Hiệu trưởng không phải chức danh suốt đời, không thể quy đổi bằng cử nhân QLGD

07/11/2021 06:41
KIM THU
GDVN- Quan điểm người viết cho rằng việc đề xuất quy đổi bằng cử nhân quản lý giáo dục sang cử nhân chuyên môn để được xếp hạng II là chưa phù hợp.

Sau bài viết “ Hiệu trưởng, hiệu phó có bằng cử nhân quản lý giáo dục vẫn không đủ chuẩn, vô lý” của tác giả Lê Minh đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh nhiều Hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở đã có bằng cao đẳng sư phạm, có bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng vẫn không được quy đổi sang chuẩn trình độ theo hướng dẫn của Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT do đó các Hiệu trưởng dù bản thân đã có bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng vẫn bị xuống hạng III mới, thay vì đã được bổ nhiệm là giáo viên tiểu học hạng II mới.

Người viết cho rằng những hiệu trưởng trên được bổ nhiệm là giáo viên hạng III mới là hợp lý.

Hiệu trưởng cũng là giáo viên phải đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn

Ý kiến của tác giả Lê Minh xuất phát từ những việc có thật, là mong mỏi của các vị hiệu trưởng, đề xuất tuy có tình nhưng về lý thì chưa phù hợp.

Quan điểm người viết cho rằng việc đề xuất quy đổi bằng cử nhân quản lý giáo dục sang cử nhân chuyên môn để được xếp hạng II là chưa phù hợp vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, hiệu trưởng cũng xuất phát từ giáo viên, hưởng lương ngạch giáo viên

Vì ngành giáo là ngành đặc thù nên hiện nay chỉ có việc quy định xếp lương giáo viên theo các hạng mà chưa có quy định nào phân biệt lương hiệu trưởng, giáo viên, hiệu trưởng làm công tác quản lý thì có thêm phụ cấp chức vụ.

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường công lập theo quy định vẫn phải đảm bảo có kiến thức chuyên môn, giảng dạy số tiết nhất định như hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 4 tiết/tuần.

(Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)

(Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)

Luật Giáo dục 2019 và các Luật Giáo dục trước đây đều quy định duy nhất là chuẩn trình độ đào tạo ở các cấp học, bậc học cho nhà giáo mà không phân biệt hiệu trưởng, giáo viên.

Bên cạnh đó, việc học các khóa bồi dưỡng quản lý chủ yếu là do yêu cầu công việc để nắm bắt nhiệm vụ quản lý, để được bổ nhiệm nhiệm vụ quản lý và thường các khóa học này do nhà nước chi trả kinh phí.

Thứ hai, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không phải chức danh suốt đời

Như đã trình bày ở trên, ngành giáo dục là ngành đặc thù đa số hiệu trưởng xuất phát từ giáo viên, hầu như không có người từ trường cán bộ quản lý giáo dục ra trường và được bổ nhiệm hiệu trưởng,… nên khi bổ nhiệm thì họ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quản lý.

Do đó, đương nhiên phải đạt chuẩn về chuyên môn, có kiến thức quản lý, và khi đó sẽ có nhiều hiệu trưởng làm không tốt công tác quản lý của mình hoặc vi phạm xử lý kỷ luật cách chức lúc đó có thể thôi nhiệm vụ hiệu trưởng thì khi đó họ sẽ vẫn là giáo viên.

Khi đó, đương nhiên họ vẫn rất cần văn bằng chuyên môn đạt chuẩn quy định.

Ngành giáo dục là ngành đặc thù không giống các ngành khác giống như kế toán trưởng có bằng kế toán nếu không làm kế toán trưởng thì có thể làm nhân viên kế toán bình thường, người học quản lý hành chính nếu không làm cán bộ thì vẫn có thể làm nhân viên,…

Nhưng nếu hiệu trưởng không có trình độ đạt chuẩn chuyên môn, nếu không làm hiệu trưởng sẽ phải mất việc vì không còn vị trí nào khác khi không có chuyên môn. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không phải chức danh suốt đời.

Bổ nhiệm hiệu trưởng không có bằng đại học ở hạng III là phù hợp?

Trong bài viết tác giả Lê Minh đã phản ánh một số hiệu trưởng có trình độ cao đẳng sư phạm, có bằng cử nhân quản lý đang ở hạng giáo viên tiểu học hạng II (mã số V07.03.07) theo Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nhưng do không có trình độ đại học (cử nhân) nên phải “xuống hạng” III nhưng thực tế ở hạng II cũ có hệ số lương 2,34 - 4,98 khi “xuống hạng” III mới vẫn là hệ số lương 2,34 - 4,98 tức là không có thay đổi về lương.

Tại khoản 3. Điều 9. Điều khoản chuyển tiếp có quy định “Trường hợp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.03.28) nên bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.03.28) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.”

Do đó, chuyển xếp những hiệu trưởng trên xuống hạng III mới là có cơ sở.

Tuy nhiên tại mục 3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của Giáo viên tiểu học hạng III của Thông tư 02 có quy định:

“a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;…”

Và tại Điều 6. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học

“1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này…”

Nên có thể hiểu để được bổ nhiệm giáo viên hạng III mới thì giáo viên tiểu học phải đạt chuẩn trình độ đào tạo, tức là có bằng cử nhân trở lên.

Nếu các vị hiệu trưởng trên còn trong lộ trình nâng chuẩn hoặc không thuộc đối tượng nâng chuẩn thì người viết cho rằng việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường tiểu học chưa có bằng đại học trên vào giáo viên hạng III mới cũng là có sự hợp lý.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, muốn giữ nhiệm vụ hiệu trưởng vẫn phải hoàn thành đạt chuẩn trình độ đào tạo theo lộ trình như giáo viên.

Do đó theo quan điểm người viết, việc xếp lương hiệu trưởng trên hạng III là hợp lý nếu vẫn còn trong lộ trình nâng chuẩn theo Nghị định 71/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho những giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã đạt chuẩn trước đây còn trong lộ trình nâng chuẩn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cống hiến nhiều năm đạt các tiêu chuẩn khác, có thành tích thì được hưởng lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hạng III mà không phải không được xếp hạng, hưởng lương không đạt chuẩn như quy định tại các chùm Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM THU