70 năm thực hiện lời căn dặn của Bác đối với ngành giáo dục

15/11/2021 15:17
Thùy Linh
GDVN- Ngày 15/11, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - 70 năm thực hiện lời căn dặn của Bác đối với ngành giáo dục”.

Ngày 15/11, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề: “Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - 70 năm thực hiện lời căn dặn của Bác đối với ngành giáo dục”. Hội thảo về lời căn dặn của Bác đặt trong chuỗi kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học sư phạm Hà Nội (1951-2021) vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, học viện chuyên nghiên cứu về Bác như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tư tưởng -Văn hóa Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Sử học, và nhiều trường đại học, viện nghiên cứu khác…

Gần 50 công trình được gửi đến Hội thảo, trong đó 34 công trình đã được lựa chọn đăng trong số đặc biệt của Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các công trình được lựa chọn đã thể hiện nhiều khía cạnh sâu sắc về quan điểm, tư tưởng của Bác đối với giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong giáo dục và đào tạo và được chia thành 03 nhóm:

Thứ nhất, di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo dục Việt Nam nói chung và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng

Thứ hai, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục sư phạm

Thứ ba, các vấn đề của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Ngày 15/11, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề: “Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - 70 năm thực hiện lời căn dặn của Bác đối với ngành giáo dục”.

Ngày 15/11, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề: “Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - 70 năm thực hiện lời căn dặn của Bác đối với ngành giáo dục”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Hiếm có trường đại học nào được Bác Hồ về thăm nhiều lần như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lời căn dặn của Bác: "Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”. Lời dạy khắc cốt ghi tâm đó thôi thúc thầy và trò nhà trường trong từng suy nghĩ, trong từng hành động”.

“Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là sự định vị của giáo dục Việt Nam, đại học Việt Nam, tọa độ của khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới. Điều này đặt ra cho trí thức Việt Nam nhiều câu hỏi lớn. Không chỉ vậy, bài học về tư cách, về bản lĩnh, về tính phụng sự, về việc dùng người luôn là chìa khóa mở đường cho đất nước phát triển” – Giáo sư Nguyễn Văn Minh khẳng định.

Sau lời khai mạc của Hiệu trưởng Nhà trường và báo cáo đề dẫn là các tham luận trình bày trực tiếp hội thảo của Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ, Giáo sư Đinh Quang Báo, Phó giáo sư Nguyễn Kim Hồng, Giáo sư Nguyễn Thị Hoàng Yến.

Các tham luận đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi từ đại biểu tham dự trong và ngoài trường xoay quanh các vấn đề: sử dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh như là phương pháp luận trong công tác nghiên cứu và giảng dạy, định hướng phẩm chất của người giáo viên cho tới các vấn đề lớn của Nhà trường hiện nay như phát triển khoa học công nghệ, phát triển nhà trường trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và làm thế nào để giữ vững vị trí đầu tàu trong sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay.

Hội thảo khoa học: “Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - 70 năm thực hiện lời căn dặn của Bác đối với ngành giáo dục” đã tổng kết hoạt động xây dựng và phát triển của Nhà trường theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, xây dựng đội ngũ, đào tạo và hợp tác quốc tế.

Hội thảo còn góp phần đánh giá vị trí, vai trò của Trường Đại học sư phạm Hà Nội trong công tác đào tạo giáo viên cũng như trong sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Trên cơ sở đó, Hội thảo đề xuất các định hướng phát triển của Trường Đại học sư phạm Hà Nội nói riêng và ngành sư phạm nói chung, nhằm thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Bác về xây dựng một Nhà trường “mô phạm” trong bối cảnh đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu qua các thời kỳ và sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, sinh viên, hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học sư phạm Hà Nội ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng.

Những thành tích to lớn đóng góp cho phát triển giáo dục và đào tạo cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước Việt Nam:

Huân chương Lao động hạng Nhì (1961), Huân chương Lao động hạng Nhất (1962), Huân chương Độc lập hạng Nhì (1991), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996, 2016), Cờ Thi đua của Chính phủ (1995, 2016, 2020), Huân chương Hồ Chí Minh (2001, 2011), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới (2004). Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn được tặng Huân chương Tự do (Ixara) hạng Nhất (1987) và Huân chương Lao động hạng Nhất (2001) của Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào...

Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thuộc top 10 trong bảng xếp hạng QS Châu Á 2021, top 12 trong bảng xếp hạng URAP 2020 của các trường đại học ở Việt Nam.

Với vị thế hiện tại, bước sang kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học sư phạm Hà Nội đã xây dựng những mục tiêu mới phù hợp cho chiến lược khoa học và công nghệ: Đến năm 2030, Trường Đại học sư phạm Hà Nội sẽ có những kết quả vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên chất lượng cao ở tầm quốc gia và quốc tế. Bằng cách thực hiện các mục tiêu này, Trường xác định trách nhiệm tiên phong trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, từ đó hướng tới thực hiện các giá trị nhân văn phục vụ cộng đồng.

Thùy Linh