Hải Phòng: dạy minh họa môn Nghệ thuật 6, phần Âm nhạc, có 2 Tổng chủ biên dự

24/10/2021 06:30
PHẠM LINH
GDVN- Chuyên đề môn Nghệ thuật lớp 6 nội dung Âm nhạc góp phần làm sáng tỏ những băn khoăn, tạo diễn đàn trao đổi để tìm ra phương pháp quản lý và giảng dạy hiệu quả.

Âm nhạc là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục nghệ thuật thông qua nội dung và hình thức học tập đa dạng tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm và phát triển các lưu lượng thẩm mỹ đặc thù như thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc.

Đồng thời, góp phần phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc.

Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Nghệ thuật nội dung Âm nhạc được dạy từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông.

Đối với chương trình ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, môn học này trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về âm nhạc vừa mang tính kế thừa vừa có những đổi mới căn bản hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Tiếp cận chương trình mới, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở các trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng không khỏi có những băn khoăn, trăn trở.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn của giáo viên, ngày 23/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức Chuyên đề cấp thành phố: “Dạy học môn Nghệ thuật nội dung Âm nhạc theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018” năm học 2021 – 2022.

Chuyên đề cấp thành phố: “Dạy học môn Nghệ thuật nội dung Âm nhạc theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018” năm học 2021 – 2022 (Ảnh: Phương Linh)

Chuyên đề cấp thành phố: “Dạy học môn Nghệ thuật nội dung Âm nhạc theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018” năm học 2021 – 2022 (Ảnh: Phương Linh)

Chuyên đề có sự tham dự trực tuyến của thầy Hoàng Long – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Âm nhạc 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Âm nhạc 6, bộ sách Cánh Diều.

Tại điểm cầu trung tâm ở Hải Phòng có ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện quận Ngô Quyền và quận Lê Chân cùng ban giám hiệu, giáo viên dạy môn Nghệ thuật lớp 6 nội dung Âm nhạc.

Chuyên đề gồm hai tiết dạy minh họa của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà và học sinh trường Trung học cơ sở Đà Nẵng (quận Ngô Quyền), cô giáo Lê Thị Hà và học sinh lớp trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (quận Lê Chân).

Tiết dạy minh họa của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà với chủ đề “Biết ơn thầy cô” bộ sách Cánh Diều, học sinh được thưởng thức âm nhạc, ôn tập bài hát trong tiết học trước và trải nghiệm, khám phá âm nhạc.

Mở đầu tiết học, cô giáo Thanh Hà mời đến lớp học nghệ sĩ Đàn Tranh và nghệ nhân dân gian Đàn Đáy để học sinh tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc, cấu tạo, cách chơi hai loại nhạc cụ trên.

Học sinh tìm hiểu về nhạc cụ Đàn Tranh và Đàn Đáy cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh tìm hiểu về nhạc cụ Đàn Tranh và Đàn Đáy cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân (Ảnh: Phương Linh)

Qua đó, học sinh cảm nhận được âm sắc của nhạc cụ, thưởng thức màn hòa tấu của 6 loại nhạc cụ dân tộc.

Trong phần ôn tập bài hát, cô và trò cùng hát vang bài hát Bụi phấn với giai điệu sâu lắng, truyền cảm, thể hiện tình cảm, sự tri ân của học sinh với thầy, cô giáo.

Học sinh lắng nghe tiết mục biểu diễn bài "Trống cơm" của nghệ nhân Đàn Đáy (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh lắng nghe tiết mục biểu diễn bài "Trống cơm" của nghệ nhân Đàn Đáy (Ảnh: Phương Linh)

Đi sâu vào tìm hiểu bài hát, học sinh nhận biết tốt hơn tiết tấu, nhịp phách của bài Bụi phấn cũng như áp dụng âm hình, tiết tấu cho bài hát khác trong phần "trải nghiệm và khám phá".

Đến tiết học của cô giáo Lê Thị Hà và học sinh trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, những kiến thức về bài hát “Những ước mơ” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trong Bộ sách Kết nối tri thức được học sinh chủ động tiếp cận thông qua việc thực hiện nhiệm vụ học tập.

Học sinh thiết kế tiết mục mở đầu cho tiết học (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh thiết kế tiết mục mở đầu cho tiết học (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh lớp được chia làm 3 nhóm với các nhiệm vụ: thiết kế và điều hành hoạt động mở đầu của tiết học, hoạt động tìm hiểu bài và luyện tập nhạc cụ.

Thông qua các trò chơi do học sinh tự thiết kế, không khí lớp học trở nên sôi động hơn. Học sinh thể hiện sự tự tin, kỹ năng biểu diễn trước đám đông và chủ động tiếp cận kiến thức bài học.

Giáo viên sẽ đóng vai trò dẫn dắt, giải đáp những thắc mắc về kiến thức như ký hiệu âm nhạc, thuộc tính âm thanh, âm sắc, cách hát thể hiện được thông điệp của bài hát,…cho học sinh.

Đặt câu hỏi và trả lời nối tiếp để tìm hiểu kiến thức về bài hát (Ảnh: Phương Linh)

Đặt câu hỏi và trả lời nối tiếp để tìm hiểu kiến thức về bài hát (Ảnh: Phương Linh)

Cô và trò trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu biểu diễn bài hát "Những ước mơ" (Ảnh: Phương Linh)

Cô và trò trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu biểu diễn bài hát "Những ước mơ" (Ảnh: Phương Linh)

Kết thúc tiết học, cô và trò cùng nhau biểu diễn bài hát “Những ước mơ”, đồng thời truyền tải thông điệp về hòa bình thế giới.

Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện của Hải Phòng, hai tiết dạy minh họa trên là cơ sở để tham khảo về cách thiết kế hoạt động dạy học môn Nghệ thuật lớp 6 nội dung Âm nhạc hiệu quả.

Đảm bảo đáp ứng được nhiệm vụ tích hợp lý thuyết âm nhạc, nội dung phân hóa và kỹ năng thực hành nhạc cụ, hợp xướng.

PHẠM LINH