Yếu tố đương đại có làm cổ tích méo mó?

18/11/2011 07:09
Vũ Trung Hiếu (VNN)
Việc sửa truyện Tấm Cám (và văn học dân gian nói chung) không làm méo mó lịch sử. Các phiên bản khác nhau cung cấp dữ liệu lịch sử về các thời đại khác nhau...

Sự cáo chung của cổ tích?

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, một không khí hoan lạc tràn ngập phương Tây. Francis Fukuyama- một nhà nghiên cứu Mỹ đã hứng khởi viết cuốn sách có tựa đề là Sự cáo chung của lịch sử. Theo Fukuyama, những cuộc chiến tranh và xung đột chủ yếu trên thế giới đã kết thúc, chẳng còn gì nữa để viết về lịch sử, vì các quốc gia chỉ còn phải giải quyết với nhau "những vấn đề mang tính kỹ thuật".

Nhưng lịch sử không cáo chung. Hiện thực đẫm máu ở Trung Đông, châu Phi, ở cả trong lòng châu Âu văn minh cổ kính (với cuộc chiến Nam Tư) đã chứng minh điều đó.

Tôi bỗng liên hệ tới câu chuyện trên, sau khi đọc bài Sửa kết cục "Tấm Cám": Méo mó cái nhìn thời đại của tác giả Nguyễn Văn Toàn trên TuanVietNam.net. Dường như sau những Andersen và Grim, Nguyễn Đổng Chi và Vũ Ngọc Phan... cổ tích đã cáo chung, thời đại cổ tích khép lại. Và những ai quan tâm đến cổ tích chẳng còn gì để làm, ngoài việc cố hình dung ra bức tranh lịch sử để cắt nghĩa những "văn bản cổ tích cuối cùng".

Tuy nhiên, cũng như lịch sử, cổ tích không cáo chung. Bằng cớ thời sự nhất, chính là việc sửa đoạn kết truyện Tấm Cám và cuộc tranh luận đang diễn ra sôi động.

Một cái kết tròn trịa với văn chương và lịch sử.

Có lẽ, vì quan niệm cổ tích đã cáo chung, đã có những "văn bản cuối cùng", nên tác giả Nguyễn Văn Toàn cho rằng việc sửa đoạn kết truyện Tấm Cám sẽ làm méo mó thông điệp lịch sử của câu truyện.

Tôi cho rằng tác giả đã nhầm.

Trên VietNamNet, Giáo sư Chu Xuân Diên cho biết: Cổ tích Tấm Cám chẳng có một "bản kể chuẩn" nào cả, dù đó là bản kể của Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan nửa thế kỷ trước, hay của Đỗ Thận (1907), A.Landes (1886), G.Jeanneau (1886)...

Và ngay cả những truyền thuyết về Âu Cơ - Lạc Long Quân, Thánh Gióng... gắn liền với niềm tự hào dân tộc, mà tác giả Nguyễn Văn Toàn hỏi rằng "liệu có sửa được không?", thực ra cũng đã được sửa nhiều rồi.

Cố GS Trần Quốc Vượng từng nhận xét - Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng - lịch sử Nho giáo, tất cả các yếu tố đó (tức yếu tố truyền thuyết - VTH) đã được cấu trúc lại, mới thoạt nhìn thì cũng có một dáng vẻ duy lý, hoàn chỉnh  nào đó, nhưng nếu đi sâu phân tích từng chủ đề, từng mô típ... ta thấy khá rõ ràng đấy chỉ là một khối liên kết nhân tạo, muộn màng, rối rắm và mâu thuẫn...

Yếu tố đương đại có làm cổ tích méo mó? ảnh 2

Mỗi phiên bản Tấm Cám mang thông điệp về một thời đại khác nhau.

Tuy vậy, sự "tân trang" truyền thuyết đó vẫn mang lại những giá trị lịch sử to lớn.

Đọc Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư... thấy truyền thuyết được ghi năm tháng rõ ràng, "xêm xêm" với niên đại những Viêm - Hoàng, Thuấn - Nghiêu, Cổn - Vũ... trong sử Tàu, ta hiểu rằng: Trong cố gắng chứng minh nước ta có bề dày văn hiến ngang bằng với Trung Quốc, các nhà Nho buổi đầu nước nhà độc lập đã gom nhặt những truyện ngoa truyền trích quái (chữ dùng của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu), nhào nặn lại thành chính sử..

Truyện dân gian không có "văn bản cuối cùng". Tác giả tập thể là một trong bốn thuộc tính quan trọng nhất của văn chương truyền miệng. Mỗi người, tùy thuộc vào nhãn quan thời đại, lý lịch văn hóa, lý tưởng thẩm mỹ, mục đích kể chuyện... đều có quyền sửa chữa. Không ai có thể ngăn chúng ta sửa lại đoạn kết của Tấm Cám khi kể truyện cho con, cũng như không thể phê phán các nhà soạn sách giáo khoa khi họ sửa đoạn kết của Tấm Cám là tùy tiện.

Và mai này, con cháu chúng ta sẽ còn tiếp tục "biên tập" lại Tấm Cám.

Cổ tích không cáo chung, cổ tích vẫn liên tục sản sinh những phiên bản mới. Tấm không bị phủ bụi trong những bộ sưu tầm cổ tích. Tấm vẫn sống động, dịu hiền, dù không cưỡi ngựa mà lái ô tô trảy hội.

Một cái kết tròn trịa với văn chương dân gian.

Mỗi phiên bản Tấm Cám mang thông điệp về một thời đại khác nhau. Hậu thế, thông qua các phiên bản Tấm Cám, có thể biết thêm: Tấm Cám với cái kết trả thù khốc liệt phản ánh chân dung  người Việt thời đại còn vương vấn những tập tục "dã man". Tấm Cám với cái kết nhẹ nhàng phản ánh chân dung người Việt thời đại hội nhập cùng thế giới...

Vì vậy, việc sửa truyện Tấm Cám (và văn chương dân gian nói chung) không làm méo mó lịch sử. Ngược lại, các phiên bản khác nhau cung cấp dữ liệu lịch sử về các thời đại khác nhau.

Nhập nhằng khoa học và giáo dục...

Trong cuộc luận bàn quanh việc sửa lại đoạn kết truyện Tấm Cám, phần lớn những người chủ trương không sửa đều nhân danh khoa học, không sửa để đảm bảo tính khoa học...

Nhưng việc bà kể cháu nghe, mẹ kể con nghe là giáo dục trong gia đình; thầy giảng trò nghe là giáo dục trong nhà trường. Tóm lại là chuyện của giáo dục, không phải chuyện của khoa học.

Vẫn biết giáo dục phải dựa trên cơ sở tri thức khoa học, nhưng giáo dục và khoa học tuy hòa một mà vẫn chia hai. Làm khoa học có thể sai (để tìm ra cái đúng). Giáo dục sai thì gây tai họa cho cả một thế hệ. Làm khoa học có người thí nghiệm dại dột, như nhà vật lý nào đó sờ tay vào dây thu lôi để chứng minh sét là dòng điện. Trong giáo dục, những  thí nghiệm dại dột lại là điều cấm chỉ.

Trở lại truyện Tấm Cám, tác giả Nguyễn Văn Toàn đã kỳ công chứng minh rằng: Cái kết "nguyên bản" là hợp lý, hợp thời, muốn hiểu đúng phải vén lớp mây mù, phá phần nổi của tảng băng trôi cổ tích. Nhưng thử hỏi, trong những người hằng đêm kể chuyện cho con cho cháu nghe, bao nhiêu người có đủ khả năng "thấu thị xuyên tầng" (chữ dùng của Giáo sư Đỗ Đức Hiểu khi nói về cách đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp) như thế? Và nếu họ có đủ khả năng ấy, thì liệu rằng những đứa trẻ lên 5, lên 10 nghe có hiểu?

Cho nên, việc sửa cái kết của Tấm Cám trong truyện tranh, trong lời kể cho trẻ em là hoàn toàn hợp lý.

Việc sửa truyện Tấm Cám trong sách giáo khoa cũng tương tự. Ý nghĩa triết lý của câu truyện là điều không cần bàn cãi. Nhưng theo tác giả Nguyễn Văn Toàn, thì để hiểu đúng, hiểu sâu cái kết đó, các em phải biết vận dụng triết học, hơn nữa lại là triết học cổ phương Đông.

Vậy hãy xem các em đang học triết như thế nào? Lẽ ra, nên bố trí  trong chương trình lớp 12 - khi các em đã có đủ nền tảng kiến thức để nắm bắt những vấn đề trừu tượng của triết học, thì ngược lại, triết học đang được bố trí ở chương trình lớp 10, chung trong một môn được đặt tên khá tùy tiện là "Giáo dục công dân".

Giáo sư Văn Như Cương đã có lần than trên VietNamNet rằng - đây là giáo trình của Học viện chính trị Hồ Chí Minh thu gọn, "bất khả tri" với phần lớn các em 15 tuổi.

Có lẽ, vì hiểu được "mặt bằng triết học" của phần lớn các em còn cà cộ như thế, chưa thể "thấu thị xuyên tầng" để hiểu hết những triết lý phương Đông nằm sâu tít giữa các hàng chữ lộ thiên, nên các nhà soạn sách giáo khoa đã sửa đoạn kết tàn khốc của truyện Tấm Cám.

Đó cũng là điều hợp lý. Tiếc rằng, nếu các nhà soạn sách mạnh dạn đề nghị chuyển hẳn môn triết và câu truyện Tấm Cám (với nhiều phiên bản khác nhau) lên chương trình lớp 12 thì mới thực hợp lý.

Truyện dân gian không có "văn bản cuối cùng". Tác giả tập thể là một trong bốn thuộc tính quan trọng nhất của văn chương truyền miệng. Mỗi người, tùy thuộc vào nhãn quan thời đại, lý lịch văn hóa, lý tưởng thẩm mỹ, mục đích kể chuyện... đều có quyền sửa chữa. Không ai có thể ngăn chúng ta sửa lại đoạn kết của Tấm Cám khi kể truyện cho con, cũng như không thể phê phán các nhà soạn sách giáo khoa khi họ sửa đoạn kết của Tấm Cám là tùy tiện.

Vũ Trung Hiếu (VNN)