Giáo viên mong mỏi nhất là Bộ dừng thực hiện các thông tư xếp hạng năm 2021

27/10/2021 07:06
KIM OANH
GDVN- Có lẽ, các Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT mới là những văn bản mà giáo viên mong muốn “ngưng” hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo nhất.

Ngày 20/10/2021, Bộ ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT Quy định ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo tại một số Thông tư do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhưng nó nhiều nhà giáo thấy hẫng hụt, tiếc nuối.

Bởi, điều mà nhiều giáo viên cần nhất, chờ đợi nhất là Bộ “ngưng” quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo tại chùm Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học cơ sở công lập nhưng lại…không thấy.

Hàng trăm ngàn nhà giáo thiếu chuẩn trình độ theo hướng dẫn của Luật Giáo dục năm 2019 và chùm Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT rất muốn Bộ kiến nghị và bổ sung “ngưng” quy định về chuẩn trình độ đào tạo tại các văn bản này vì nó liên quan trực tiếp đến việc chuyển hạng, xếp lương của giáo viên trong thời gian tới đây.

Chỉ tiếc, Bộ lại để ngỏ đối với chùm Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT được ban hành vào đầu tháng 2/2021.

Nhiều giáo viên từ cấp mầm non đến trung học cơ sở phải xuống hạng vì chưa đạt chuẩn trình độ Ảnh minh hoạ: Baodantoc.vn

Nhiều giáo viên từ cấp mầm non đến trung học cơ sở phải xuống hạng vì chưa đạt chuẩn trình độ

Ảnh minh hoạ: Baodantoc.vn

Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo ở những văn bản nào?

Tại Điều 1, Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 20/10/2021 hướng dẫn ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo ở những văn bản sau:

1. Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại điểm a khoản 3 Điều 4 Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại điểm a khoản 3 Điều 4 Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 25/2018/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Ngưng hiệu lực quy định đạt trình độ chuẩn được đào tạo tại điểm a khoản 2 Điều 5 Quy định chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư số 42/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại điểm b khoản 2 Điều 8, quy định đạt trên chuẩn trình độ đào tạo tại điểm a khoản 2 Điều 13 và điểm a khoản 2 Điều 18 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại điểm b khoản 2 Điều 8, quy định trên chuẩn trình độ đào tạo tại điểm a khoản 2 Điều 13 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại điểm b khoản 2 Điều 8, quy định đạt trên chuẩn trình độ đào tạo tại điểm a khoản 2 Điều 13 và điểm a khoản 2 Điều 18 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Ngưng hiệu lực yêu cầu về đạt chuẩn trình độ đào tạo trong tiêu chuẩn đối với giáo viên giảng dạy các chương trình giáo dục thường xuyên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

10. Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại một số điều, khoản của Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 3 năm 2016 Quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

a) Điểm c khoản 1 Điều 3 (được đính chính bởi khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1387/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);

b) Điểm b khoản 1 Điều 4 (được đính chính bởi khoản 2 Điều 1 Quyết định số 1387/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);

c) Điểm b khoản 1 Điều 5.

Như vậy, theo Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT thì có hơn chục văn bản mà Bộ ban hành đã được hướng dẫn ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo.

Giá như Bộ cũng ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo ở chùm Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT

Đọc Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT có lẽ nhiều nhà giáo nuối tiếc, hẫng hụt bởi trong hàng chục văn bản cũng quy định về chuẩn trình độ, cũng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhưng chùm Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐTthì Bộ lại không đề cập đến.

Trong khi, các Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT đang là điểm nghẽn, thể hiện nhiều bất cập nhất bởi việc giữ hạng, xếp lương mới đối với giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang gây tâm lý hoang mang đối với nhiều nhà giáo. Hàng trăm nhà giáo không đủ chuẩn trình độ ở 3 cấp học này sẽ bị xuống hạng thấp hơn khi các địa phương, trường học triển khai, thực hiện Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT.

Bởi, trong Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT quy định giáo viên mầm non hạng III (hạng thấp nhất) cũng đã yêu cầu trình độ: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên”. Đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở được quy định chuẩn trình độ tại Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT là phải có bằng cử nhân trở lên.

Tuy nhiên, trong thực tế thì còn nhiều thầy cô giáo chưa đạt được chuẩn trình độ theo các Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT bởi do những năm trước đây ngành giáo dục có nhiều chính sách đào tạo, sử dụng nhân lực cho ngành khác nhau.

Chính vì vậy, những thầy cô này không đạt được chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019, cũng như trình độ tương ứng với hạng giáo viên mà họ đã được bổ nhiệm trước đây nên việc “rớt” hạng là điều chắc chắn. Việc xuống hạng ắt sẽ dẫn đến nhiều thua thiệt cho hàng trăm ngàn nhà giáo trong thời gian tới đây.

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng việc Bộ vừa ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT cũng là điều phù hợp nhưng sẽ phù hợp hơn nếu cũng được áp dụng ở các Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT cho đến khi ngành thực hiện xong lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên.

Bởi lẽ, trong tất cả các văn bản mà Bộ ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo thực ra không ảnh hưởng nhiều đến đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ.

Lúc này, Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT mới là những văn bản mà giáo viên mong muốn “ngưng” hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo nhất. Chỉ tiếc, nó lại nằm ngoài những văn bản mà Bộ đã hướng dẫn trong Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT vừa qua.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-29-2021-tt-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-211387-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH