Không tổ chức ăn sáng, chỉ học nửa ngày làm khó phụ huynh và các trường mầm non

02/11/2021 06:27
Việt Dũng
GDVN- Nhiều phụ huynh, các nhà quản lý trường mầm non cho rằng, dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục có nhiều quy định khó thực hiện được.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Ủy ban nhân dân thành phố dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó có các quy định áp dụng đối với trẻ mầm non.

Theo đó, Sở này đã trình nội dung dự thảo là trẻ mầm non có thể quay trở lại trường, nhưng chỉ học một buổi, không tổ chức ăn sang, phải tách lớp và chia ca.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều phụ huynh và các nhà quản lý trường mầm non lại cho rằng, những quy định này sẽ rất khó thực hiện được với trẻ mầm non.

Không hợp lý khi trẻ mầm non chỉ được học một buổi

Chị Phạm Thị Phương Trang, nhà ở phường 21, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà chị có hai con đang ở độ tuổi học mẫu giáo tại trường mầm non song ngữ ở quận 1.

Bản thân chị rất mong muốn con sớm được trở lại trường, để có thể yên tâm đi làm. Tuy nhiên, khi đọc dự thảo kế hoạch của Sở Giáo dục, chị Trang nói rằng, nếu trẻ không được ăn sáng tại trường, mà chỉ học có một buổi sáng thì là điều hoàn toàn không hợp lý, làm khó cho phụ huynh.

Hiện nay, hàng ngày, chị Trang phải nhờ ông bà trông con hộ, chiều đón về nhà. Tốt nhất vẫn là các con được đến trường, gần gũi các cô, vui chơi với bạn bè, mà chỉ học có nửa buổi lại phải đến đón con về thì sẽ vô cùng vất vả.

Chị Phương Trang khẳng định rằng: “Tốt nhất tôi sẽ vẫn nhờ ông bà trông hộ cho đến khi cả hai con được học cả ngày thi mới gửi đến trường”.

Cũng đồng quan điểm này, chị Phan Thu Nga, nhà ở phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức cho biết: Hiện chị vẫn phải bỏ chi phí thuê người đến trông hai con hàng ngày, để cho vợ chồng chị yên tâm đi làm.

Dự thảo kế hoạch đi học trở lại có nhiều quy định khó áp dụng cho trẻ mầm non (ảnh minh họa: P.L)

Dự thảo kế hoạch đi học trở lại có nhiều quy định khó áp dụng cho trẻ mầm non (ảnh minh họa: P.L)

Thế nhưng, nếu dự thảo kế hoạch này được phê duyệt, đưa vào áp dụng thì chị Nga cũng sẽ đợi đến khi các con được ăn sáng, học cả ngày thì mới gửi con đi học, vì chi phí thuê người trông hai con cũng gần bằng chi phí cho các con đi học, mà nếu đi học theo dự thảo kế hoạch thì chỉ nửa buổi, lại mất công buổi trưa phải từ chỗ làm đến đón con về.

Có thể cho trẻ 5 tuổi đi học trước

Cũng đã có tìm hiểu từ trước dự thảo kế hoạch đi học trực tiếp này, cô Phạm Thị Thu Diễm – Hiệu trưởng Trường mầm non 1, phường 1, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Dự thảo kế này chưa thể áp dụng tốt cho trẻ mầm non, làm khó phụ huynh.

Cô Thu Diễm giải thích: Do đặc thù của lứa tuổi trẻ mầm non, trẻ cần được ăn sáng và trường phải có tổ chức bán trú, thì ba mẹ mới yên tâm mà đi làm, trông chờ hết vào cô giáo và nhà trường.

Còn nếu không bán trú, buổi trưa phụ huynh lại phải đón trẻ về, người lớn lại phải cho trẻ ăn thì rõ ràng có nhiều bất cập.

Về giải pháp chia ca, tách lớp, cô Thu Diễm nói, với các trường mầm non công lập có thể thực hiện được. Lớp chia làm đôi, thì trẻ sẽ có nhiều không gian thông thoáng hơn, đảm bảo tốt hơn về yêu cầu phòng chống dịch.

Tuy nhiên, cô Thu Diễm đề xuất: Nên chăng, trong giai đoạn đầu thì chỉ áp dụng cho trẻ 5 tuổi, hoặc chí ít là thêm trẻ 4 tuổi đi học trước. Do đây là những độ tuổi phổ cập, trước khi trẻ vào học lớp 1, cần chuẩn bị nhiều thứ hơn.

Trong trường hợp dịch bệnh đỡ phức tạp thì có thể cho thêm trẻ 3 tuổi đi học, còn những trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn thì chưa nên cho đi học vội, có thể cho trẻ ở nhà để phụ huynh hay ông bà, người thân chăm sóc.

Trẻ học một buổi: Thà không làm còn hơn

Nói về dự thảo kế hoạch đi học trở lại này, anh Nguyễn Minh Tuấn – Chủ đầu tư Trường mầm non Ngôi làng vui vẻ, quận Bình Thạnh nói: Dự thảo kế hoạch nói là không được bán trú là không thuận tiện một chút nào cho phụ huynh. Vì phụ huynh đang đi làm, trưa phải về đón con là rất khó.

“Chắn chắn là phụ huynh không thể hài long khi trẻ mầm non chỉ được học có nửa buổi, rồi trưa lại phải đến đón về” – anh Tuấn cho hay.

Là một nhà đầu tư trường mầm non tư thục, anh Tuấn cho rằng, dự thảo kế hoạch này nếu đưa vào áp dụng thì thà các trường mầm non tư thục không làm còn hơn.

Lý do là khi các trường mở cửa hoạt động trở lại, học sinh đi học thì tiền thuê mặt bằng các trường đều phải trả đủ. Tiền lương cho các nhân sự phục vụ cũng vẫn phải trả bình thường, mà tiền học phí chỉ thu được có nửa buổi.

Theo anh Nguyễn Minh Tuấn, nếu trường mầm non chỉ mở nửa buổi, nguy cơ lây nhiễm có xuất hiện ca F0 vẫn có thể xảy ra, thì cũng như nhau hết. Rõ ràng, đây là hạn chế của phương án này, không thể hiệu quả về mặt phòng chống dịch.

Giải pháp tách lớp, chia ca cũng sẽ khó áp dụng cho các trường mầm non tư thục, do loại hình trường này số phòng, lớp học cũng còn nhiều hạn chế hơn các trường mầm non công lập, nên phân ra cũng rất khó.

Anh Nguyễn Minh Tuấn đề xuất: “Nên chăng Sở Giáo dục nên áp dụng bộ tiêu chí xây dựng trường mầm non, lấy diện tích chia cho số trẻ, sẽ diện tích được áp dụng cho mỗi trẻ trong lớp học, và đảm bảo khoảng cách tốt nhất giữa các bé.

Hợp lý nhất là nên tổ chức như bình thường. Các giáo viên, nhân viên của trường được tổ chức xét nghiệm tầm soát Covid-19 theo mỗi tuần, hay 2 tuần/lần. Trẻ mầm non đến lớp cũng có thể áp dụng xét nghiệm hàng tuần, nhưng thay vì lấy que chọc mũi thì có thể lấy bằng nước bọt, nhưng yêu cầu này có thể hơi khó thực hiện lúc này.”

Nhìn chung, dự thảo kế hoạch này theo anh Tuấn là hoàn toàn không thuận tiện cho trẻ mầm non, áp dụng với học sinh bậc phổ thông thì hợp lý hơn.

Việt Dũng