Các bộ chuẩn chỉ dùng đánh giá qua kiểm định là trái với nguyên tắc của quản lý

24/10/2021 07:12
Thùy Linh
GDVN- Hiện nay các bộ chuẩn được dùng chỉ để đánh giá thông qua hoạt động kiểm định chất lượng. Đây là cách dùng chuẩn trái với các nguyên tắc của quản lí chất lượng.

Ngày 22/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2021 quy định chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 7/8/2021. Đây là văn bản mới nhất và cũng là quan trọng nhất để hướng dẫn xây dựng cũng như thẩm định chương trình đào tạo trước khi ban hành, cho phép tiến hành tuyển sinh và đào tạo nghề mới.

Vấn đề đặt ra là muốn đánh giá chương trình đào tạo thì bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo phải đồng bộ.

Đánh giá về công tác kiểm định chất lượng nói chung, kiểm định chương trình đào tạo nói riêng hiện nay, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Nguyễn Đức Chính (nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:

“Chất lượng nói chung, chất lượng giáo dục, chất lượng một hệ thống giáo dục, chất lượng một cơ sở giáo dục, chất lượng một chương trình đào tạo, chất lượng một sản phẩm đơn lẻ của giáo dục là những khái niệm khác nhau, có nhiều quan điểm khác nhau và đôi khi bị đồng nhất. Để tránh hiểu nhầm tôi chỉ nói tới 2 khái niệm chất lượng một cơ sở giáo dục đại học và chất lượng một chương trình đào tạo”.

Thầy Chính dẫn thông tin, Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành Thông tư 12/2017 BGDĐT ngày 19/5/2017 về chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học với 25 tiêu chuẩn, 114 tiêu chí ở 4 lĩnh vực:

Đảm bảo chất lượng chiến lược: 8 tiêu chuẩn, 36 tiêu chí;

Đảm bảo chất lượng hệ thống: 4 tiêu chuẩn, 18 tiêu chí;

Đảm bảo chất lượng chức năng: 9 tiêu chuẩn, 44 tiêu chí;

Kết quả hoạt động: 4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí.

Đến ngày 22/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2021 quy định chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học với 8 tiêu chuẩn, 30 tiêu chí và các chỉ báo.

Theo đó, mục tiêu 3 tiêu chí, chuẩn đầu ra 7 tiêu chí, chuẩn đầu vào 4 tiêu chí, khối lượng học tập 3 tiêu chí, cấu trúc chương trình 4 tiêu chí, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập 3 tiêu chí, đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ 5 tiêu chí, cơ sở vật chất- công nghệ - học liệu 1 tiêu chí.

Ảnh minh họa: Nguồn giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Nguồn giaoduc.net.vn

Như vậy nếu cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn trong các bộ chuẩn chất lượng tương ứng sẽ được công nhận đạt chuẩn tức là có chất lượng.

Thừa nhận điều này ta có định nghĩa: “Một cơ sở giáo dục đại học hoặc một chương trình đào tạo được công nhận có chất lượng khi đạt các tiêu chuẩn trong các bộ chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Các bộ chuẩn này đã xác định những lĩnh vực đảm bảo chất lượng quan trọng nhất của cơ sở giáo dục đại học cũng như của một chương trình đào tạo. Vấn đề đặt ra là các nhà quản lí sử dụng các bộ chuẩn như thế nào để quản lí những điều kiện đảm bảo chất lượng mà các bộ chuẩn đã xác định để cơ sở giáo dục cũng như chương trình đào tạo đạt chuẩn và được công nhận có chất lượng?

Theo Giáo sư Chính: “Hiện nay các bộ chuẩn được dùng chỉ để đánh giá thông qua hoạt động kiểm định chất lượng. Đây là cách dùng chuẩn trái với các nguyên tắc của quản lí chất lượng mà hệ quả là bộ chuẩn chưa phát huy được ưu thế vượt trội của phương thức quản lí mới đã được chứng minh trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp y tế….

Cần nhớ kiểm định chất lượng chỉ là một khâu và là khâu cuối cùng của quá trình quản lí bằng chuẩn, tức là quản lí chất lượng.

“Quá trình quản lí bằng chuẩn bắt đầu bằng việc sử dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng, kết hợp với hệ thống quản lí bằng các chức năng hiện hành. Hệ thống này bao gồm các quy trình hướng dẫn thực hiện từng công việc để đạt từng tiêu chí, tiêu chuẩn. Nếu toàn bộ các công việc đều đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn thì cơ sở giáo dục hay chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn, tức là có chất lượng”.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính nêu ra quy trình sử dụng các tiêu chuẩn bao gồm 7 bước:

Bước 1: Nghiên cứu từng tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo, xác định các minh chứng cần có, các yêu cầu của các minh chứng

Bước 2: Viết hướng dẫn chuẩn bị các minh chứng dưới dạng các qui trình để các minh chứng đạt các yêu cầu (các minh chứng tìm được hiện tại là sản phẩm của hệ thống quản lí cũ, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo có chất lượng).

Lưu ý, trong bước này ghi rõ người chịu trách nhiệm chính, các bước tiến hành, sau mỗi bước đều có minh chứng. Như vậy điều quan trọng không phải là tìm được minh chứng mà minh chứng mới được chủ động chuẩn bị theo một qui trình đảm bảo rằng đó là minh chứng có chất lượng .

Bước 3: Sau khi đã hoàn thành việc viết hướng dẫn chuẩn bị toàn bộ minh chứng (tức là xây dựng xong hệ thống quản lý chất lượng bao gồm các tiểu hệ thống quản lí tất cả các công việc trong trường, mỗi công việc đều có người chịu trách nhiệm chính), cần văn bản hóa và tổ chức thảo luận, thêm bớt, thống nhất các công việc cần làm, qui trình thực hiện từng công việc cho từng cá nhân, rồi tổ chức thực hiện. Đây là việc quan trọng nhất để quản lý chất lượng.

Bước 4: Tổ chức thực hiện các qui trình (vận hành hệ thống quản lý chất lượng) là khâu khó nhất, vì nó thay đổi hoàn toàn phương thức quản lí cũ, phá vỡ thói quen của mỗi người.

Trong quá trình này ai làm việc gì đều được hướng dẫn cụ thể theo một qui trình và phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình đó để đảm bảo rằng công việc của mình là có chất lượng. Ở đây vai trò của người lãnh đạo là quyết định. Cần hỗ trợ, giúp đỡ, tập huấn, đào tạo, cần có cả chế tài trong giai đoạn đầu. Sau quen dần sẽ trở thành văn hóa chất lượng

Bước 5: Khi viết báo cáo tự đánh giá thì ai làm việc gì theo một qui trình như thế nào bây giờ mô tả lại công việc đã làm, với các minh chứng đã được chuẩn bị và lưu trữ. Việc nào đã làm và có minh chứng là điểm mạnh, chưa làm là điểm yếu còn kế hoạch là làm nốt những việc chưa làm. Trong quá trình viết báo cáo tự đánh giá có thể đề xuất cải tiến qui trình.

Bước 6: Khi các đơn vị và cá nhân trong trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá, nhà trường tổng hợp lại thành báo cáo tự đánh giá của trường và đăng kí được kiểm định (đánh giá ngoài).

Bước 7: Đón đoàn đánh giá ngoài. Theo đó, đánh giá ngoài (kiểm định) thẩm định báo cáo tự đánh giá sẽ giúp nhà trường hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng (bổ sung, chỉnh sửa các quy trình) và hoàn thiện cách vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng để nâng cao chất lượng.

Đối chiếu theo qui trình 7 bước này thì Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho rằng, hiện nay chúng ta bỏ qua 4 bước đầu mà bắt đầu bằng “viết báo cáo tự đánh giá”. Lẽ tự nhiên khi bị đánh giá, mà lại đánh giá việc chưa làm và không biết cách làm thì các cơ sở giáo dục phải tìm cách đối phó để “an toàn” mà hậu quả thì đã rõ.

Do đó, theo thầy Chính, các cơ quan quản lí cần nhớ một nguyên tắc là để các quyết định quản lí có hiệu lực, hiệu quả cần tuân thủ quy trình: Hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách làm - Hỗ trợ, giúp đỡ để mọi người làm đúng, làm tốt công việc được giao- Đánh giá nhằm giúp mọi người tiến bộ, làm tốt hơn công việc.

Làm sao để có các chương trình đào tạo đạt chuẩn?

Khi phóng viên băn khoăn về việc muốn đánh giá chương trình đào tạo có đáp ứng các tiêu chuẩn như Thông tư 17 nêu thì bản thân các trung tâm kiểm định và cơ sở giáo dục đại học cần phải làm theo các nguyên tắc ra sao thì Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính bày tỏ:

“Như đã nói trên để các quyết định quản lí có hiệu lực, hiệu quả thì việc đầu tiên nhà quản lí cần làm là hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết cách thực hiện các công việc cần làm để đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn.

Trong chương trình đào tạo thì mục tiêu, chuẩn đầu ra là yếu tố quan trọng nhất, quyết định chất lượng của cả chương trình đào tạo. Mà “chuẩn đầu ra là yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kĩ năng, mức độ tự chủ, trách nhiệm của người học sau tốt nghiệp”.

Cụ thể, trong Thông tư 17 có 6 yêu cầu cần đạt về chuẩn đầu ra, trong đó yêu cầu 1 là quan trọng nhất rằng: “Phải rõ ràng và thiết thực thể hiện rõ ràng kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được về hiểu biết chung và năng lực cốt lõi ở trình độ đào tạo, những yêu cầu riêng của lĩnh vực, ngành đào tạo”.

Nếu chỉ căn cứ vào yêu cầu này thì các cơ sở giáo dục đại học rất khó thực hiện, cần có sự hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết qui trình thực hiện từng công việc để chuẩn đầu ra đạt được yêu cầu này.

Tôi xin nêu ra 2 ví dụ.

Ví dụ 1 về qui trình xác định chuẩn đầu ra cho 1 chương trình đào tạo có thể được tiến hành như sau:

Bước 1: Dự thảo những lĩnh vực cần có trong chuẩn đầu ra: kiến thức, năng lực chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, các kĩ năng mềm, phẩm chất công dân, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo

Bước 2: Dự thảo những nội dung cần có trong từng lĩnh vực, chú ý sử dụng các động từ chỉ các mức độ tư duy tương ứng trình độ đào tạo (vận dụng được, thiết kế được, tổ chức được, đánh giá được…), lượng hóa được, đo lường đánh giá được, khả thi.

Bước 3: Tổ chức hội thảo với các đối tượng phù hợp góp ý cho dự thảo

Bước 4: Xin ý kiến các chuyên gia, nhất là các chuyên gia về phát triển chương trình đào tạo.

Bước 5: Hoàn thiện chuẩn đầu ra trên cơ sở các yêu cầu còn lại của Thông tư 17, ban hành chuẩn đầu ra chính thức của chương trình đào tạo.

Bước 6: Chuyển giao chuẩn đầu ra chính thức cho bộ phận thiết kế chương trình đào tạo để lựa chọn và sắp xếp các môn học, dự kiến các hình thức tổ chức dạy học, phương pháp, phương tiện dạy học, các hình thức đánh giá quá trình và tổng kết, xây dựng lịch trình dạy học…..

Ví dụ 2 về quy trình sử dụng chuẩn đầu ra để lựa chọn và sắp xếp các môn học:

Bước 1: Xây dựng ma trận chuẩn đầu ra/ môn học:

Đảm bảo rằng mỗi chuẩn đầu ra có ít nhất một môn học tương ứng.

Đảm bảo rằng mỗi môn học đều kế thừa kiến thức của các môn học trước đó (trừ các môn tiên quyết).

Đảm bảo rằng mỗi môn học đều cung cấp kiến thức cho các môn học kế tiếp.

Đảm bảo rằng các môn học đều có tỉ lệ giờ lí thuyết và thực hành phù hợp và có các giờ xêmina.

Những chuẩn đầu ra như các kĩ năng mềm: hợp tác, giao tiếp, làm việc nhóm…, các phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp….. không có môn học tương ứng, cần được qui định cách rèn luyện thông qua các hình thức tổ chức dạy học (xêmina, dự án, tự nghiên cứu…..), phương pháp dạy học và các hình thức đánh giá.

Đảm bảo rằng tất cả chuẩn đầu ra đều được dạy, học và đánh giá với các hình thức phù hợp.

Bước 2: Xây dựng lịch trình dạy học, lưu ý bố trí các môn cơ sở ngành chậm nhất vào học kì 2, xen kẽ với các môn học thuộc khối kiến thức đại cương (2 năm đầu là thời gian sinh viên học tốt nhất).

Bước 3: Tổ chức xây dựng đề cương chi tiết tới từng tuần cho tất cả các môn học gồm: Hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn còn lại, như đội ngũ giảng viên, trợ giảng, học liệu, công nghệ, cơ sở vật chất một cách chi tiết, lượng hóa và đánh giá được.

Nếu các trung tâm kiểm định hướng dẫn các trường thực hiện các công việc như vậy rồi hỗ trợ họ thực hiện trước khi kiểm định thì chắc chắn sẽ có các chương trình đào tạo đạt chuẩn.

Thùy Linh