Xóa tan ảo tưởng của sự bất khả chiến bại để duy trì thành công bền vững

16/11/2021 09:33
Tường Vy
GDVN- Để duy trì sự thành công bền vững, doanh nghiệp, tổ chức và người lãnh đạo phải xóa bỏ được ảo tưởng bất khả chiến bại, luôn tỉnh táo trước các mầm mống thất bại

Đây chính là thông điệp tác giả cuốn sách “Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại” (Tân Việt Books và Nhà xuất bản Dân trí ấn hành) muốn gửi đến độc giả.

Mở đầu cuốn sách bằng câu chuyện hấp dẫn về Đế chế Inca, sau đó là câu chuyện về các doanh nghiệp từng có thời “làm mưa gió” trên thị trường toàn cầu như Nokia, Kodak, AOL, Pan Am… rồi danh sách các doanh nghiệp thuộc Fortune 500; hai tác giả cuốn sách Andreas Krebs và Paul Williams đã chỉ ra một thực tế: rất hiếm các doanh nghiệp, tổ chức có thể duy trì sự thành công đỉnh cao trong một thời gian dài; thậm chí còn sụp đổ một cách thảm hại. Vậy lý do của sự lụi tàn hay sụp đổ đó là gì?

“Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại” là cuốn cần thiết cho đội ngũ lãnh đạo của các doanh nghiệp muốn kiếm tìm sự thành công bền vững”.

“Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại” là cuốn cần thiết cho đội ngũ lãnh đạo của các doanh nghiệp muốn kiếm tìm sự thành công bền vững”.

Theo các tác giả có nhiều nguyên nhân gây ra thất bại của các tổ chức, doanh nghiệp này, đầu tiên đó là sai lầm trong đường lối lãnh đạo, lựa chọn người lãnh đạo của tổ chức.

Trong nhiều thế kỷ, nền văn hóa Inca đã làm rất tốt việc lựa chọn các vị vua tiếp theo của mình (“Inca”). Người được chọn kế vị là người con trai có năng lực nhất trong số những người đủ điều kiện, chứ không phải là người lớn nhất. Quy trình lựa chọn mạnh mẽ và chặt chẽ này giúp Inca duy trì được sự thịnh vượng trong gần một thế kỷ.

Nhưng đến thời Inca Huayna Cápac, vị vua này đã thực hiện một điều khác biệt, đồng thời là một sai lầm chết người: Ông đã chia đôi đất nước cho hai người con trai cùng cha khác mẹ là Atahualpa và Huáscar lãnh đạo sau khi ông qua đời. Điều này dẫn đến một cuộc nội chiến kéo dài và đẫm máu.

Atahualpa là người chiến thắng cuối cùng. Nhưng cuộc giao tranh đã khiến Đế chế Inca rơi vào tình trạng suy yếu nghiêm trọng; sau đó càng bị tàn phá bởi các dịch bệnh lây lan từ những người châu Âu đầu tiên du nhập vào đất nước. Inca trở thành con mồi bị tổn thương và dễ dàng bị đánh bại khi quân xâm lược đến.

Tại trận chiến quyết định ở Cajamarca, Atahualpa - vua Inca khi ấy - tin chắc hay ảo tưởng rằng 200 lính đánh thuê Tây Ban Nha sẽ chơi theo luật của ông và tôn trọng địa vị như thần của ông. Do đó, ông tiếp cận họ với hai bàn tay không, hoàn toàn không mang theo một loại vũ khí nào và nhanh chóng bị bắt làm tù binh trước sự chứng kiến bất lực của 12.000 chiến binh Inca! Vị vua cuối cùng của triều đại Inca trở thành là con rối trong tay người Tây Ban Nha, vài năm sau, Đế chế Inca tan rã.

Nokia từng nắm giữ tới 35,8% thị phần điện thoại di động trên thế giới những năm 2000. Khi thị trường xuất hiện Apple với dòng sản phẩm đắt tiền duy nhất, một nửa ban lãnh đạo của Nokia đề nghị công ty cần phải đổi hướng chiến lược từ sản xuất điện thoại giá rẻ sang điện thoại thông minh; nửa còn lại dưới sự dẫn dắt của Olli-Pekka Kallasvuo, CEO Nokia khi ấy, vẫn tự mãn với câu nói “Với một tỷ người dùng - Liệu ai có thể sánh ngang với ông vua của ngành điện thoại di động?”. Cuối cùng Nokia cũng có kết cục giống hệt như Đế chế Inca, đó là rơi vào thất bại và bị quên lãng chỉ trong vài năm ngắn ngủi.

Theo các tác giả, hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ đều tin rằng họ có quy trình tốt để lựa chọn được các nhà lãnh đạo, quản lý có tâm đức và tài ba cho tổ chức của mình. Tuy nhiên, khi cái tôi của một nhà lãnh đạo, quản lý trở nên độc hại – họ đánh giá quá cao về giá trị bản thân, lạnh lùng, thiếu đồng cảm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro quá mức- sẽ khiến tổ chức phải đối mặt với thất bại, thậm chí một cuộc khủng hoảng sinh tồn lớn.

Sự hưng thịnh và rồi sụp đổ của Đế chế Inca cùng các doanh nghiệp hàng đầu kể trên cung cấp nhiều bài học lãnh đạo quản lý quý giá dành cho các nhà lãnh đạo như:

(1) Tập trung ra bên ngoài, không hướng nội, không lãng phí thời gian cho các cuộc tranh giành quyền lực bên trong. Mối đe dọa thực sự hầu như luôn ở bên ngoài tổ chức.

(2) Nhà lãnh đạo không thể tưởng tượng được điều gì đó (các mối đe dọa) đang xảy ra, không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra.

(3) Bám sát các giá trị cốt lõi của công ty; đưa ra định hướng và khuôn khổ nhất quán cho tổ chức bất kể phải đưa ra những quyết định khó khăn như thế nào.

(4) Cung cấp cho những người giỏi nhất của tổ chức không gian và cơ hội để thể hiện khả năng và đảm bảo rằng họ nhận được tín nhiệm khi làm như vậy.

(5) Loại bỏ sự tự cao tự đại của mình. Nếu điều gì đó có vẻ tốt cho bản thân nhưng rõ ràng không tốt cho công ty, đừng làm điều đó. Thử nghiệm những ý tưởng như vậy với các đối tác tham gia đáng tin cậy, những người được trao quyền để nói “không, đừng làm điều đó” mà không sợ bị trả thù.

Và nhiều lời khuyên hữu ích khác.

Trong bối cảnh, dịch bệnh Covid-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ lao đao, thậm chí là kiệt quệ, phá sản… đây càng là những lời khuyên đáng chú ý. Thực tế, giống như các quốc gia khác nhau có nền tảng hệ thống, tri thức, cách thức thu thập và xử lý dữ liệu khác nhau; các doanh nghiệp có sự ứng phó chuẩn bị khác nhau đối với thay đổi, khủng hoảng cũng có những số phận khác nhau.

Theo các tác giả, các doanh nghiệp, tổ chức thường xuyên đặt ra các câu hỏi: Đâu là cơ chế lãnh đạo, quản trị có trách nhiệm và thận trọng? Có thể xảy ra những rủi ro lớn và không thể tưởng tượng được không? Nếu có thì đó là những rủi ro nào? Kế hoạch dự phòng để đối phó với những rủi ro đó là gì?... sẽ là những doanh nghiệp luôn tỉnh táo ngay cả khi đang ở trên đỉnh cao của thành công và sẽ duy trì được sự thành công bền vững.

Sự thay đổi tư duy này có thể giúp tổ chức, doanh nghiệp hiểu biết sâu sắc về “các lỗ hổng bảo mật” cho phép các tổ chức lập kế hoạch và giảm thiểu các sai lầm dẫn đến thất bại. Mặc dù đang nắm trong tay đế chế thương mại điện tử lớn nhất hành tinh, Jeff Bezos vẫn nói rằng: có thể rồi đến một ngày Amazon cũng không thể tránh được việc sụp đổ; điều ông và các nhà lãnh đạo Amazon làm là kéo dài thời gian đến ngày đó càng lâu càng tốt.

Theo hai tác giả cuốn sách “Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại” Jeff Bezos vô cùng khiêm tốn khi tuyên bố như vậy trong lúc doanh nghiệp của ông đang ở trên đỉnh cao thành công. Và điều này sẽ giúp ngăn chặn sự tự thỏa mãn mù quáng và biến doanh nghiệp, tổ chức trở thành nạn nhân của ảo tưởng về sự bất khả chiến bại. Các nhà lãnh đạo hiểu được điều này có thể sửa đổi suy nghĩ của mình, sau đó lãnh đạo tổ chức của mình theo cách thức sáng suốt hơn để phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Nhận xét về cuốn sách, Giáo sư Tiến sĩ Peter May, Cố vấn Doanh nghiệp Gia đình Hàng đầu của Đức viết: “Táo bạo, thách thức, phong phú và đồng thời rất thú vị và nhiều thông tin! “Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại” là cuốn cần thiết cho đội ngũ lãnh đạo của các doanh nghiệp muốn kiếm tìm sự thành công bền vững”

“Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại” được xuất bản bằng tiếng Đức vào năm 2018, bằng tiếng Anh vào năm 2019 và sau đó được các nhà xuất bản tại nhiều quốc gia mua bản quyền như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Việt Nam...

Andreas Krebs là một nhà quản lý chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực quản lý ở các tập đoàn đa quốc gia, đồng thời ông cũng là một diễn giả nổi tiếng về lãnh đạo, toàn cầu hóa và quan hệ công chúng. Ngoài ra, Andreas còn sở hữu một công ty có vốn đầu tư mạo hiểm là Longfield Invest, tập trung chủ yếu vào những dự án non trẻ và những công ty phát triển trong nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau.

Paul Williams là nhà quản lý, huấn luyện viên điều hành đồng thời là doanh nhân có kinh nghiệm quốc tế. Từ năm 2003, ông trở thành đối tác của công ty tư vấn Paul Williams & Associates, chuyên về huấn luyện lãnh đạo, quản lý bản thân và phát triển tổ chức.

Tường Vy