Xếp hạng đại học là xu hướng không thể đảo ngược

06/11/2021 06:55
Thùy Linh
GDVN- Sau ARWU đó là sự ra đời của bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) và THE (Times Higher Education)…dần dần ngày càng xuất hiện nhiều bảng xếp hạng khác nhau.

Hiện nay các luồng thông tin đánh giá về xếp hạng đại học đều rất khác nhau. Để hiểu rõ hơn về vai trò của xếp hạng đại học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia; Ủy viên Hội đồng cố vấn - Kênh chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Phóng viên: Ông có thể cho biết vai trò của xếp hạng đối với xu thế phát triển của các trường đại học trên thế giới hiện nay?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Xu hướng xếp hạng đại học hiện nay ngày càng đa dạng, trong vòng 20 năm từ 1983-2003 chỉ có bảng xếp hạng cấp quốc gia.

Khởi thủy của bảng xếp hạng cấp quốc tế bắt đầu từ Trường Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc vào năm 2003, khi nước này có mục tiêu đối sánh năng suất và chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học hàng đầu Trung Quốc với các trường đại học hàng đầu thế giới, nhằm định hướng chiến lược và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển đại học. Đó là bảng xếp hạng ARWU.

Sau ARWU đó là sự ra đời của bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) và THE (Times Higher Education)…dần dần ngày càng xuất hiện nhiều bảng xếp hạng khác nhau với cách tiếp cận và mục tiêu, tiêu chí đánh giá riêng.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia (ảnh: NVCC)

Từ chỗ có các bảng xếp hạng quốc tế đến việc bắt đầu có bảng xếp hạng khu vực, theo tuổi đời của trường đại học, theo quy mô của nhà trường, từng ngành cụ thể…cho thấy các loại bảng xếp hạng ngày càng đa dạng.

Tôi cho rằng, xếp hạng đại học giống như một thang đo, nếu coi nó là phương tiện thì nó đo lường khách quan về hoạt động của nhà trường đồng thời so sánh được với các trường khác (bao gồm cả trường trong nước, quốc tế) theo từng tiêu chí, từ đó có phân tích thêm để đưa ra điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên nếu kiểm soát không tốt, chạy theo nó thì sẽ lạm dụng trở thành xếp hạng- vị xếp hạng.

Ví dụ, tỷ lệ giảng viên quốc tế là một tiêu chí của rất nhiều bảng xếp hạng đại học. Nếu coi là phương tiện thì xác định môn học nào, hoạt động nào cần sự hiện diện của người nước ngoài khi đó sẽ tuyển, tức là đi vào thực chất.

Nhưng nếu không coi thực chất thì tìm mọi cách tuyển ồ ạt, vơ vét giảng viên không đủ tiêu chuẩn, trình độ thấp…chỉ vì chạy theo mà bất chấp như vậy thì không những không có hiệu quả mà còn tiêu tốn nhiều nguồn lực.

Theo ông, khi bàn về lĩnh vực “xếp hạng đại học” thì chúng ta cần thống nhất với nhau về những nội dung nào?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Tôi cho rằng, từ góc độ các trường, thực tiễn và nghiên cứu cho thấy những bất biến của xếp hạng đại học là sự đa dạng và thay đổi liên tục. Bản thân trường đại học không nằm ngoài nền kinh tế, xu hướng phát triển của của xã hội do đó khi nền kinh tế thay đổi thì trường đại học cũng thay đổi theo, mà trường đại học thay đổi thì bảng xếp hạng cũng sẽ thay đổi.

Tuy vậy, dù là bảng xếp hạng nào thì cũng xoay quanh những sứ mệnh, nhiệm vụ của một trường đại học như giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quốc tế hóa, chuyển giao tri thức… Chỉ có điều với mỗi bảng xếp hạng sẽ có cách tính, tiêu chí cụ thể khác nhau với các trọng số khác nhau.

Và bản thân các tiêu chí, trọng số đó cũng thay đổi theo thời gian để phù hợp với sự vận động của cuộc sống.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chắc sẽ không thể nào quay trở về thời điểm không tồn tại hoặc “dẹp” bảng xếp hạng đi bởi lẽ xếp hạng là một phần tất yếu của hệ sinh thái giáo dục đại học trên toàn thế giới.

Cũng như nói đến khách sạn là nói đến chấm 3 sao, 4 sao hay 5 sao… thì giáo dục đại học, ranking sẽ là một phần tất yếu của nó.

Từ góc độ quản lý nhà nước cũng có nhiều quan điểm về việc nhìn nhận bảng xếp hạng đại học, có những nước chỉ theo 1 bảng xếp hạng nhất định. Ví như Malaysia trong báo cáo đặc biệt về giáo dục đại học năm 2015 Chính phủ họ tuyên bố theo bảng xếp hạng QS.

Nhưng có những quốc gia thì lại theo nhiều bảng xếp hạng hoặc cũng có nước không thống nhất là sử dụng một loại nào mà để các trường tự thích ứng, thay đổi.

Tất cả những điều đó cho thấy sự đa dạng giữa nước này với nước kia về quan điểm xếp hạng đại học.

Có ý kiến cho rằng, xếp hạng quốc tế chỉ nên được xem là công cụ tham khảo nếu nó phù hợp với sứ mạng của từng trường và của từng quốc gia. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Đúng, tôi cũng đồng quan điểm là coi xếp hạng đại học là công cụ. Khi đã là công cụ thì mình dùng đến đâu là quyền của mình. Ví dụ, trường A theo chuẩn của THE thì họ có chiến lược, hoạt động sẽ định hướng theo hoạt động của bảng xếp hạng này.

Nhưng không có nghĩa họ không được xếp hạng ở QS hay ARWU mà hoàn toàn vẫn có khả năng lọt vào 2 bảng xếp hạng này nhưng chỉ là tham khảo.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

Thùy Linh