Thầy cô cùng đồng hành, hỗ trợ trẻ em mồ côi vì đại dịch Covid–19

09/10/2021 07:47
Phạm Minh
GDVN- Dự báo cho thấy nếu cứ 1 trẻ em yếu thế hay không may mắn sẽ có 4 - 5 thầy cô giáo cần thấu hiểu, chia sẻ và nâng đỡ tinh thần.

Ngày 8/10/2021, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng ngành giáo dục Thành phố Thủ Đức và Quận Tân Phú tổ chức khai giảng “Chương trình bồi dưỡng thấu hiểu và nâng đỡ tâm lý cho trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch Covid”.

Chương trình bồi dưỡng với sự tham gia, đồng hành của 1829 giáo viên ở thành phố Thủ Đức, quận Tân Phú, Quận 5 và Quận 3.

Chương trình bồi dưỡng với sự tham gia, đồng hành của 1829 giáo viên ở thành phố Thủ Đức, quận Tân Phú, Quận 5 và Quận 3.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và của các Trường Đại học khác như: Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng. Đặc biệt là sự đồng hành của 1829 giáo viên ở thành phố Thủ Đức, quận Tân Phú, Quận 5 và Quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh).

Mục tiêu sau khi hoàn thành xong chương trình, các giáo viên sẽ phân tích được các lý thuyết cơ bản về tổn thương tâm lý, từ đó rèn luyện kĩ năng, vận dụng một số biện pháp nâng đỡ tâm lý cho trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch Covid.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/8/2021 có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334. Ở phạm vi rộng hơn, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng.

Nhiều trẻ rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm COVID-19.

Tại 4 khu vực: thành phố Thủ Đức, quận Tân Phú, Quận 5 và Quận 3, có 173 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ; có 6 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Dự báo cho thấy nếu cứ 1 trẻ em yếu thế hay không may mắn sẽ có 4 - 5 thầy cô giáo cần thấu hiểu, chia sẻ và nâng đỡ tinh thần. Khi tiếp cận và làm việc với các em, chắc chắn không chỉ cần sự thân thiện, đồng cảm mà cả sự tương tác thiện ý, tôn trọng tinh tế, sẻ chia linh hoạt và giúp đỡ tinh tế…

Chương trình được tổ chức là minh chứng cho tất cả tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm đến trẻ em, quan tâm đến đội ngũ và như động thái quan trọng thực hiện chăm sóc tinh thần cho các đối tượng liên quan đến đại dịch covid, đặc biệt là trẻ em mồ côi, yếu thế.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cùng thầy cô giáo về Chương trình bồi dưỡng thấu hiểu và nâng đỡ tâm lý cho trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch Covid.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cùng thầy cô giáo về Chương trình bồi dưỡng thấu hiểu và nâng đỡ tâm lý cho trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch Covid.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Là trường đại học sư phạm trọng điểm phía Nam với sứ mạng và tầm nhìn được xã hội và ngành giáo dục rất quan tâm, nhà trường xác định cho mình giá trị nhân văn trong các giá trị cốt lõi với nhiều ngành đào tạo giáo viên, nhiều ngành nghiên cứu về con người như: Tâm lý học, Công tác xã hội, Giáo dục học… nên trường luôn đồng hành với các vấn đề của xã hội, quan tâm đến các khó khăn của ngành giáo dục và đào tạo.

“Chương trình bồi dưỡng thấu hiểu và nâng đỡ tâm lý cho trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch Covid” là rất cần thiết, như sự đồng hành với ngành giáo dục của thành phố Thủ Đức và Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bằng tất cả tâm huyết của mình, các thầy cô đã dành thời gian, tâm sức để đồng hành phát triển chương trình, đầu tư thời gian, gắn kết với các Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương để tổ chức lớp học này.

Chúng tôi mong muốn, kỳ vọng lớp học này sẽ giúp thầy cô hiểu nhiều hơn về trẻ em để có thể đạt đến mức thấu hiểu, đồng hành đúng nghĩa với các em".

Chương trình bồi dưỡng thấu hiểu và nâng đỡ tâm lý cho trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch COVID” sẽ diễn ra 3 khóa bồi dưỡng liên tiếp với thời lượng 15 tiết học/khóa học. Mục tiêu sau khi hoàn thành xong chương trình, giáo viên sẽ phân tích được các lý thuyết cơ bản về tổn thương tâm lý, từ đó rèn luyện kĩ năng, vận dụng, nâng đỡ, hỗ trợ học sinh yếu thế.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh