Giáo viên hạng III làm hiệu trưởng, hiệu phó có sao đâu?

09/11/2021 06:41
MINH KHÔI
GDVN- Đâu phải hiệu trưởng hạng I, II thì giáo viên tôn trọng, chấp hành còn hiệu trưởng hạng III thì giáo viên không tôn trọng.

Sau bài viết “Hiệu trưởng không phải chức danh suốt đời, không thể quy đổi bằng cử nhân QLGD” ngày 07/11/2021 của tác giả Kim Thu được đăng tải trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được sự quan tâm, chia sẻ rộng rãi trên cộng đồng mạng, diễn đàn giáo dục,…

Bài viết cũng nhận được sự đồng tình của nhiều người vì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng là viên chức, đã được hưởng phụ cấp chức vụ, các quyền lợi khác,… và cũng không nên có bất kỳ quy định nào ưu tiên cho hiệu trưởng được sử dụng bằng cử nhân Quản lý giáo dục quy đổi sang bằng cử nhân chuyên môn, được ưu tiên chuyển sang giáo viên hạng II mới mà bỏ qua quy định chung.

Nếu quy đổi thì những tổ trưởng, tổ phó hoặc giáo viên quy hoạch quản lý có bằng cử nhân quản lý giáo dục cũng phải được quy đổi, không thể có chuyện “đặc quyền, đặc lợi” cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Sau bài đăng trên, ngày 8/11 tác giả Lê Minh đã có bài viết “Không quy đổi bằng cử nhân QLGD, hiệu trưởng, hiệu phó tụt hạng còn lãnh đạo ai?” phản biện về bài viết trên.

Dưới quan điểm cá nhân, người viết xin được chia sẻ thêm những quan điểm về vấn đề trên và qua bài viết cũng nêu các bất cập, hạn chế của việc chia hạng giáo viên, chia hạng đạo đức giáo viên,…

Ảnh minh họa: Nhandan.vn

Ảnh minh họa: Nhandan.vn

Hiệu trưởng từ hạng II cũ tụt xuống hạng III mới thì vẫn là hiệu trưởng

Trong bài viết, tác giả Lê Minh đã đặt ra câu hỏi: “Hiệu trưởng là người đứng đầu đơn vị mà họ xuống hạng III vì chưa đủ “chuẩn trình độ” thì họ sẽ chỉ đạo ra sao và giáo viên sẽ nghĩ như thế nào về người thủ trưởng đơn vị?”.

Người viết nhận thấy rằng thực tế giáo viên có các hạng I, II, III thì nếu hiệu trưởng ở hạng III vẫn là viên chức đạt chuẩn, vẫn là quản lý, lãnh đạo (được cấp thẩm quyền bổ nhiệm bằng quyết định), nên họ vẫn là lãnh đạo bình thường không ảnh hưởng gì đến việc lãnh đạo của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Họ vẫn là hiệu trưởng, nếu có tài, có tâm, có đạo đức thì vẫn được giáo viên ủng hộ, tôn trọng. Nếu hiệu trưởng hạng I, II nhưng chỉ lo vun vén cá nhân, không chăm lo đến chất lượng giáo dục và đời sống giáo viên thì lấy gì để giáo viên tôn trọng, chấp hành?

Đây cũng là bất cập lớn nhất trong chia hạng giáo viên, mục đích của việc chia hạng là giáo viên ở hạng cao lãnh lương cao là người làm tốt công việc, hiệu quả công việc cao hơn, học sinh học tốt hơn,… trong khi thực tế công việc tại cơ sở việc chia hạng không nói lên điều gì thậm chí có nhiều trường hợp ngược lại.

Việc chia hạng giáo viên, chia hạng đạo đức hiện nay đã gây ra vô cùng bức xúc, phiền toái, bất công nhiều giáo viên đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã có bằng đại học rất lâu, đã có chứng chỉ quản lý giáo dục, làm hiệu trưởng nhiều năm, thậm chí nhiều hiệu trưởng “chưa đạt chuẩn” đang giữ hạng III thậm chí hạng IV (ở bậc tiểu học, mầm non) vẫn đang làm rất tốt công việc của mình, giúp tập thể phát triển được giáo viên, phụ huynh, học sinh tôn trọng, quý mến mà không ai quan tâm ở “hạng” nào.

Làm gì có quy định nào hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải xếp hạng cao hơn giáo viên. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã được hưởng phụ cấp chức vụ.

Hiện nay vẫn có tình trạng một số hiệu trưởng, giáo viên đang ở hạng II cũ dù chưa làm tốt nhiệm vụ của mình, chưa được tín nhiệm vẫn nghiễm nhiên được chuyển sang hạng II mới gây nhiều bức xúc trong giáo viên về bất cập của việc chia hạng được nhiều người đề xuất phải dừng lại để điều chỉnh những điều chưa hợp lý để đảm bảo công bằng, hợp lý.

Do đó, quan điểm người viết cho rằng, hiệu trưởng và cả giáo viên nếu không đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 (đạt chuẩn theo Luật Giáo dục cũ) nếu còn nằm trong lộ trình nâng chuẩn theo Nghị định 71 của Chính phủ thì được xếp hạng III mới là hợp lý.

Nếu hiệu trưởng có bằng Quản lý giáo dục ở hạng II thì khi không còn là hiệu trưởng sẽ ở hạng nào?

Người viết cho rằng quan điểm không quy đổi bằng cử nhân Quản lý giáo dục như bằng sư phạm đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là hợp lý.

Không thể vì là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thiếu văn bằng chuyên môn mà “ép” họ để đạt hạng II mới khi thiếu về cơ sở pháp lý, lẫn về chuyên môn.

Hiện nay, hàng ngàn giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đang có trình độ cử nhân đang làm rất tốt công việc lãnh đạo, quản lý hay giáo viên cả chục năm nay nhưng vẫn ở hạng III, IV cũ và chỉ được bổ nhiệm sang hạng III mới và phải đợi đến 9 năm sau mới được thăng lên hạng II mới (theo các quy định tại chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT), họ mới là người chịu nhiều thiệt thòi, bức xúc cần được giải quyết.

Tác giả Lê Minh trong bài viết có nêu: “Chúng ta ai cũng biết “không có chức danh hiệu trưởng suốt đời” nhưng một khi họ đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường mà đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân Quản lý giáo dục thì điều phù hợp nhất là quy đổi sang chuẩn trình độ cho những nhà giáo đang làm công tác quản lý. Khi nào họ không còn đảm nhận chức vụ này thì khi đó tính sau”.

Tôi thấy điều này không phù hợp, chính sách là phải nhất quán, lâu dài chứ không phải để “tính sau”được. Nhiệm kỳ hiệu trưởng chỉ 5 năm, hoặc trong quá trình làm việc hiệu trưởng bị kỷ luật cách chức, từ chức,… mà bảo khi đó tính sau thì tôi không biết tính như thế nào?

Có quy định nào khi đang giữ chức vụ hiệu trưởng thì xếp hạng II, khi bị cách chức thì bổ nhiệm hạng khác hay không? Tôi tìm không thấy quy định nào như vậy. Do đó, việc bổ nhiệm ở hạng II mới cho các hiệu trưởng chưa có bằng cử nhân chuyên môn là không hợp lý, không khoa học.

Chưa có quy định nào giáo viên hạng III không được làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng đang ở hạng II cũ chuyển xuống hạng III mới phải mất chức, nên việc đề xuất quy đổi bằng cử nhân Quản lý giáo dục xem như bằng chuyên môn là không cần thiết, có phần cảm tính.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

MINH KHÔI