Tăng lương cho giáo viên rất cần thiết, nhưng làm thế nào?

09/12/2021 06:30
BÙI NAM
GDVN- Tăng lương là vấn đề hàng triệu giáo viên cả nước quan tâm, nhu cầu được tăng lương là nhu cầu chính đáng để giáo viên toàn tâm toàn ý cho công việc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên” tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về một số vấn đề vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hàng triệu giáo viên trên cả nước có lẽ ai cũng mong mỏi, hi vọng về việc thu nhập sẽ được cải thiện trong thời gian sớm nhất tương xứng với công việc, với nghề.

Tuy nhiên để lương “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”, tức có thể là lương giáo viên đảm bảo mức sống tối thiểu lại là một vấn đề không hề đơn giản trong giai đoạn hiện nay khi tình hình kinh tế khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhất là dịch Covid đang hoành hành, diễn biến phức tạp, khó lường,…

Trong phạm vi bài viết người viết xin được có những phân tích về lương, thu nhập nhà giáo hiện nay và xin được có những đề xuất các giải pháp để cải thiện lương, thu nhập nhà giáo trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: Nhandan.vn

Ảnh minh họa: Nhandan.vn

Nhiều giáo viên bươn chải đủ mọi nghề tay trái để kiếm sống

Đồng lương giáo viên hiện nay so với đồng nghiệp toàn cầu khá khiêm tốn, so với mức lương của các nước công bố năm 2018, mức lương cao nhất của giáo viên Việt Nam bằng 1/2 mức lương trung bình của giáo viên ở Ai Cập (nước có mức lương giáo viên thấp nhất trong 35 nước được khảo sát) và bằng 1/17 mức lương trung bình của giáo viên ở Thụy Sĩ (nước có mức lương giáo viên cao nhất trong 35 nước được khảo sát).[1]

Cụ thể, thu nhập hiện tại của giáo viên mới ra trường khoảng trên dưới 3 triệu mỗi tháng, bản thân người viết là giáo viên công tác đúng 20 năm thì thu nhập sau khi trừ các khoản còn khoảng 7,5 triệu đồng mỗi tháng, có thể nói sau 20 năm công tác thì thu nhập trên vẫn không đủ chi phí lo cho bản thân, gia đình.

Đó là chưa kể kinh phí khác như mua sắm dụng cụ hỗ trợ giảng dạy, học tập chuyên môn, chứng chỉ, tập huấn, bồi dưỡng,…

Giáo viên hiện nay ngoài công việc ở trường còn phải làm thêm rất nhiều nghề tay trái để kiếm sống, có nhiều giáo viên làm shipper (nhân viên giao hàng); bán hàng online; nhân viên tiếp thị, bồi bàn, có cả giáo viên chạy xe ôm,… để có thêm phần kinh phí trang trải cuộc sống, chăm lo gia đình.

Giáo viên vừa dạy vừa tất bật chăm lo cuộc sống, vừa phải lo cơm áo gạo tiền, chi phí điều trị bệnh tật, gia đình,… nên một số giáo viên không đủ chi phí phải vay tiền từ ngân hàng hoặc các nguồn khác để trang trải cuộc sống,…

Các giải pháp cấp bách để giải quyết bài toán nhân sự, lương giáo viên

Như đã trình bày ở trên, việc tăng lương, thu nhập giáo viên là vấn đề hàng triệu giáo viên cả nước quan tâm, nhu cầu được tăng lương, tăng thu nhập là nhu cầu chính đáng để giáo viên toàn tâm toàn ý lo cho giáo dục, giữ gìn được sự tôn nghiêm và củng cố vị thế của nhà giáo.

Tuy nhiên với số lượng trường học như hiện nay, số lượng giáo viên hơn 1,3 triệu giáo viên hiện nay thì việc tăng lương cao cho giáo viên nói riêng, viên chức nhà nước nói chung đảm bảo nhu cầu cuộc sống sẽ rất khó trong điều kiện hiện nay.

Người viết xin được có một số giải pháp sau để có thể cải thiện thu nhập cho nhà giáo như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tinh giảm mạnh mẽ bộ máy

Việc giảm, sáp nhập bộ máy giáo dục các năm nay cũng có thực hiện nhưng việc giảm chưa được mạnh mẽ, quyết liệt, giảm cơ học.

Nên người viết đề nghị có giải pháp giảm mạnh mẽ hơn, ở các địa bàn xã, phường chỉ nên có tối đa 1 trường tiểu học, sáp nhập trường tiểu học và trung học cơ sở gần nhau.

Việc sáp nhập phải sáp nhập thực chất, không nên sáp nhập cơ học chỉ giảm 1 hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng và 1 số văn phòng như hiện nay.

Không chỉ các trường tiểu học, trung học cơ sở phải được sáp nhập mà phải nghiên cứu việc tinh giảm các cơ quan quản lý từ Phòng, Sở và các cục, vụ ở cấp Bộ. Tinh gọn để hiệu quả và nâng cao chất lượng, trách nhiệm tổ chức, cá nhân.

Chỉ có sáp nhập, tinh gọn bộ máy, tăng chất lượng và hiệu quả làm việc thì khi đó vấn đề tăng lương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mới có thể thực hiện được từng bước.

Thứ hai, tiếp tục tăng trường tư giảm trường công nơi nào có điều kiện

Đây cũng là vấn đề bàn nhiều lần trong các bài viết nhưng việc thực hiện chưa được quan tâm, có cả việc trường tư bị “ép” nên chưa hiệu quả.

Theo người viết, phải giảm mạnh mẽ biên chế, cơ sở trường công mà tăng cường trường tư để giảm chi ngân sách cho giáo dục, để dành nguồn chi cho con người, tăng lương nhà giáo.

Khi đó cả giáo viên và học sinh sẽ có nhiều lựa chọn trường công, tư nhằm tăng mức cạnh tranh, tăng chất lượng, giảm ngân sách và tăng lương cho nhà giáo sẽ có thể trở thành hiện thực.

Thứ ba, tăng thời gian làm việc

Đây cũng là vấn đề nên bàn lại, thực chất công việc hiện nay của giáo viên khá nhiều áp lực nhưng chủ yếu do sĩ số đông, áp lực từ những công việc không tên như hồ sơ sổ sách, hội họp, phong trào,… nên việc giảm những việc hình thức và tăng thời gian làm việc cho giáo viên để tăng chất lượng, tinh gọn bộ máy là việc làm cấp thiết.

Khi đó, giáo viên được tinh gọn, thời gian làm việc tại trường nhiều hơn, giáo viên nhiệt tâm, làm việc hiệu quả,… thì việc tăng lương giáo viên sẽ không khó để thực hiện.

Thứ tư, tiết kiệm ngân sách chi cho giáo dục, phong trào

Thực chất ngân sách chi cho giáo dục hàng năm là không hề nhỏ, tuy nhiên một số lại chưa cho thấy hiệu quả, nhiều đề án từ chính Bộ Giáo dục và Đào tạo như đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” hay Đề án “Đổi mới thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học - cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”, đề án đào tạo tiến sĩ,… trong thời gian qua đã tiêu tốn rất lớn ngân sách nhưng chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hy vọng trong thời gian tới các đề án sẽ được nghiên cứu một cách cụ thể, thiết thực và ít tốn ngân sách hơn.

Tại các cơ sở giáo dục, việc chi quá nhiều ngân sách cho các hội thi giáo viên giỏi cấp trường, học sinh giỏi cấp trường (gần như 100% đạt) cũng tốn một lượng ngân sách khá lớn, không hiệu quả cũng nên được nghiên cứu lại.

Các phong trào thi cho giáo viên và học sinh cấp trường cũng nên được xem xét và dùng lại để tiết kiệm ngân sách.

Bên cạnh đó lãng phí trong các nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học cơ sở,… cũng nên được nghiên cứu bãi bỏ hoặc giảm tối đa để tiết kiệm ngân sách chi cho phong trào không hiệu quả.

Nhu cầu về tăng lương là nhu cầu chính đáng nhưng phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên, cộng với tiết kiệm ngân sách, giảm bớt các phong trào, hội thi thì mới hy vọng có sự đổi mới lương nhà giáo tương xứng với nghề, vai trò và vị thế nhà giáo.

Người viết cho rằng lần này chính là dịp để Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với các cơ quan ban ngành giải quyết bài toán nhân sự, tăng trường tư, tiết kiệm chi và cải thiện thu nhập cho giáo viên cả nước, để lương giáo viên đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, rút ngắn khoảng cách của lương nhà giáo so với đồng nghiệp toàn cầu và phải thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo.

Tài liệu tham khảo: [1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/luong-nha-giao-viet-nam-o-dau-tren-ban-do-giao-duc-the-gioi-794122.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM