiền dư giờ hàng tháng cho giáo viên cùng kỳ với đợt trả lương, giáo viên dạy vượt quá định mức quy định thì được trả tiền thừa giờ, chủ động đề xuất với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính để sửa đổi thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà giáo.

Thực hiện việc trả tiền tăng giờ hàng tháng là hợp lý, sẽ không còn tình trạng giáo viên làm quần quật cả năm không được tính tiền thừa giờ nhiều giáo viên bức xúc hiện nay.

BÙI NAM