20/11 tôi mong xã hội cùng nhìn lại để thấu hiểu và chia sẻ với nhà giáo

18/11/2021 06:34
Phan Tuyết
GDVN- Chừng nào nhà giáo còn ăn bữa trước lo bữa sau thì vẫn sẽ còn cảnh “chân ngoài dài hơn chân trong”, và dù có muốn cũng khó toàn tâm toàn ý với nghề cho được.

Cứ vào dịp 20/11 hàng năm, những bó hoa tươi thắm cùng biết bao lời ca tụng, bao lời chúc mừng tốt đẹp của toàn xã hội lại dành tặng cho các thầy cô giáo. Không ít nơi, chính quyền địa phương, hội phụ huynh nhà trường còn tổ chức bữa tiệc gặp gỡ ấm cúng như một lời tri ân thầy cô vì công lao dạy dỗ con em mình.

Niềm vui của người thầy (Ảnh tác giả)

Niềm vui của người thầy (Ảnh tác giả)

Tuy nhiên, sau những vầng sáng lung linh của ngày kỷ niệm, giáo viên lại trở về với bao nỗi nhọc nhằn, buồn lo, với những áp lực từ mọi phía đang dồn nét, đè chặt mỗi ngày.

Giáo viên gánh chịu những áp lực từ mọi phía

a/ Áp lực từ phụ huynh

Đi dạy gần 30 năm nên bản thân người viết hiểu rất rõ chuyện này. Gần 30 năm về trước, tình cảm của phụ huynh đối với giáo viên chúng tôi khác rất xa bây giờ. Ngoài sự yêu thương, tôn trọng thầy cô còn có cả sự cung kính mà nhiều thầy cô giáo trẻ như chúng tôi lúc ấy, thấy ngượng ngùng và khó xử.

Giáo viên nói gì, dặn gì học sinh cũng nghe, chúng tôi thường nghe phụ huynh nhắc nhở con: cô (thầy) nói vậy, dặn vậy sao con chưa làm?

Thời ấy, chẳng đứa trẻ nào đi học về mà dám mách ba mẹ hôm nay con bị cô (thầy) la, hay đánh đòn. Bởi, chỉ cần nói ra có thể cô cậu học trò ấy còn bị đánh thêm vì sao lại không nghe lời thầy cô? Con có làm sao thầy cô mới la rầy, trách phạt chớ.

Còn ngày nay thì sao? Đón con ngoài cổng trường không ít phụ huynh luôn hỏi câu cửa miệng: hôm nay cô (thầy) có la nạt hay đánh mắng con không? Rồi sẵn sàng có người xông vào trường lớn tiếng chất vấn, chỉ mặt hăm dọa, có người còn hành hung nhà giáo vì nghe con mách bị thầy/cô đánh.

Có phụ huynh chỉ nghe lời con về kể lại, chưa xác minh tìm hiểu đúng sai đã sẵn sàng viết đơn tố cáo thầy cô giáo lên nhà trường, lên phòng giáo dục, gửi đến cơ quan báo chí hoặc đăng tải lên mạng xã hội, đến lúc thầy cô có được minh oan thì cũng đã "lên bờ xuống ruộng".

Cá biệt có người còn sẵn sàng chỉ mặt giáo viên, chỉ mặt hiệu trưởng hăm dọa rằng họ chỉ cần "a lô một tiếng" là thầy cô về vườn mà trồng rau, đuổi gà.

Nhiều chuyện xảy ra bất ngờ ngoài tầm kiểm soát của giáo viên nhưng thầy cô giáo vẫn phải lãnh đủ. Trẻ nhỏ đi học, em này chọc ghẹo em kia cũng chưa xảy ra chuyện gì lớn nhưng phụ huynh sẵn sàng lao vào thầy cô vì con/cháu họ đi học, nhà trường phải có trách nhiệm dạy dỗ và trông coi…

b/ Áp lực từ nhà trường

Gặp phụ huynh “hổ báo” không chịu hòa giải mà viết đơn gửi khắp nơi, nhà trường vì thành tích sợ liên lụy đến thi đua nên thường nhún nhường và bắt giáo viên cúi đầu xin lỗi học sinh, phụ huynh dù người đứng đầu cũng thừa nhận giáo viên của mình đúng.

Đã có thầy cô sợ liên lụy cho trường, cho cá nhân đến nhà phụ huynh quỵ lụy họ đừng làm lớn. Được nước, phụ huynh lên giọng mạt sát thầy cô trước con mắt ngơ ngác tội nghiệp của những đứa trẻ.

Thế nên trước mỗi lá đơn tố cáo nhà giáo, cần có sự vào cuộc khách quan, công tâm, đánh giá chừng mực trên tinh thần giáo dục, bởi khi "đánh đổ nhà giáo" thì chính học sinh, chính con em của các bậc cha mẹ sẽ là người thiệt thòi đầu tiên.

Học sinh học yếu không có quyền được lưu ban (trừ những trường hợp thật sự đặc biệt). Giáo viên liên hệ gia đình nhờ hợp tác, có phụ huynh bảo bận đi làm, không làm thì lấy gì mà sống. Có học dốt mới cần đến trường để học nên dạy học trò là trách nhiệm của giáo viên.

Giáo viên phải tự bơi trong khi trò không chịu học, phụ huynh không hợp tác còn nhà trường chỉ biết áp chỉ tiêu để khống chế. Học sinh học yếu sẽ tại thầy cô dạy chưa tốt, học sinh bỏ học tại thầy cô không biết giữ học trò để ảnh hưởng đến phổ cập giáo dục, trường mất chuẩn, huyện thị không đạt thì giáo viên cũng không còn thi đua.

c/ Áp lực từ xã hội

Một học sinh hư như trộm cắp, bạo lực, hay dính đến những tệ nạn khác thường thì xã hội quy kết cho giáo dục. Giáo viên làm chủ nhiệm những học sinh này cũng bị kỷ luật theo bởi cái tội dạy dỗ chưa đến nơi đến chốn. Mấy ai hiểu cho một học sinh hư lỗi không chỉ mình nhà trường.

Có em sống trong gia đình có người cha hút sách, trộm cắp hoặc hay dùng nắm đấm với vợ con thì khó có được đứa con ngoan ngoãn, lễ phép.

Cha mẹ là tấm gương phản chiếu đầy đủ nhất trong cách sống, sinh hoạt của con. Bên cạnh đó, ngoài xã hội có biết bao cạm bẫy, nhiều em thiếu vắng sự chăm lo của gia đình, do ba mẹ bận việc nên cũng dễ sa ngã trước những cám dỗ.

Mong sao dư luận xã hội đừng dồn tất trách nhiệm lên nhà trường, cũng mong nhà trường đừng vì áp lực dư luận để rồi lại quy chụp cho giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ, làm chưa tốt để cắt hết thi đua, để xóa sạch bao nỗ lực phấn đấu trong suốt cả năm trời.

20/11 là dịp tôi mong cả xã hội cần nhìn lại để thấu hiểu và chia sẻ với nhà giáo

20/11 người viết không mong hoa, mong quà từ học sinh, phụ huynh, không thích cả những lời chúc tụng lung linh như nghề cao quý, kỹ sư tâm hồn…chúng tôi cần và mong mỏi xã hội nhìn lại, thấu hiểu, cảm thông để chia sẻ với thầy cô những nhọc nhằn, khó khăn mà nghề giáo đang gánh chịu.

Mong cha mẹ học sinh luôn đồng hành cùng giáo viên trong việc giáo dục các em. Thầy cô có nghiêm khắc với trò cũng xuất phát từ lòng mong mỏi các con tiến bộ, học hành tốt hơn. Bởi thế, nếu có những sơ sót chưa thể vừa lòng phụ huynh cũng cần hai bên ngồi lại tìm cách giải quyết trong êm đẹp, hòa bình trên tinh thần, mục đích cao cả của giáo dục là giúp con em trưởng thành.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần chăm lo thêm đời sống nhà giáo. Khi chất lượng cuộc sống của thầy cô giáo được nâng lên thì thời gian, nhiệt huyết mới dồn cho giáo dục.

Chừng nào nhà giáo còn ăn bữa trước lo bữa sau thì vẫn sẽ còn “chân ngoài dài hơn chân trong”, vừa ra khỏi cổng trường đã phải bôn ba khắp nơi tìm kế sinh nhai cho gia đình thì dù muốn cũng khó nói đến sự toàn tâm toàn ý với nghề cho được.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết