Giấu bố mẹ đăng ký vào đại học, cô gái H’Mông 'chạm tay' vào ước mơ làm bác sĩ

26/10/2021 06:46
Tuệ Minh
GDVN- Vượt qua mọi định kiến nơi bản nghèo, nữ sinh H’Mông kiên trì theo đuổi ước mơ học đại học để trở thành bác sĩ cứu người.

Muốn làm bác sĩ vì bà nội hay bị ốm

Sinh ra và lớn lên tại một bản nghèo vùng cao, ngay từ nhỏ, Giàng Thị Mỷ, cô gái người H’Mông đã luôn ấp ủ giấc mơ về một tương lai tươi sáng, để thoát khỏi cuộc sống quanh năm vất vả bên ruộng lúa, nương ngô...

Cũng nhờ có sự kiên định, mà cô gái nhỏ nhắn Giàng Thị Mỷ trở thành sinh viên đại học đầu tiên ở thôn Tìa Chớ (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) khi vừa chính thức trở thành sinh viên trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên.

Nữ sinh Giàng Thị Mỷ với vóc dáng mảnh khảnh nhưng luôn theo đuổi ước mơ lớn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nữ sinh Giàng Thị Mỷ với vóc dáng mảnh khảnh nhưng luôn theo đuổi ước mơ lớn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Cả thôn Tìa Chớ, ngoài em ra, chẳng có bạn nào chịu kiên trì để học hết lớp 12, chứ đừng nói là đi học đại học. Nhưng em thấy cuộc sống của bà con mình quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì cực khổ quá, chỉ có đi học lên cao, mới có cơ hội thoát nghèo, mới có tương lai tươi sáng hơn. Vậy nên, mặc dù bạn bè đồng trang lứa dần dần lập gia đình hết, em vẫn luôn tin vào sự lựa chọn của bản thân”, Mỷ tâm sự.

Nhắc đến ước mơ của mình, nữ sinh không ngần ngại giãi bày: “Hồi nhỏ, trong con mắt của những đứa trẻ vùng cao như chúng em, chẳng biết đến nghề nghiệp gì ngoài giáo viên và bác sĩ. Thú thực, khi ấy, chúng em vốn vẫn chưa biết đến những ngành nghề “hot” liên quan đến lĩnh vực kinh tế như bây giờ. Nhà em lại gần trạm y tế xã, nên ngày ngày chứng kiến công việc ý nghĩa của những “thiên thần áo trắng”, em dần có một niềm yêu thích được nhen lên từ trong suy nghĩ.

Từ năm học lớp 4, mỗi lần học môn Mỹ thuật, có chủ đề “vẽ về ước mơ và nghề nghiệp yêu thích”, là lần nào em cũng vẽ tranh về bác sĩ, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Thêm một lý do nữa, đó là bà nội em thường xuyên đau yếu, cứ dăm bữa nửa tháng bà lại cần lấy thuốc, rồi lâu lâu lại phải điều trị tại trạm xá hay bệnh viện. Vậy nên, em càng có thêm động lực để theo đuổi ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi, có thể góp một phần sức mình để cứu chữa cho người bệnh”.

Nhà trong bản sâu, nên ngay từ những năm học lớp 4, lớp 5, Mỷ đã phải xa bố mẹ, gia đình để xuống điểm trường trung tâm học. Tiếp sau đó, là những chuỗi ngày đằng đẵng học nội trú tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Mỷ chăm chỉ lên thư viện đọc sách mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Mỷ chăm chỉ lên thư viện đọc sách mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Mỷ chia sẻ: “Hồi đầu, khi mới phải xa bố mẹ, xa chị gái để đi học tại điểm trường trung tâm, em cũng nhớ nhiều lắm. Em khóc suốt gần cả tháng trời, cứ khi nào nhớ nhà là lại khóc. Rất may, được thầy cô động viên, bạn bè cũng chia sẻ, nên em đã nhanh chóng quen với môi trường. Và theo thời gian, em lớn dần lên, em cũng hiểu hơn, rằng mình phải chịu khó học tập, thì mới có thể bước đến được cánh cổng trường đại học mà mình mơ ước. Thế là, những cảm xúc xa lạ ban đầu đã dần tan biến, thay vào đó, em cảm nhận được sự ấm áp của thầy cô, bạn bè ở trường học cũng giống như những người thân trong gia đình vậy”.

Cứ như vậy, cô học trò nghèo H’Mông miệt mài học tập, không chỉ chăm chú trong giờ thầy cô lên lớp, mà còn tranh thủ tận dụng tốt những giờ tự học và học nhóm cùng bạn bè để tích lũy kiến thức cho mình.

Xác định được ước mơ từ sớm, nên ngay khi vừa trở thành học sinh lớp 10, Giàng Thị Mỷ đã dành nhiều thời gian hơn cho ba môn xét tuyển khối B, là Toán, Vật lý và Hóa học. Suốt ba năm học trung học phổ thông, Mỷ yêu thích và dốc nhiều tâm tư nhất cho môn Hóa, cô học trò nhỏ đã giành giải Nhì học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh.

“Có thể đó chưa phải một thành tích gì đáng kể, nhưng với riêng bản thân em, đó cũng là động lực khiến em tự tin hơn, khi đứng trước một kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay”, nữ sinh bộc bạch.

Mỷ phụ bố mẹ chăm em nhỏ mỗi dịp về thăm nhà. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Mỷ phụ bố mẹ chăm em nhỏ mỗi dịp về thăm nhà. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Bố mẹ bảo, tự lo được thì hãy đi học!”

Với những nỗ lực học tập và nhiều đêm thức ôn thi đến tận khuya, cô học trò Giàng Thị Mỷ (lớp 12A1, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hà Giang) đã đạt tổng 26,2 điểm và giành suất vào Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên).

Tuy nhiên, một trở ngại nữa lại xuất hiện với “bông hoa của núi rừng Đông Bắc”, ngay cả khi đã có giấy báo trúng tuyển đại học về tận thôn bản.

Cô học trò người H’Mông trong một giờ học nghề. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô học trò người H’Mông trong một giờ học nghề. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Thực ra, chuyện em thi đại học là một bí mật. Em đã giấu bố mẹ, lén nộp hồ sơ để đăng ký dự thi. Trong suốt khoảng thời gian trước đó, mỗi lần em ngỏ ý với bố mẹ về ước mơ học đại học của mình, bố mẹ thường gạt đi, với lý do, gia đình mình không có điều kiện để theo.

Và em cũng tự nhận thấy những khó khăn ấy vốn đã đeo đuổi không riêng gia đình em, mà vẫn đang hiển hiện bao trùm cả thôn suốt nhiều năm qua...

Trong bản, không ít người cho rằng, con gái không cần phải đi học quá nhiều, chỉ cần biết chữ rồi ở nhà lấy chồng cho yên phận, là xong.

Tuy nhiên, em vẫn ấp ủ một niềm hy vọng nào đó, vẫn quyết tâm đi thi. Đến khi có giấy báo trúng tuyển, lại một lần nữa em đề cập đến chuyện xin bố mẹ đi học. Em thậm chí đã phải nhờ cả giáo viên chủ nhiệm đến nhà thuyết phục. Nhưng chỉ cần nghe nói đến chuyện học đại học, đã là bao khoản chi phí hiện lên trước mắt, huống hồ, ngành mà em chọn lại phải theo học đến tận 6 năm...

Lần này, bố mẹ em bảo thẳng: “Nếu tự lo được, thì hãy đi học! Bố mẹ không giúp được gì đâu”.

Nghe câu ấy, em cảm thấy rất mừng, vì em biết, trong lòng, bố mẹ cũng muốn em có thể theo đuổi ước mơ, muốn em sau này có công ăn việc làm ổn định. Nhưng nhà em nghèo khó quá, chị gái lớn vừa đi lấy chồng, nếu em đi học xa, sẽ không còn ai phụ giúp việc đồng áng, mà dưới em lại còn hai em nhỏ, đứa mới lên 3, đứa chưa đầy 1 tuổi, bố mẹ lại càng vất vả... nên mới mong em ở nhà...”, Mỷ ngập ngừng chia sẻ.

Buổi chụp kỷ yếu đáng nhớ của nữ sinh Hà Giang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Buổi chụp kỷ yếu đáng nhớ của nữ sinh Hà Giang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngừng lại một chút, nữ sinh 18 tuổi tiếp tục tâm sự: “Thương gia đình bao nhiêu, em lại càng mong muốn được đi học bấy nhiêu. Đó là cách để em thực hiện ước mơ, cũng là cách để em có thể giúp gia đình mình sau này. Thế là em quyết định liên hệ và viết đơn xin được giúp đỡ từ một bệnh viện tại Hà Giang, vốn có chính sách nhận “đỡ đầu” cho những sinh viên nghèo muốn theo học ngành y.

Cuối cùng, phía bệnh viện đã đồng ý hỗ trợ em học phí trong suốt 6 năm học, và nếu em tốt nghiệp loại ưu, em cũng sẽ được nhận vào làm. Vậy là em sẽ không phải lo đi xin việc bên ngoài, mà lại được góp sức, cống hiến cho chính quê hương của mình. Vậy nên, việc mà em cần tập trung bây giờ chính là học tập cho thật tốt”.

Từ lúc biết tin Giàng Thị Mỷ đỗ đại học, họ hàng, làng xóm ai cũng mừng vui ra mặt, vì trước đó, cả xóm chưa có ai tốt nghiệp được trung học phổ thông.

“Bà nội và các cô, các thím của em ai cũng động viên tinh thần, những lời khích lệ của mọi người cũng ít nhiều tác động đến việc em được đi học đại học, mặc dù bố là một người trầm tính và khó lay động...”, cô nữ sinh khẽ nở một nụ cười.

Giàng Thị Mỷ trong ngày chia tay gia đình để về trường nhập học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Giàng Thị Mỷ trong ngày chia tay gia đình để về trường nhập học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hiện tại, cô tân sinh viên Giàng Thị Mỷ đã về nhập học tại trường đại học. Vượt gần 400km từ quê nhà xuống thành phố Thái Nguyên, cô nữ sinh không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Nhưng may mắn, vì Mỷ còn có hai người bạn học cùng theo đuổi giấc mơ đại học, cũng xuống nhập học đợt này, nên có thể san sẻ phần nào.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Mỷ cho biết: “Vì phía bệnh viện chỉ hỗ trợ học phí, còn các chi phí sinh hoạt khác, em phải tự lo, nên em sẽ đi làm thêm để có thể trang trải trong những năm học này. Do mới từ quê xuống nên em vẫn chưa quen với môi trường ở đây, em sẽ tìm việc trong khoảng một vài tuần tới, khi đã bắt đầu quen chỗ”.

“Em đã được rất nhiều người kỳ vọng, chi sẻ và ủng hộ, nên chắc chắn, em sẽ nỗ lực hết sức mình để không phụ sự quan tâm của mọi người. Em hy vọng, mình sẽ hoàn thành tốt ngành học Bác sĩ đa khoa của mình, để có thể thực hiện ước mơ từ thơ bé”, gương mặt khả ái bỗng ánh lên một niềm tin rạng rỡ.

Tuệ Minh