Thủ khoa đầu ra Bách khoa Hà Nội: “Đại học không phải là nơi để xả hơi”

15/10/2021 10:33
Mạnh Đoàn
GDVN- “Đại học không phải là nơi để xả hơi, bởi nếu không chuẩn bị tâm lý tốt thì tân sinh viên sẽ sốc khi có kết quả điểm học tập kém", anh Trần Hữu Trí chia sẻ.

Trong lễ trao bằng tốt nghiệp online cho các cử nhân, kỹ sư của trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 9 vừa qua, Trần Hữu Trí (sinh năm 1998, sinh viên ngành Hệ thống thông tin, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông) là 1 trong số 13 thủ khoa được nhận tấm bằng xuất sắc, anh là sinh viên có điểm GPA cao nhất trong số hơn 3.200 sinh viên.

Bên cạnh tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, Trần Hữu Trí còn ra trường sớm 1 học kỳ và được nhận vào làm việc tại một công ty về lĩnh vực công nghệ thông tin.

Để có được sự thành công trên, Trí đã cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ học tập trong suốt quãng thời gian ở giảng đường đại học.

Tân sinh viên thường có tâm lý chủ quan

Trần Hữu Trí chia sẻ, anh nhận thấy nhiều học sinh có tâm lý chủ quan là chỉ cần thi đỗ đại học là “xả stress”. Những "nhắn nhủ" của các anh chị khóa trước: “Học trường Bách Khoa kiến thức nặng, sinh viên mà học lại thì cũng là điều bình thường”, là điều khiến sinh viên dễ buông xuôi.

Thủ khoa tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội Trần Hữu Trí (Ảnh: NVCC)Thủ khoa tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội Trần Hữu Trí (Ảnh: NVCC)

Từ đây, các bạn tân sinh viên không chú trọng vào việc học tập ngay năm nhất, để rồi khi bị điểm kém thì họ sẽ bị sốc bởi kết quả học tập không tốt.

Còn đối với Trần Hữu Trí, chàng sinh viên từng 3 lần giành được học bổng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và chưa từng phải học lại môn học nào, thì bản anh nhận định để không bị trượt môn nào thì hoàn toàn có thể làm được, nếu sinh viên cố gắng một chút, tập trung nghiêm túc vào việc học.

Theo Hữu Trí, các sinh viên nên để ý xem kiến thức của bản thân có bị hổng chỗ nào không thì phải nhanh chóng bù đắp lại. Trong quá trình ôn thi, sinh viên phải xác định học hết kiến thức môn học, chứ không phải chỉ mở vài trang đầu để học. Nếu làm như vậy, sinh viên sẽ bị hổng đi mất kiến thức và khi làm bài, các bạn sẽ không biết vấn đề này ở phần nào mình từng học.

“Tôi luôn tập trung ghi chép ngay trong buổi học ở giảng đường, lúc về nhà thì anh ôn lại lần nữa để chắc kiến thức. Điều này giúp tôi khi ôn thi cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều”, Trí chia sẻ.

Đại học không phải là nơi để “xả hơi”

Hữu Trí cho rằng, ngay khi bước chân vào giảng đường đại học, sinh viên cần xác định mục tiêu cần phấn đầu học tập để có được thành công.

Hết kỳ 1 năm nhất, kết quả học tập của Trần Hữu Trí vượt mức giỏi khi đạt 3.5/4.0. Tuy nhiên, chàng sinh viên năm nhất chưa hài lòng về kết quả này và đặt mục tiêu cao hơn trong kì học tiếp theo.

Bước sang năm thứ 2 đại học, Trần Hữu Trí nhận định bản thân cần phải bồi đắp thêm kinh nghiệm thực tiễn nên đã quyết định xin thực tập sinh tại một công ty về công nghệ thông tin.

Theo Trần Hữu Trí, việc đi làm thêm đúng chuyên ngành đối với sinh viên là cơ hội để bồi dưỡng kiến thức ngoài trường học. (Ảnh: NVCC)Theo Trần Hữu Trí, việc đi làm thêm đúng chuyên ngành đối với sinh viên là cơ hội để bồi dưỡng kiến thức ngoài trường học. (Ảnh: NVCC)

Được nhận vào làm việc, Trần Hữu Trí phấn khởi và xác định việc đi làm là như đi học thêm, bồi dưỡng kiến thức thực tế.

Tại đây, Trí được các anh chị đào tạo và không phải hoàn thành những deadline như những nhân viên của công ty, nên anh có thêm nhiều thời gian để học hỏi.

“Thời gian đầu thu nhập của tôi là con số không nhưng tôi được học hỏi và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm áp dụng cho thời gian sau này. Khi đi làm đúng chuyên ngành đang học, tôi đã đạt được mục tiêu kép là kinh nghiệm thực tế bổ sung cho lý thuyết ở trường học”, tân thủ khoa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

Theo Trí, các bạn sinh viên khi đi làm thêm nên chọn việc làm đúng với chuyên môn mà mình đang học, để bổ trợ cho công việc sau này.

Hiện tại, Trần Hữu Trí đang làm việc tại một công ty về công nghệ, sắp tới thì anh dự định sẽ học lên Thạc sỹ.

Trí rất tâm đắc câu nói của một người thầy: “Đại học không phải là nơi để xả hơi, chỉ cần cố gắng từng ngày, các bạn sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra”.

Trần Hữu Trí không những tâm đắc với câu nói trên khi còn ở giảng đường đại học, mà còn cả khi đi làm.

“Sau khi học xong đại học thì cũng không phải là thời gian để xả hơi, nghỉ ngơi, bởi ra ngoài môi trường thực tế, nếu bạn chưa có kinh nghiệm thì không thể đạt được kết quả tốt và thành công trong công việc”, Trần Hữu Trí chia sẻ.

Tân thủ khoa Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng có lời khuyên dành riêng cho các bạn sinh viên đã chọn Trường Đại học Bách khoa thì nên đặt mục tiêu là trở thành kĩ sư xuất sắc và cần phải chủ động và nghiêm túc học tập, trau dồi kiến thức. Đây sẽ là nền tảng bước đầu trong việc chinh phục các mục tiêu nghề nghiệp tương lai.

Mạnh Đoàn