Mong muốn đất nước hùng cường và tư duy về công tác cán bộ

29/10/2021 06:56
Xuân Dương
GDVN- Trong hàng tỷ cá nhân cùng lứa, người biết vận dụng bài học quá khứ cho hiện tại là người xuất sắc, biết chắt lọc hiện tại cho tương lai là thiên tài.

Chính sách cán bộ và hiện trạng đội ngũ cán bộ:

Nền kinh tế mà nhân loại đang vận hành được gọi là nền kinh tế tri thức. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư được gọi là “Cách mạng 4.0”, trong cuộc cách mạng này, những người làm khoa học - các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ,… là lực lượng quyết định thành bại.

Không phải chỉ thời đại “kỹ thuật số” với những biến đổi diễn ra trong phần triệu giây mà từ ngày xửa ngày xưa, những sự kiện xảy ra trước mắt con người ngay lập tức trở thành quá khứ.

Loài người không chỉ thông minh hơn các loài động vật mà ngay trong cùng một chủng tộc, một quần thể, cũng có những cá nhân vượt trội hơn tất cả.

Trong hàng tỷ cá nhân cùng lứa, người biết vận dụng bài học quá khứ cho hiện tại là người xuất sắc, biết chắt lọc hiện tại cho tương lai là thiên tài.

Có một nghịch lý là chính lúc cần đến trí tuệ của đội ngũ trí thức thì không ít người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ lại bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự vì những hoạt động liên quan đến chức vụ trong bộ máy chứ không phải chuyên môn của họ.

“Triết học Mác - Lênin cho rằng những sự thay đổi về lượng sẽ dẫn tới những sự thay đổi về chất. Ph. Ăng-ghen đã khái quát điều này thành Quy luật Lượng - Chất: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất”.

Điều này có nghĩa là mọi sự vật trên trái đất, trong vũ trụ luôn biến đổi. Một cá thể, một quần thể, một tổ chức, một quốc gia hoặc một thể chế không muốn thay đổi, không dám thay đổi sớm muộn sẽ đánh mất vị thế, sẽ bị đào thải khỏi tiến trình phát triển.

Ảnh minh họa trên Dangcongsan.vn

Ảnh minh họa trên Dangcongsan.vn

Một vị Giáo sư, Tiến sĩ như cựu Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn vì sao lại trở thành tội phạm (đã chính thức bị khởi tố)?

Nguyên nhân là do đương sự “tự chuyển hóa”, sa đọa về đạo đức, nhân cách hay cũng còn do việc đặt đương sự vào vị trí không phải là sở trường của họ?

Ngay cả khi đã bị khởi tố, không thể khẳng định trình độ chuyên môn của ông Tuấn là yếu kém, chưa thể kết luận những thay đổi về đạo đức của ông theo chiều hướng xấu đi nhưng có thể thấy rõ những thiệt hại gây ra bởi sự lãnh đạo của ông tại nơi ông làm Giám đốc.

Sự thay đổi cả tâm lẫn tầm không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, phải “đến một mức độ nhất định” sự thay đổi mới làm cho người ta chuyển hóa từ một chuyên gia giỏi thành một tội phạm – tức là chuyển sang trạng thái mới, khác với sự vật cũ về bản chất.

Nhìn từ quan điểm vĩ mô, phải chăng đất nước chúng ta thời điểm này đã chuyển biến “đến một mức độ nhất định” và vì vậy rất, rất nhiều ý kiến nói về “đổi mới cơ chế, đổi mới tư duy”, cũng không ít ý kiến đề xuất: “thay đổi cơ chế, thay đổi tư duy”.

Cụm từ “đổi mới tư duy” được gắn với các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, đối ngoại, giáo dục và đào tạo,... chẳng hạn:

“Đổi mới tư duy, cơ chế, chính sách để khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá đưa đất nước phát triển mạnh mẽ”. [1]

“Quá trình đổi mới tư duy đối ngoại đa phương của Đảng từ Đại hội VI đến nay”. [2]

“Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả”. [3]

Một số bài viết sử dụng cụm từ “thay đổi tư duy”, chẳng hạn:

“Thay đổi tư duy quản lý để thúc đẩy nội lực nền kinh tế”. [4]

“Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì không thể có đột phá”. [5]

“Thay đổi tư duy trong giáo dục để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. [6]

Riêng công tác cán bộ, có rất nhiều bài viết về chủ đề “Đổi mới công tác cán bộ” nhưng “đổi mới tư duy về công tác cán bộ” thì lại khá hiếm, ngoại trừ bài:

“Cần đổi mới tư duy trong công tác cán bộ”. [7]

Báo chí cũng đề cập nhiều ý kiến liên quan đến “thay đổi cơ chế” nhưng chỉ tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục chẳng hạn:

“Thay đổi cơ chế quản lý, tạo điều kiện để giáo dục “cất cánh”; Kiến nghị thay đổi cơ chế giá; Đã đến lúc thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực; Thay đổi để triệt cơ chế xin cho; Đề xuất thay đổi cơ chế giao vốn bảo trì đường sắt…”.

Một số lĩnh vực cũng cần sự đổi mới hoặc thay đổi nhưng ít thấy truyền thông đại chúng đề cập ngoại trừ các tạp chí chuyên ngành, chẳng hạn Tạp chí Cộng sản có bài viết:

“Đổi mới chính trị nhưng không làm thay đổi chế độ chính trị”. [8]

Như đã nói, công tác cán bộ được đề cập rất nhiều trong các văn kiện của Đảng, trong các đạo luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên có một câu hỏi cần làm sáng tỏ là “Có hay không sự khác nhau giữa “Đổi mới công tác cán bộ” và “Đổi mới tư duy về công tác cán bộ”?”.

Người viết cho rằng hiện nay “đổi mới công tác cán bộ” là đổi mới qui trình thực hiện công tác cán bộ qua các công đoạn bồi dưỡng, giới thiệu, đề bạt, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, kê khai tài sản (của một bộ phận cán bộ và các đối tượng liên quan),...

Đổi mới tư duy công tác cán bộ có phải cũng thuộc về chiến lược tổng thể “đổi mới thể chế” nhằm đạt được mục tiêu - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa 13:

“Không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

Bốn vấn đề sau đây có phải là những biểu hiện liên quan đến “tư duy công tác cán bộ”:

Thứ nhất, người đã được lựa chọn, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp làm lãnh đạo thì chắc chắn có thể làm tốt nhiệm vụ được giao (nếu sau đó đương sự không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”).

Nói cách khác, người được lựa chọn sẽ là người xứng đáng (nhất?) trong cương vị lãnh đạo cơ quan, lĩnh vực mà người đó sẽ trở thành người đứng đầu (hoặc cấp phó của người đứng đầu).

Thứ hai, mỗi vị trí lãnh đạo, nhân sự được lựa chọn phải có một số loại văn bằng tương ứng, không quan trọng đó là bằng chính quy, tại chức hay chuyên tu, cũng không quan trọng chuyện học lực trung bình, khá hoặc giỏi. Thiếu hoặc chưa có bằng cấp sẽ không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm.

Thứ ba, nhân sự có đầy đủ ba loại bằng cấp: chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý nhà nước nói chung đều có thể làm tốt vai trò lãnh đạo doanh nghiệp, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội,… Nói cách khác là có thể làm thủ trưởng tại bất kỳ cơ quan, đơn vị nào.

Thứ tư, lý lịch, truyền thống gia đình.

Tháng 5/20218, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về công tác cán bộ.

Tại mục “Quan điểm” Nghị quyết 26-NQ/TW có đoạn:

“Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp uỷ, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ”.

Nghị quyết khẳng định trách nhiệm trực tiếp về công tác cán bộ là “cấp uỷ, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng”.

Phải chăng sự thay đổi tư duy công tác cán bộ cũng nên được thực hiện ở chính các cơ quan và cá nhân “chịu trách nhiệm trực tiếp” mà Nghị quyết 26-NQ/TW đề cập?

Vậy phải chăng đã đến lúc việc lựa chọn cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu phải căn cứ vào kết quả công việc đã làm trong quá khứ chứ không phải chỉ căn cứ vào hồ sơ, lý lịch và quy hoạch?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nhandan.vn/khoahoc-congnghe/doi-moi-tu-duy-co-che-chinh-sach-de-khoa-hoc-va-cong-nghe-tro-thanh-khau-dot-pha-dua-dat-nuoc-phat-trien-manh-me-632703/

[2]https://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Thay-doi-tu-duy-quan-ly-de-thuc-day-noi-luc-nen-kinh-te-i563503/

[3]https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/nghi-quyet-va-cuoc-song/nhung-nhan-thuc-moi-va-tu-duy-moi-ve-quoc-phong-viet-nam-can-quan-triet-sau-sac-va-trien-khai-thuc-hien-hieu-qua-657176

[4]http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/3667-qua-trinh-doi-moi-tu-duy-doi-ngoai-da-phuong-cua-dang-tu-dai-hoi-vi-den-nay.html

[5]https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/neu-khong-thay-doi-ve-tu-duy-kinh-te-thi-khong-the-co-dot-pha-1491861561

[6] https://tuyengiao.vn/khoa-giao/giao-duc/thay-doi-tu-duy-trong-giao-duc-de-gop-phan-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-125334

[7]https://dantri.com.vn/dien-dan/can-doi-moi-tu-duy-trong-cong-tac-can-bo-1320453101.htm

[8]https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/doi-moi-chinh-tri-nhung-khong-lam-thay-doi-che-do-chinh-tri

Xuân Dương