Nhờ có Nghị định 116, ngành sư phạm bình quân 1 chỉ tiêu có 10 người thi

27/10/2021 06:50
Thùy Linh (thực hiện)
GDVN- Chuẩn đầu vào 2 năm gần đây của ngành sư phạm có dấu hiệu rất tích cực, số lượng người tham gia thi sư phạm rất đông, đây đều là nhờ chính sách của Chính phủ.

Vừa qua, khi làm việc với các trường sư phạm, trường có đào tạo giáo viên trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có đề cập:

“Chúng ta chấp nhận mô hình có thể đa dạng, chấp nhận sự chuyển đổi, nhưng điều không đổi là chuẩn về chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn về nghiệp vụ mà sinh viên sư phạm cần đạt được. Do đó, các trường đào tạo giáo viên theo mô hình đa ngành cần đặc biệt lưu ý đến các nghiệp vụ sư phạm để không vì xu hướng đa ngành khiến đào tạo giáo viên giảm chất lượng”.

Vậy làm sao để có thể đạt được chuẩn về chuyên môn?

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên để lắng nghe chia sẻ của ông về vấn đề này.

Theo Giáo sư chuẩn về chuyên môn có vai trò như thế nào trong đào tạo giáo viên?

Giáo sư Phạm Hồng Quang: Tôi cho rằng quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là hoàn toàn phù hợp với xu hướng của quốc tế trong giáo dục đại học và đặc biệt là trong quá trình đào tạo giáo viên.

Giáo sư Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NTCC

Giáo sư Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NTCC

Hiện nay Việt Nam cũng như một số nước có hai mô hình đào tạo giáo viên bao gồm mô hình đào tạo 4 năm trong trường đại học và mô hình đào tạo 2+2. Riêng mô hình 2+2 thì 2 năm đào tạo khoa học cơ bản và 2 năm đào tạo về khoa học giáo dục (xin nhấn mạnh là khoa học giáo dục chứ không phải nghiệp vụ sư phạm thông thường).

Với 2 mô hình đào tạo này thì chúng ta có 3 dạng trường đại học có đào tạo giáo viên đó là trường đại học sư phạm, trường đại học giáo dục và khoa giáo dục trong các trường đại học đa ngành.

Với tính chất như vậy, quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng là đa dạng phương thức, mô hình, nhưng thống nhất mục tiêu chất lượng là chỉ đạo hết sức đúng đắn đối với giáo dục đại học nói chung, trong đó có đào tạo giáo viên.

Quan điểm của Bộ trưởng xuất phát từ yêu cầu của Khung trình độ quốc gia (từ năm 2016 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1982). Đặc biệt, Khung này đã tiệm cận đến các yêu cầu của khung giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học của ASEAN, rất thuận lợi để người học sau khi tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu chuẩn của khu vực.

Theo đó, Khung trình độ quốc gia xác định giáo dục đại học bao gồm bậc 6, bậc 7 và bậc 8. Trong đó là bậc 6 - Đại học; bậc 7 - Thạc sĩ; bậc 8 - Tiến sĩ.

Đây là Khung chung mang tính chỉ đạo rất rõ, cụ thể ở trình độ đại học – bậc 6 thì yêu cầu “xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện, chuyên sâu về một ngành đào tạo, kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật; có kỹ năng nhận thức liên quan đến phản biện, phân tích, tổng hợp; kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp; làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc hướng dẫn, truyền bá, phổ biến kiến thức, thuộc ngành đào tạo, giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ.

Bậc 6 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ”

Như vậy dù đào tạo giáo viên ở mô hình trường đại học 4 năm hay mô hình 2+2 thì vẫn phải đảm bảo yêu cầu của khung trình độ quốc gia đối với đào tạo đại học, thời lượng tối thiểu 120 tín chỉ.

Để thực hiện khung trình độ quốc gia này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai quyết liệt, đặc biệt vừa rồi Bộ ban hành Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Tôi cho rằng đây là khung pháp lý rất quan trọng nhằm kết nối các chương trình giữa các trường với nhau, đảm bảo chuẩn chung, đảm bảo khung chung của toàn hệ thống.

Bởi lẽ Luật 34/2018 đã giao nhiệm vụ chủ trì cho các trường đại học mang tính chất tự chủ học thuật thì việc Bộ ban hành Thông tư này là rất xác đáng để cân bằng, khuyến nghị các trường dù tự chủ nhưng vẫn phải đảm bảo khung trình độ quốc gia.

Thưa ông, hiện nay các trường có sự chênh lệch về chuẩn đầu vào, vậy khi đưa ra một chuẩn về chuyên môn thì sẽ quản lý như thế nào?

Giáo sư Phạm Hồng Quang: Hiện nay 8 trường tham gia Chương trình ETEP cùng Trường Đại học giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đang xây dựng một hệ thống chuẩn đầu ra đối với đào tạo giáo viên. Chuẩn đầu ra này vừa đáp ứng Khung trình độ quốc gia, Thông tư 17/2021 vừa đáp ứng yêu cầu đặc trưng của nghề nghiệp đào tạo giáo viên.

Như chúng ta đã biết đào tạo giáo viên là quá trình đòi hỏi yêu cầu cao thể hiện ở tất cả các khâu đào tạo, bồi dưỡng. Nếu tất cả các ngành khác tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng thì riêng ngành sư phạm và sức khỏe do Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định.

Nếu năm 2020 ngưỡng đảm bảo chất lượng đã cao so với các năm trước thì năm 2021 lại cao hơn năm 2020. Điều này cho thấy những thí sinh muốn đỗ vào các trường sư phạm, khoa sư phạm đều phải đảm bảo ngưỡng do Bộ đưa ra nên chúng ta cũng không cần quá lo lắng về khập khiễng đầu vào giữa các nơi đào tạo.

Vừa rồi, sau khi Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ ra đời khuyến khích chế độ cho sinh viên sư phạm thì tỷ lệ thí sinh thi vào ngành sư phạm bình quân 1 chỉ tiêu có 10 người thi. Đây là dấu hiệu rất tích cực, nhờ đó 1 chỉ tiêu được chọn sẽ là người có điểm thi cao nhất.

Tôi đề cập số liệu này để muốn nói rằng chuẩn đầu vào 2 năm gần đây của ngành sư phạm có dấu hiệu rất tích cực, số lượng người tham gia thi sư phạm rất đông, đây đều là nhờ chính sách của Chính phủ.

Tới thời điểm này có thể khẳng định phần lớn các trường đại học sư phạm nằm trong chương trình ETEP cộng với một số trường sư phạm có bề dày truyền thống đã xây dựng được bộ chuẩn cho khung năng lực ở sinh viên sư phạm tương lai và các chương trình đào tạo sư phạm cũng đang được triển khai mạnh mẽ theo hướng đó.

Khi có chuẩn chuyên môn sẽ tạo được cú hích như thế nào trong đào tạo giáo viên của toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, thưa Giáo sư?

Giáo sư Phạm Hồng Quang: Khi có chuẩn chuyên môn, tham chiếu với khung nghề nghiệp của đào tạo giáo viên, tham chiếu với những yêu cầu của chuẩn quốc tế, các trường ban hành chuẩn chương trình của nhóm ngành: ví dụ giáo viên Toán, giáo viên Tự nhiên, giáo viên Ngữ văn, giáo viên Tiểu học, giáo viên Mầm non, giáo viên Nghệ thuật…

Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc bản thân các trường biên soạn chương trình khung và chi tiết của các khoa đào tạo thì chuẩn đầu ra được thể hiện ở đề cương bài giảng thế nào, những module dạy học ra sao.

Hay nói cách khác khi đã xây dựng được “cây mục tiêu” - cây này lan tỏa đến từng đề cương bài giảng, từng hoạt động giáo dục, đây là điều căn cốt trong phát triển chương trình và cũng là điểm nhấn mà các trường đại học sư phạm phải đi đầu trong phát triển chương trình. Đồng thời, ngoài mục tiêu đào tạo cho mình còn phải dẫn dắt, hỗ trợ các trường đại học khác về vấn đề phát triển chương trình.

Thực chất vấn đề phát triển chương trình là một nội dung rất quan trọng của khoa học giáo dục, do đó nếu sinh viên sư phạm được học kỹ lưỡng về phát triển chương trình giáo dục nhà trường thì khi tốt nghiệp sẽ bắt nhịp được với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực tế vừa qua cho thấy có khá nhiều lúng túng về dạy tích hợp, dạy 2 môn, hoạt động trải nghiệm… nhiều ý kiến nói về khâu tổ chức hoạt động phần lớn là do người giáo viên chưa chắc chắn, chưa có kiến thức sâu sắc về năng lực phát triển chương trình giáo dục nhà trường.

Tôi cho rằng, năng lực phát triển chương trình giống như một người có kiến thức về dược học thì khi vào rừng biết đâu là cây thuốc hữu ích mang về làm thuốc, đâu là loài cây độc hại để loại trừ. Người giáo viên có năng lực phát triển chương trình thì trong, không gian mạng, trong thời đại 4.0 sẽ biết cách tìm kiếm dữ liệu khoa học, tìm kiếm học liệu dạy học tin cậy.

Cuối cùng, khi có năng lực phát triển chương trình tức là có năng lực chuyển hóa năng lực khoa học công nghệ, tư duy sáng tạo thành năng lực dạy học, phát triển trí tuệ cho học sinh. Và trong quá trình tổ chức dạy học,người giáo viên có năng lực phát triển chương trình sẽ là người hiểu tâm lý, nguyện vọng, nhu cầu, thói quen, khả năng trí tuệ, xúc cảm của người học để điều phối cho phù hợp.

Đặc biệt, giáo viên có năng lực phát triển chương trình thì sẽ biết đánh giá học sinh mang tính chất khích lệ hơn là cho điểm số, biết phối hợp gia đình- nhà trường- xã hội để hình thành năng lực, phẩm chất người học để tạo động lực.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Phạm Hồng Quang.

Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 15/10 thì toàn quốc hiện có 56 trường đại học đào tạo sư phạm, bao gồm: 14 trường đại học sư phạm; 42 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 học viện; 3 phân hiệu và 1 khoa trực thuộc.

Với 31 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành ở trình độ cao đẳng, tính tới tháng 12/2020, quy mô đào tạo đại học sư phạm chính quy là 52.362 sinh viên; tổng số giảng viên là 5.866 người.

Thùy Linh (thực hiện)