“Viết chữ đẹp” – vấn đề nan giải cho giáo dục tiểu học khi học online

07/11/2021 08:00
Lê Hoàng Trung (Trường Đại học Cửu Long)
GDVN- Giáo viên không thể “tự tay” rèn cho học sinh từng nét chữ thì rõ ràng việc viết chữ đẹp đối với học sinh tiểu học (đặc biệt là lớp 1) là việc không thể.

Tôi vô tình đọc được bài viết của tác giả Đăng Nguyên về vấn đề “Học sinh có cần rèn chữ đẹp khi chủ yếu gõ bằng chữ máy tính, điện thoại?” đăng trên báo Thanh Niên online ngày 04/11/2021 xoay quanh đoạn tin nhắn giữa một phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm về việc rèn chữ tiếng Việt.

Sau khi đọc xong bài viết, tôi có một số suy nghĩ mang tính chất cá nhân về vấn đề “viết chữ đẹp”, xin được chi sẻ cũng với độc giả.

“Viết chữ đẹp” là một yêu cầu đối với người học

Ở cấp tiểu học, mục tiêu giáo dục là “hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở” (mục 2, điều 29, Luật Giáo dục 2019).

Trong mục tiêu trên, mặc dù không đề cập trực tiếp đến việc viết chữ đẹp cho học sinh tiểu học nhưng việc rèn luyện cho trẻ tính “thẩm mỹ” trong việc rèn luyện con chữ do mình viết ra là hết sức cần thiết.

Theo tôi, chữ đẹp là một trong những yêu cầu cơ bản đối với tất cả các học sinh khi học và viết chữ. Không riêng gì ở cấp tiểu học mà tất cả các cấp học khác cũng vậy, bởi “nét chữ nết người”.

Khi đọc và chấm các bài viết của học sinh thì giáo viên luôn có ấn tượng tốt đối với những bài viết với nét chữ đẹp, dễ đọc. Vấn đề này càng quan trọng đối với các em học sinh học ở cấp tiểu học.

Ở bậc tiểu học, giáo viên (đặc biệt là giáo viên dạy tiếng Việt) luôn yêu cầu học sinh của mình phải “rèn” nét chữ với mong muốn là các cháu viết đẹp và dễ đọc.

Ảnh minh hoạ: Ninhbinh.edu.vn

Ảnh minh hoạ: Ninhbinh.edu.vn

Đây là yêu cầu mang tính tích cực và thường được đa số phụ huynh học sinh tán đồng, bởi ai cũng muốn con cháu của mình viết chữ đẹp.

Không chỉ vậy, khi con cháu mình được thầy cô khen là viết chữ đẹp thì đó còn là “niềm tự hào” của phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, do các bé còn rất nhỏ và khả năng của các bé khác nhau nên giáo viên và cả phụ huynh cũng không thể nào bắt buộc “trăm phần trăm” học sinh và con em của mình phải viết chữ đẹp. Hầu hết chỉ cần các bé viết rõ nét và dễ đọc là được.

…nhưng rất khó để học sinh “viết chữ đẹp” khi học trực tuyến (online)

Khi dịch bênh Covid-19 bùng phát trên thế giới và ở Việt Nam, để học sinh không bị chậm chương trình học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên có hiệu lực từ ngày 16/5/2021.

Đây được xem là cở sở để các sở giáo dục và các trường xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy và học trực tuyến cho các cấp học.

Vấn đề đặt ra là hiệu quả mang lại từ hình thức dạy và học trực tuyến, đặc biệt là đối với cấp tiểu học. Đối với giáo viên, các thầy cô giáo bao năm đã quen với việc lên lớp và rèn luyện từng nét chữ, từng hoạt động cho học sinh thì nay phải “loay hoay” soạn các bài giảng để dạy trực tuyến. Dạy học trực tuyến thì giáo viên và học sinh không thể tương tác trực tiếp.

Giáo viên không thể tự tay rèn cho học sinh từng nét chữ thì rõ ràng việc viết chữ đẹp đối với học sinh tiểu học (đặc biệt là lớp 1) là việc không thể.

Giáo viên không thể nắn nót từng con chữ lên bảng và bảo học sinh viết theo khi học trực tuyến.

Do đó, mỗi bé sẽ viết theo một kiểu khác nhau và rất thiếu kiểm soát. Kết quả là tỉ lệ các cháu viết chữ đẹp sẽ rất hiếm thậm chí là không có.

Giải pháp về “chữ viết” khi học trực tuyến

Theo tôi, học trực tuyến chỉ là một hình thức “chống cháy” trong tình hình dịch. Do đó, giáo viên bậc tiểu học cần tập trung vào những yêu cầu trọng tâm của việc dạy và học để đảm bảo yêu cầu cơ bản của nội dung chương trình. Đối với việc viết chữ đẹp, giáo viên cần gương mẫu để học sinh noi theo.

Trong giờ học, giáo viên không phải chỉ ngồi trước máy vi tính để truyền đạt các nội dung bài học mà còn phải “thực hành” viết để các em viết theo.

Việc này đòi hỏi nhà trường cần trang bị các thiết bị có thể ghi lại hay phát trực tiếp các clip mà giáo viên viết bảng.

Chính những tiết học mà giáo viên viết chữ trực tiếp sẽ kích thích và tạo động lực để học sinh viết theo, hoặc là cơ sở để phụ huynh dạy kèm thêm cho các bé tại nhà.

Giáo viên không nên đòi hỏi các em phải viết chữ đẹp trong thời gian dạy và học trực tuyến.

Trong lúc dạy và học trực tuyến, giáo viên nên động viên và khuyến khích các em rèn luyện chữ viết.

Phụ huynh của các em có thể “chụp” các bài viết của các bé và gửi cho giáo viên qua Nhóm của lớp qua các công cụ như Zalo, Facebook.

Giáo viên có trách nhiệm đọc và có những góp ý trực tiếp cho phụ huynh và nhờ phụ huynh hỗ trợ rèn thêm cho các em.

Đồng thời, giáo viên cần khích lệ và có những hình thức “khen” những bé viết đẹp. Đó cũng là động lực để các bé khác cố gắng rèn luyện chữ viết để viết đẹp hơn và để được thầy cô khen ngợi.

Thay lời kết

Ông bà ta thường nói “nét chữ nét người”. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, việc dạy và học trực tuyến chỉ là một trong những cách thức mang tính chất tạm thời. Hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến chắc chắc sẽ không cao.

Vì vậy, việc yêu cầu học sinh (đặc biệt là học sinh tiểu học) viết chữ đẹp là một điều không thể và không khả thi.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể của học sinh mà giáo viên sẽ có những cách để dạy và nhờ phụ huynh học sinh hỗ trợ thêm.

Trong giai đoạn này, viết đúng, viết đủ, viết đọc được là đã đủ yêu cầu đạt ra. Chúng ta không nên đòi hỏi quá cao khi các điều kiện không cho phép. Hãy nên nhớ rằng:

“Chữ đẹp nào phải hoa tay

Ta chăm luyện tập hàng ngày đâu quên.

Gắng công ra sức chí bền

Gian nan rèn luyện mới nên con người”.

Tài liệu tham khảo:

1. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/viet-chu-dep-da-loi-thoi-98398.html

2. https://vnexpress.net/bat-hoc-sinh-viet-chu-dep-de-lam-gi-4251646.html

3. https://thanhnien.vn/hoc-sinh-co-can-ren-chu-dep-khi-chu-yeu-go-chu-bang-may-tinh-dien-thoai-post1397934.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Hoàng Trung (Trường Đại học Cửu Long)