Tỉnh Lạng Sơn “giải bài toán khó” cùng nhà đầu tư tại cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng

06/10/2021 20:30
Thanh Thủy
GDVN- Không có chuyện Tỉnh Lạng Sơn gây khó cho nhà đầu tư, không có chuyện tách riêng phần vốn của nhà nước và vốn của nhà đầu tư thành các dự án thành phần độc lập

Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải một số bài viết nêu ý kiến của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả - một trong 3 nhà đầu tư tham gia dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Trong các bài viết nêu ý kiến của công ty này cho rằng, có sự bất nhất trong phương án lựa chọn đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng giữa doanh nghiệp và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có trao đổi nhanh với báo chí về chủ trương xuyên suốt của Tỉnh là luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tất các các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Không có chuyện Tỉnh gây khó khăn cho nhà đầu tư, không có chuyện tách riêng phần vốn của nhà nước và vốn của nhà đầu tư thành các dự án thành phần độc lập với nhau ở dự án thành phần 2 cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh khẳng định. Ảnh minh họa: Quân đội Nhân dân

Không có chuyện Tỉnh gây khó khăn cho nhà đầu tư, không có chuyện tách riêng phần vốn của nhà nước và vốn của nhà đầu tư thành các dự án thành phần độc lập với nhau ở dự án thành phần 2 cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh khẳng định. Ảnh minh họa: Quân đội Nhân dân

Địa phương luôn sát cánh cùng nhà đầu tư để gỡ khó cho dự án

Ông Lương Trọng Quỳnh khẳng định, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội lưu thông hàng hóa phục vụ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và các nước khu vực ASEAN sang Trung Quốc. Dự án này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với tỉnh Lạng Sơn cũng như khu vực các tỉnh phía Bắc. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn xác định đây là một trong chương trình dự án trọng điểm của Tỉnh trong nhiệm kỳ này.

Khi triển khai dự án thành phần 1 của dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn dài 64 km, Tỉnh cùng nhà đầu tư đã khắc phục mọi khó khăn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai quyết liệt. Do vậy, trong vòng 2 năm đã hoàn thành tuyến cao tốc dài 64 km.

Khi triển khai dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng do các nhà đầu tư thu xếp vốn gặp khó khăn không thể triển khai được nên Tỉnh cùng với nhà đầu tư đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý hỗ trợ phần vốn của Nhà nước tham gia đảm bảo phương án tài chính dự án, trong đó Tỉnh cũng cam kết bố trí 1.000 tỷ đồng để cùng với phần vốn từ ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng thực hiện triển khai dự án thành phần 2, giúp cho nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong việc thu xếp tài chính cho dự án, đồng thời cũng là để khẩn trương đưa dự án vào hoạt động.

Hiện nay, Tỉnh đã trình Hội đồng thẩm định liên ngành tại Tờ trình số 62/TTr-UBND ngày 15/6/2021, trong đó khẳng định phương án thực hiện theo quy định của Điều 70 Luật đầu tư PPP. Không có chuyện Tỉnh Lạng Sơn tách dự án phần vốn nhà nước ra thành một tiểu dự án đầu tư công và một dự án đầu tư BOT. Minh chứng là tại Tờ trình số 62/TTr-UBND trình Hội đồng thẩm định liên ngành không có phương án này.

“Tỉnh Lạng Sơn mong muốn dự án sớm được Chính phủ phê duyệt về chủ trương đầu tư để thực hiện các bước tiếp theo và triển khai thành công dự án thành phần 2. Hiện nay, về công tác giải phóng mặt bằng, Tỉnh đã hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư được 8,5km/43,6km. Không có chuyện Tỉnh gây khó khăn cho nhà đầu tư, không có chuyện tách riêng phần vốn của nhà nước và vốn của nhà đầu tư thành các dự án thành phần độc lập với nhau”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn khẳng định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án cao tốc Bắc Giang Lạng Sơn bao gồm hai dự án thành phần. Dự án thành phần 1 cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu là 12.188 tỷ đồng, chiều dài 64 km đã hoàn thành đi vào khai thác sử dụng, thu phí từ tháng 02/2020.

Dự án thành phần 2 cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư 7.609 tỷ đồng, chiều dài 43 km đã triển khai từ năm 2018, đang thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại dự án là Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 585/TTg-CN ngày 08/5/2018.

Tính đến ngày 30/9/2021, tại dự án thành phần 2 cao tốc Hữu Nghị Chi Lăng, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) chỉ chiếm tỷ lệ 31,60%, 02 nhà đầu tư còn lại chiếm 68,40% cổ phần.

Theo đó, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị/ Doanh nghiệp dự án là đại diện pháp luật được thành lập bởi các nhà đầu tư góp vốn của dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Ông Phạm Minh Đức – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị: “Các ý kiến, thông tin báo cáo về tình hình thực hiện dự án hiện nay do Công ty Đèo Cả (chiếm tỷ lệ 31,6% vốn góp) không được ủy quyền và không phải là ý kiến của Liên danh Nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, các Nhà đầu tư đã thành lập Doanh nghiệp dự án là Chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai, giải quyết và thực hiện các công việc, khúc mắc (nếu có) của dự án. Các nội dung thông tin do Nhà đầu tư Đèo Cả đưa trên các thông tin đại chúng hiện nay là không chính xác và không phù hợp và không phải là ý kiến chung của các Nhà đầu tư/ Chủ đầu tư dự án có thể gây hiểu nhầm và ảnh hưởng xấu tới uy tín và tình hình thực hiện dự án của chúng tôi đang triển khai”.

Tổng Giám đốc Phạm Minh Đức khẳng định, trong quá trình triển khai và thực hiện thẩm định, tài trợ vốn của dự án thành phần 2, các Ngân hàng tài trợ vốn đánh giá dự án (bao gồm dự án thành phần 1 và thành phần 2) thực hiện theo hình thức BOT bị ảnh hưởng bởi các điều kiện khách quan: Miễn giảm giá vé các phương tiện qua trạm thu phí Km93, QL1, bỏ đi 01 trạm thu phí trên QL1, sự tăng trưởng lưu lượng xe chưa theo tính toán, kinh tế xã hội khu vực thay đổi so với dự báo,… nên dự án gặp khó khăn, doanh thu bị thâm hụt, không đủ trả nợ lãi vay.

“UBND tỉnh Lạng Sơn đã luôn đồng hành và cùng Nhà đầu tư nhiều lần làm việc với các Ngân hàng tài trợ vốn để tìm giải pháp tháo gỡ, tuy nhiên do vướng mắc các quy định của Luật tín dụng nên các ngân hàng đề nghị dự án cần bố trí nguồn vốn NSNN tham gia hỗ trợ đảm bảo phương án tài chính, bù đắp khoản thâm hụt doanh thu không đủ trả lãi vay nêu trên. Trong đó đặc biệt tỉnh Lạng Sơn là một tỉnh miền núi Biên giới, điều kiện kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn nhưng đã “tiên phong” bố trí 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (bằng cách cắt giảm các công trình, dự án và các chương trình khác của tỉnh) để ưu tiên hỗ trợ cho Nhà đầu tư bổ sung nguồn vốn đảm bảo phương án tài chính khả thi cho dự án. Điều này là rất trân trọng, thực sự đáng quý, rất có ý nghĩa mà không phải địa phương, tỉnh nào cũng có thể làm được. Chúng tôi thực sự biết ơn các Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Lạng Sơn về sự hỗ trợ thiết thực, quý báu này".

Ngày 30/9/2019, tại cuộc họp với UBND tỉnh Lạng Sơn và các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến (Tại Thông báo số 394/TB-VPCP ngày 13/11/2019 của văn phòng Chính phủ): “Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư rà soát, xây dựng phương án thiết kế và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng thu xếp nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2019”.

Thực hiện chỉ đạo Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cùng Nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư dự án… và nghiên cứu các phương án đầu tư báo cáo xin ý kiến các Bộ, ngành để lựa chọn phương đầu tư điều chỉnh phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn, đảm bảo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, hiệu quả đầu tư và các quy định hiện hành.

Quá trình thực hiện, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp Nhà đầu tư để tìm giải pháp xử lý, tháo gỡ các vướng mắc nhằm mục đích sớm triển khai thực hiện và hoàn thành dự án và đến nay đã cơ bản được các cấp thẩm quyền hỗ trợ, giải quyết”, ông Đức thông tin cụ thể.

Được biết, trước đó, khi triển khai dự án thành phần 1 của dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 18/6/2018 giao thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) cho các Sở, Ban ngành của tỉnh để làm công tác tham mưu theo chức năng, nhiệm vụ tập trung các nguồn lực hỗ trợ Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án triển khai dự án được thuận lợi và tốt nhất.

Trên cơ sở được sự quan tâm của các cơ quan TW và các Bộ, ngành, trong đó đặc biệt là UBND tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhanh chóng các thủ tục pháp lý của dự án và hỗ trợ thực hiện công tác GPMB trong thời gian kỷ lục của ngành giao thông vận tải đối với các dự án đường cao tốc, khi bàn giao đến 80% mặt bằng chỉ trong 06 tháng và cơ bản hoàn thành toàn bộ công tác GPMB dự án trên địa bản tỉnh trong thời gian 08 tháng. Dự án thành phần 1 cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trong hơn 2 năm từ 06/2017 -10/2019 đã hoàn thành thông tuyến và "cán đích" trước 3 tháng so với tiến độ đề ra.

Tỉnh Lạng Sơn mong muốn dự án sớm được Chính phủ phê duyệt về chủ trương đầu tư để thực hiện các bước tiếp theo và triển khai thành công dự án thành phần 2. Ảnh minh họa: TTXVN

Tỉnh Lạng Sơn mong muốn dự án sớm được Chính phủ phê duyệt về chủ trương đầu tư để thực hiện các bước tiếp theo và triển khai thành công dự án thành phần 2. Ảnh minh họa: TTXVN

Phương án đầu tư dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thực hiện đúng quy định pháp luật

Về phương án đầu tư: Dự án thành phần 2 khi có sự tham gia của vốn NSNN theo quy định cần thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Bộ Tư pháp đã khẳng định điều này tại văn bản 3792/BTP-PLDSKT ngày 13/10/2020).

Trên cơ sở ý kiến hướng dẫn của các Bộ, ngành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 114/VPCP-CN ngày 06/01/2021:“UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện thủ tục điều chỉnh dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo đúng quy định, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định...”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức cuộc họp ngày 19/4/2021 để nghe báo cáo đề xuất của doanh nghiệp dự án, các Nhà đầu tư dự án, ý kiến tham mưu của các Sở, Ban ngành thuộc tỉnh và đã có kết luận cuộc họp (Thông báo số 209/TB-UBND ngày 21/4/2021) thống nhất phương án đầu tư thực hiện dự án trong đó phần vốn NSNN bố trí hỗ trợ dự án được thực hiện theo khoản 5, Điều 70, Luật PPP năm 2020, các điều khoản của Nghị định 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 và số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn Luật PPP nêu trên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phương án đầu tư dự án thành phần 2 mới nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định thể hiện tại Tờ trình số 62/TTr-UBND ngày 16/5/2021.

Theo đó, dự kiến tổng mức đầu tư là 7.609 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn: Vốn nhà nước trong dự án PPP: 3.500 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1000 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư 4.109 tỷ đồng.

Phương án triển khai được Tỉnh trình tách Dự án thành phần 2 với tổng mức đầu tư khoảng 7.609 tỷ đồng làm 02 tiểu dự án thành phần để thực hiện.

- Tiểu dự án thành phần 1: (thực hiện theo khoản 1 Điều 72 Luật PPP): Bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; Tổng mức đầu tư khoảng 781 tỷ đồng. Việc quản lý và sử dụng vốn theo quy định pháp luật về đầu tư công.

- Tiểu dự án thành phần 2: Thực hiện theo hình thức PPP, TMĐT khoảng 6.828 tỷ đồng, thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 70 Luật PPP, trong đó: Vốn đầu tư nhà nước thực hiện các hạng mục công trình thoát nước, cầu, hầm, đường gom, nút giao, ATGT, điện chiếu sáng (TMĐT khoảng 2.719 tỷ đồng). Vốn của nhà đầu tư huy động thực hiện các hạng mục nền, mặt đường và các công trình khác còn lại của dự án (TMĐT khoảng 4.109 tỷ đồng).

Ông Phạm Minh Đức nêu “Phương án đầu tư này cơ bản thống nhất với đề xuất của doanh nghiệp dự án đã báo cáo và trình UBND tỉnh, đồng thời nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rất cao của các Nhà đầu tư và các Sở, Ban ngành của tỉnh Lạng Sơn trong cuộc họp với Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn”.

Đáng chú ý, trong Tờ trình số 62/TTr-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, đến nay, dự án thành phần 2 đang triển khai dở dang và đã hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư được 8,5km/43,6km (đạt 20%); nhà đầu tư đã huy động vốn góp 424 tỷ đồng để giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng, tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác.

Nếu Đèo Cả rút vốn có ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án?

Ông Phạm Minh Đức Tổng Giám đốc Doanh nghiệp dự án thông tin thêm, ngày 21/9/2021, Công ty Cổ phần đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả đã có văn bản số 414/2021/DII gửi UBND tỉnh Lạng Sơn và các Nhà đầu tư trong Liên danh về việc không tiếp tục tham gia đầu tư thực hiện dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng).

Nội dung này đã được Doanh nghiệp dự án họp làm việc cùng các Nhà đầu tư còn lại trong Liên danh Nhà đầu tư và các Nhà đầu tư đã thống nhất và cam kết tiếp tục tham gia góp vốn chủ sở hữu theo yêu cầu và tiến độ quy định của dự án khi triển khai, đảm bảo nguồn vốn triển khai thực hiện dự án theo quy định và yêu cầu của các cấp có thẩm quyền.

Qua kiểm tra năng lực tài chính theo báo cáo tài chính đã kiểm toán của các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án đánh giá nguồn vốn Chủ sở hữu của các Nhà đầu tư hiện nay là đảm bảo theo yêu cầu của dự án và đảm bảo theo quy định hiện hành”

Thanh Thủy