Không quy đổi bằng cử nhân QLGD, hiệu trưởng, hiệu phó tụt hạng còn lãnh đạo ai?

08/11/2021 09:04
LÊ MINH
GDVN- Bằng đại học chuyên môn và bằng đại học Quản lý giáo dục thì bằng nào phù hợp và giúp cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng quản lý nhà trường được tốt hơn?

Thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh những bất cập trong việc thực hiện xếp hạng cho giáo viên theo Thông tư 02, 03/TT-BGDĐT. Đặc biệt là đối với những nhà giáo đang làm công tác quản lý ở các trường tiểu học, trung học cơ sở đã có bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng không được quy đổi để đảm bảo đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019.

Những bài viết này đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà giáo trên cả nước và cũng đã có rất nhiều ý kiến đồng tình, mong muốn Bộ có những điều chỉnh cho phù hợp, không nên cứng nhắc, máy móc trong câu chữ mà khiến cho nhiều nhà giáo đang là quản lý ở các nhà trường bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, ngày 07/11/2021, tác giả Kim Thu có bài viết: "Hiệu trưởng không phải chức danh suốt đời, không thể quy đổi bằng cử nhân Quản lý giáo dục", phản biện lại bài viết: "Hiệu trưởng, hiệu phó có bằng cử nhân Quản lý giáo dục vẫn không đủ chuẩn, vô lý" của tác giả Lê Minh đã được đăng tải ngày 28/11/2021 vừa qua.

Chính vì thế, chúng tôi có đôi điều muốn trao đổi thêm với tác giả Kim Thu để làm rõ việc bằng cử nhân Quản lý giáo dục có “xứng đáng” để quy đổi sang tiêu chí “có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp” như Luật Giáo dục 2019 và các văn bản đang có hiệu lực hiện nay hay không.

Nhiều nhà giáo đang là quản lý nhà trường bị xuống hạng vì bằng cử nhân Quản lý giáo dục không được quy đổi (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Nhiều nhà giáo đang là quản lý nhà trường bị xuống hạng vì

bằng cử nhân Quản lý giáo dục không được quy đổi (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Chuẩn hiệu trưởng thiên về Quản lý giáo dục nhưng lại tính chuẩn trình độ theo chuẩn giáo viên

Về quan điểm, góc nhìn của tác giả Kim Thu trong bài viết “Hiệu trưởng không phải chức danh suốt đời, không thể quy đổi bằng cử nhân Quản lý giáo dục” thì độc giả có thể đọc và có những cảm nhận theo quan điểm của riêng mình.

Riêng với cá nhân chúng tôi chỉ đồng ý với mệnh đề của tác giả Kim Thu là “Hiệu trưởng không phải chức danh suốt đời” nhưng không đồng tình với quan điểm “không thể quy đổi bằng cử nhân Quản lý giáo dục” sang chuẩn trình độ cho những nhà giáo đang làm quản lý nhà trường. Bởi, những lý do như sau:

Thứ nhất: tại Điều 72, Luật Giáo dục 2019 hướng dẫn: Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Tại các Thông tư Thông tư 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đều dẫn lại câu này.

Thứ hai: tại khoản 1, Điều 10, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn: Giáo viên tiểu học có bằng tốt nghiệp đại học thì được công nhận tương ứng với bằng cử nhân quy định tại điểm a, khoản, 3 Điều 3 và điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

Tại khoản 1, Điều 10, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn: Giáo viên trung học cơ sở có bằng tốt nghiệp đại học thì được công nhận tương ứng với bằng cử nhân quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 3 và điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

Trong khi, tại điểm a, khoản 3, Điều 3 và điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn rằng: Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thứ ba: Trong Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông có 7 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí, trong đó, chủ yếu nói về “chuẩn quản lý” của hiệu trưởng nhà trường. Đó là:

Điều 4. Tiêu chuẩn 1. Phẩm chất nghề nghiệp

1. Tiêu chí 1. Đạo đức nghề nghiệp

2. Tiêu chí 2. Tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường

3. Tiêu chí 3. Năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân

Điều 5. Tiêu chuẩn 2. Quản trị nhà trường

1. Tiêu chí 4. Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường

2. Tiêu chí 5. Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh

3. Tiêu chí 6. Quản trị nhân sự nhà trường

4. Tiêu chí 7. Quản trị tổ chức, hành chính nhà trường

5. Tiêu chí 8. Quản trị tài chính nhà trường

6. Tiêu chí 9. Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh của nhà trường

7. Tiêu chí 10. Quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường

Điều 6. Tiêu chuẩn 3. Xây dựng môi trường giáo dục

1. Tiêu chí 11. Xây dựng văn hóa nhà trường

2. Tiêu chí 12. Thực hiện dân chủ cơ sở trong nhà trường

3. Tiêu chí 13. Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường

Điều 7. Tiêu chuẩn 4. Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội

1. Tiêu chí 14. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh

2. Tiêu chí 15. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

3. Tiêu chí 16. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong huy động và sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường

Điều 8. Tiêu chuẩn 5. Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin

1. Tiêu chí 17. Sử dụng ngoại ngữ

2. Tiêu chí 18. Ứng dụng công nghệ thông tin

Nên nhớ, trong trường học phổ thông hiện nay thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bộ chuẩn riêng, không xếp chung chuẩn với giáo viên. Và, nhìn vào những tiêu chí, tiêu chuẩn mà chúng tôi liệt kê ở phần trên thì ai cũng nhìn thấy rất rõ nhiệm vụ chính của hiệu trưởng là quản trị nhà trường chứ không phải đứng lớp giảng dạy.

Vì thế, bằng cử nhân Quản lý giáo dục tại sao lại không phù hợp với Luật Giáo dục 2019; Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT và các Điều 4, Điều 10 ở Thông tư Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT mới ban hành ngày 02/2/2021?

Tác giả Kim Thu cho rằng: “việc học các khóa bồi dưỡng quản lý chủ yếu là do yêu cầu công việc để nắm bắt nhiệm vụ quản lý, để được bổ nhiệm nhiệm vụ quản lý và thường các khóa học này do nhà nước chi trả kinh phí”…

Nếu nói như vậy thì giáo viên đi học đại học không phải chủ yếu là do yêu cầu công việc để nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, phục vụ cho công việc giảng dạy hay sao? Những giáo viên học từ trung cấp, cao đẳng lên đại học từ xa, tại chức trước đây cũng chủ yếu được nhà nước chi trả kinh phí, được hưởng lương bình thường chứ có khác gì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đâu?

Lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP thì giáo viên vẫn được nhà nước chi trả kinh phí và hưởng lương, phụ cấp bình thường chứ sao tác giả Kim Thu lại nói, lại so sánh hiệu trưởng được chi trả kinh phí?

Tác giả Kim Thu còn cho rằng: “thực tế ở hạng II cũ có hệ số lương 2,34 - 4,98 khi “xuống hạng” III mới vẫn là hệ số lương 2,34 - 4,98 tức là không có thay đổi về lương” thì điều này ai mà chẳng biết.

Nhưng, có lẽ tác giả quên mất một điều là trong trường, hiệu trưởng là người đứng đầu đơn vị mà họ xuống hạng III vì chưa đủ “chuẩn trình độ” thì họ sẽ chỉ đạo ra sao và giáo viên sẽ nghĩ như thế nào về người thủ trưởng đơn vị?

Và, những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thiếu chuẩn trình độ thì tương lai của họ có được bổ nhiệm tiếp hay không? Vì thế, vấn đề ở đây không phải chuyện lương, phụ cấp mà là sự bất cập về chính sách, về quy định văn bằng của ngành giáo dục đối với nhà giáo.

Hãy nhìn vào những nội dung các học phần (tín chỉ) của lớp Quản lý giáo dục xem họ có đáp ứng được “có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp”?

Chúng ta ai cũng biết “không có chức danh hiệu trưởng suốt đời” nhưng một khi họ đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường mà đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân Quản lý giáo dục thì điều phù hợp nhất là quy đổi sang chuẩn trình độ cho những nhà giáo đang làm công tác quản lý. Khi nào họ không còn đảm nhận chức vụ này thì khi đó tính sau.

Nội dung học của lớp cử nhân Quản lý giáo dục (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Nội dung học của lớp cử nhân Quản lý giáo dục (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Bởi, với chính sách giáo dục hiện nay thì chẳng có gì là “suốt đời” là vĩnh cửu cả. Cứ nhìn, trước ngày 01/7/2020 (khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực) thì những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở trường tiểu học, trung học cơ sở có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân Quản lý giáo dục được gọi là “giáo viên chính, giáo viên cao cấp”.

Vì chuẩn trình độ chỉ quy định các cấp học này ở trình độ trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm và đa số họ đang là giáo viên tiểu học hạng II. Lúc đó, phải là những người đang là lãnh đạo nhà trường hoặc ít nhất là đã được cơ cấu lãnh đạo mới được địa phương cử đi học lớp Quản lý giáo dục.

Nếu ai đã từng học lớp cử nhân Quản lý giáo dục hoặc chỉ cần tham gia học lớp Bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông đều thấy được nội dung đào tạo rất nặng và tương đối bài bản.

Họ không chỉ học về chuyên môn mà còn được tiếp cận những chuyên đề quản lý các hoạt động của nhà trường. Những kiến thức này thường khó và sâu hơn rất nhiều so với việc đào tạo chuyên ngành cho giáo viên.

Chính vì thế, chính sách dành cho giáo dục về văn bằng, chứng chỉ hiện nay của Bộ đang thể hiện sự bất cập và đây mới là điều mà chúng ta cần bàn nhất. Dù ai cũng biết “không có chức danh hiệu trưởng suốt đời” nhưng phủ nhận bằng cử nhân Quản lý giáo dục đang thể hiện sự vô lý, cần được điều chỉnh cho hợp lý.

Nếu Bộ không quy đổi bằng cử nhân Quản lý giáo dục sang chuẩn trình độ là một việc làm cứng nhắc, máy móc, không phù hợp với Luật Giáo dục 2019; các Điều 4, Điều 10 ở Thông tư Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.

Lẽ nào, một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các trường tiểu học, trung học cơ sở đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân Quản lý giáo dục mà không đáp ứng được tiêu chí “có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp” hay sao?

Bằng đại học chuyên môn và bằng đại học Quản lý giáo dục thì bằng nào phù hợp và giúp cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng quản lý nhà trường được tốt hơn? Để có câu trả lời cho câu hỏi này thì không ai giải đáp thấu đáo hơn lãnh đạo Bộ Giáo dục, đặc biệt là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trước những bất cập ở các Thông tư 02,03/2021/TT-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH