Không còn được hỗ trợ tiền ăn, học sinh bỏ lớp, thầy cô đi từng nhà vận động

29/10/2021 06:49
Lại Cường
GDVN- Khi xã Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu) đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều chính sách bị cắt, học sinh bỏ lớp khiến các thầy cô vất vả thuyết phục học sinh đi học lại.

Câu chuyện đầy nghịch lý này đã xảy ra tại Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vào năm 2020 khi xã về đích nông thôn mới.

Theo đó, khi thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng nghĩa với việc từ năm học 2021 - 2022 này, học sinh các trường trên địa bàn xã sẽ không còn được hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực.

Trước đây, Thu Lũm là xã nghèo biên giới của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Toàn xã có tới 33,45% hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người ở xã chỉ đạt 8 triệu đồng/người/năm. Sau hơn 10 năm xây dựng chương trình Nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở Thu Lũm đã thay đổi đồng bộ, tích cực.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao hơn trước.

Một góc xã Thu Lũm sau khi đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Báo Lai Châu.

Một góc xã Thu Lũm sau khi đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Báo Lai Châu.

Đến nay, Thu Lũm là xã biên giới đầu tiên của huyện Mường Tè hoàn thành 19/19 tiêu chí và được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Tuy nhiên, khi đạt chuẩn nông thôn mới, một nghịch lý đã xảy ra tại các trường học trên địa bàn xã khi học sinh lần lượt bỏ lớp về bản.

Nguyên nhân được xác định là do chính sách hỗ trợ học sinh bị cắt đột ngột khiến nhiều phụ huynh không cho con đến trường mà quay về điểm bản để học.

Ngày 19/10, phóng viên đã trao đổi với ông Tống Thanh Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè để tìm hiểu về tình trạng học sinh bỏ lớp về bản.

Theo thông tin từ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ/2021, các xã khu vực III, khu vực II được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I.

Cùng với đó, xã sẽ thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II. Điều này đã tác động không nhỏ đến đời sống, xã hội của người dân.

Đặc biệt là chính sách đối với học sinh bán trú. Sau ngày khai giảng năm học, các trường học trên địa bàn xã Thu Lũm tổ chức họp phụ huynh thông báo về việc Quyết định 861 có hiệu lực, một số chính sách hỗ trợ cho con em đồng bào đi học sẽ không còn, nên rất nhiều phụ huynh thấy bất ngờ và lo lắng khi phải thực hiện việc đóng góp cho con em ăn bán trú…

Thời gian đầu thì các gia đình đã cho các cháu về nhà không cho đi học.

Sau 2 tuần, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè đã cùng với cấp ủy, chính quyền xã, giáo viên các trường học kiên trì tới từng nhà tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục đưa con em mình tới trường.

Đến nay, số học sinh đến trường đã đạt trên 94% rồi", ông Sơn cho biết.

Học sinh lớp ghép ở bản Pá Thắng, nhà trường đã thuyết phục nhưng rất khó các em trở lại trường vì bị cắt chế độ đột ngột. Ảnh: TP

Học sinh lớp ghép ở bản Pá Thắng, nhà trường đã thuyết phục nhưng rất khó các em trở lại trường vì bị cắt chế độ đột ngột. Ảnh: TP

Nói về việc hiện tượng các em học sinh quay lại điểm bản để học thay vì ra trung tâm học, ông Sơn cho biết hiện chỉ còn 2 điểm bản ở cấp Tiểu học còn cấp Trung học cơ sở học sinh đã đi học đầy đủ.

Để thuyết phục được các gia đình cho con em ra lớp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, các thầy cô giáo phải kiên trì vận động:

"Trước mắt các trường trên địa bàn đang sử dụng tiếp tục sử dụng những thực phẩm còn dư từ năm học trước để tiếp tục hỗ trợ cho các em học sinh.

Hiện các gia đình cũng đã dần hiểu các chính sách của nhà nước".

Nói về việc đóng góp của học sinh, ông Sơn cũng cho biết: “Về cơ bản các em đều không phải đóng góp gì nhiều tuy nhiên, chế độ sẽ giảm dần theo thời gian.

Ví dụ như các em học sinh người La Hủ trước đây hưởng theo chế độ 57 (Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 05 năm 2017 – phóng viên) thì mức độ hưởng đãi ngộ của các em tương đối là cao.

Tuy nhiên, hiện nay, dân tộc La Hủ đã có quyết định ra khỏi mức độ dân tộc còn dưới 10.000 người nên chế độ 57 bị cắt, hiện các em hưởng theo chế độ 116 (Nghị định Số: 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2016).

Chế độ 116 tuy thấp hơn 1 chút nhưng vẫn có cái vướng là quy định số km đối với từng bậc học. Học sinh ở xa quá mới được hưởng chế độ, các cháu ở trung tâm xã thì bị cắt. Do vậy có nhiều gia đình còn có băn khoăn.

Chế độ bị cắt đột ngột khiến nhiều gia đình không cho con em đến trường trung tâm để học. Ảnh minh họa: Giờ ăn ở trường Phổ thông bán trú Tiểu học Thu Lũm, ảnh phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè.

Chế độ bị cắt đột ngột khiến nhiều gia đình không cho con em đến trường trung tâm để học. Ảnh minh họa: Giờ ăn ở trường Phổ thông bán trú Tiểu học Thu Lũm, ảnh phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Lỳ Xừ Po – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm cho biết, năm học 2021 – 2022, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm đón 273 học sinh.

Nhà trường có 1 điểm trường trung tâm với 10 lớp học và 4 lớp ở các điểm bản. Trong đó, có 144 học sinh về ăn, ở bán trú tại trường.

Vừa qua, cũng có một số học sinh bị cắt chế độ đột ngột nên có hiện tượng bỏ về. Sau khi có những quyết định điều chỉnh của cấp trên, giáo viên, nhà trường kết hợp với các đoàn thể đến thuyết phục gia đình thì học sinh cũng đã quay lại trường trung tâm đi học.

Cũng theo thầy Po thông tin, hiện chỉ còn 1 điểm bản Pá Thắng có học sinh lớp 1, 2, 3 vẫn ở bản chưa huy động được về trung tâm.

Nói về học sinh ở điểm bản này, thầy Po cho biết, điểm bản này cơ sở vật chất không đảm bảo, hiện phải học ở nhà học tạm và lớp học đi muộn.

Thầy Po cũng thẳng thắn chia sẻ: “Ở điểm bản này năm nay không có chế độ nên chắc không về được. Nhà trường cũng đi vận động nhiều lần rồi nhưng phụ huynh không đồng tình về điểm trung tâm. Điểm này cách trung tâm gần 9km. Bản này thì không được chế độ gì”.

Kể về việc vận động học sinh, thầy Po cho biết, về cơ bản thì các phụ huynh học sinh cũng hiểu chính sách của nhà nước nhưng vì điều kiện gia đình họ không thể đưa con về trung tâm để nuôi ăn được. Hiện nhà trường mới chỉ huy động được lớp 4 lớp 5 của bản này.

“Mỗi tháng thì ở bản Pá Thắng mỗi học sinh phải đóng góp 150.000 tiền ăn và sự hỗ trợ của nhóm tình nguyện 150.000 nữa. Học sinh trường trung tâm còn lại vẫn được hưởng những chế độ”.

Nói về học sinh bị cắt chế độ, ông Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Thực hiện Quyết định số 861, năm học 2021 - 2022, số trẻ Mầm non trên địa bàn huyện không còn chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND là 718 em; số học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở không còn chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ/CP là 359 học sinh; số học sinh Trung học cơ sở không còn chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND là 37 em.

Lại Cường