Bộ sẽ rà soát, các trường đại học không nên đưa ra quá nhiều phương án xét tuyển

11/11/2021 11:20
Thùy Linh
GDVN- Không nên có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học, nó vừa phức tạp cho xã hội vừa gây rủi ro cho người đăng ký.

Sáng nay 11/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về các vấn đề nóng của giáo dục.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) đặt câu hỏi, những năm gần đây, nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có điểm rất cao. Có những em điểm trung bình 9 điểm/ môn nhưng vẫn trượt đại học. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ có tình trạng như vậy là do cơ chế các trường đại học tự chủ xây dựng chỉ tiêu và xác định phương thức tuyển sinh. Theo Bộ trưởng, dư luận ý kiến như vậy có đúng hay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, thực trạng trên có nhiều nguyên nhân. Năm vừa qua đúng là có hiện tượng một số học sinh điểm cao nhưng không đỗ nguyện vọng nào.

Cụ thể có 165 học sinh phổ thông có điểm từ 27 điểm/3 môn trở lên trượt đại học, trong đó hầu hết là học sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng chủ yếu vào các ngành công an, quân đội.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng cũng thừa nhận có hiện tượng, nhiều cơ sở giáo dục đại học đặt ra quá nhiều cách xét tuyển và mỗi một cách xét tuyển như vậy dành cho các nhóm thì chỉ tiêu cũng có phần ảnh hưởng đến việc xét trúng tuyển. Thời gian tới Bộ sẽ có điều chỉnh trong việc chỉ đạo các phương án xét tuyển của các trường đại học.

“Việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật quy định nhưng quyền đó cũng phải nằm trong các chế tài, quy định cho phép. Bộ sẽ rà soát, không nên có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học, nó vừa phức tạp cho xã hội vừa gây rủi ro cho người đăng ký”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Về vấn đề dạy học trực tuyến, Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) chất vấn, với trách nhiệm của Bộ trưởng, việc học trực tuyến của học sinh khó khăn sẽ được giải quyết ra sao? Chất lượng của việc dạy/học trực tuyến hiện như thế nào, nhất là với học sinh tiểu học và lớp đầu cấp, giải pháp củng cố kiến thức cho học sinh sau khi trở lại trường?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời Đại biểu Nguyễn Danh Tú rằng, hiện nay việc triển khai dạy học trực tuyến cả thế giới đang phải làm, không riêng Việt Nam. Chúng ta đã chuẩn bị dạy trực tuyến từ năm trước và bước vào năm 2021 thì tính chất, thời gian tăng với quy mô chưa từng có từ trước đến nay.

Trước thực tế ấy, thầy và trò đã ứng phó với dịch bệnh, chuyển sang dạy trực tuyến trong thời điểm rất khó khăn. Theo thống kê, hiện có hơn 1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị gì trong tay, có gia đình 2-3 anh chị em nhưng chỉ có một chiếc điện thoại.

Vậy nên một số học sinh đang dần dần bỏ học. Điều này cấp bách hơn là đánh giá việc học đó như thế nào. Nhưng điều đáng mừng, một số tỉnh vùng núi phía Bắc khó khăn bậc nhất lại đang được học trực tiếp. Vậy nên đánh giá thực thi học trực tuyến ra sao và chất lượng như thế nào đang được Bộ theo dõi thường xuyên, để hỗ trợ thiết bị.

Hiện toàn ngành đã huy động đợt 1 với khoảng 140.000 thiết bị để hỗ trợ và thời gian tới, các doanh nghiệp đang tiếp tục hỗ trợ. Bộ đã có sơ bộ đánh giá nhưng khi học sinh trở lại trường, sẽ có kiểm tra đánh giá cụ thể.

"Tôi thừa nhận việc dạy-học trực tuyến có những khó khăn nhất định và yêu cầu các nhà trường khi trở lại trường, việc đầu tiên cần cho các em làm quen lại với môi trường, lấy lại tinh thần thư thái, tinh thần chống dịch, đừng nhồi nhét các em ngay bằng các phiếu kiểm tra, phiếu đánh giá.

Giải pháp củng cố năng lực cho học sinh, sẽ chia nhóm học sinh theo năng lực trong một lớp để bồi dưỡng. Song song với đó, sau khi học sinh quay trở lại trường, các công cụ dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình không bỏ đi mà vẫn áp dụng", Bộ trưởng Sơn chia sẻ.

Thùy Linh