Dự luật Biểu tình gây tranh cãi ở Quốc hội

18/11/2011 07:28
Theo Thanh niên
Có nên đưa luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ QH khóa 13 hay không là một trong những nội dung gây tranh cãi...
Có nên đưa luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ QH khóa 13 hay không là một trong những nội dung gây tranh cãi giữa các ĐBQH khi thảo luận tại nghị trường sáng 17.11. 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước (trái)và Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn của báo chí về vấn đề Luật Biểu tình bên lề Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước (trái)và Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn của báo chí về vấn đề Luật Biểu tình bên lề Quốc hội

Trong dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa 13, Ủy ban TVQH đề xuất đưa luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị. Bày tỏ chính kiến trước QH sáng qua, ĐB tự ứng cử của Đoàn TP.HCM Hoàng Hữu Phước đề nghị QH “loại bỏ luật Lập hội và luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ khóa 13”.
Đề nghị bổ sung luật Từ chức
“ Tôi đề nghị bổ sung luật Từ chức trong nhiệm kỳ này. Hiện nay có tới 1/3 công chức chính trị, công chức hành chính, dân người ta nói mà tôi cũng được biết là chân trong, chân ngoài, làm việc không hiệu quả, nên giảm bớt đi. Hai là những người đứng đầu, nhất là người đứng đầu nếu không đủ tài trí, thì cũng nên từ chức. Điều này phù hợp với xu hướng chung. Nếu không đủ tài đức nữa thì có nên ngồi mãi không?”.
(ĐB Đỗ Văn Đương - TP.HCM)
Để thuyết phục cho đề xuất của mình, ĐB Phước dẫn lại hàng loạt sự kiện biểu tình ở nhiều nước trên thế giới và quả quyết “ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ”. Từ góc nhìn này, ông Phước đặt vấn đề: “VN có cần cuộc biểu tình chống chính phủ hay không? Chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ VN hay không? Nếu không cần tại sao lại đưa dự án luật Biểu tình, nói rồi nói mãi như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ?”. 
Tiếp tục dẫn lại những điều “mắt thấy tai nghe” khi đi ngang qua vài cuộc tập hợp đông người gần đây ở TP.HCM chống “đường lưỡi bò”, ông Phước so sánh: “Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân? 
Dự án luật Biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang..., những nhà tu hành chân chính chưa, hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm?”. Và ông Phước khẳng định: “Đa số công dân sẽ không ủng hộ luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”.
Phát biểu sau đó, các ĐB khác như Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) bày tỏ đồng tình với ý kiến của ĐB Hoàng Hữu Phước.
Bấm nút đăng ký phát biểu, nhà sử học Dương Trung Quốc phản biện: “Ở QH, đã đề cập đến vấn đề gì cần nghiên cứu đến nơi đến chốn, đưa ra những bằng chứng lịch sử dở dang, ngộ nhận là hết sức nguy hiểm”.
Dẫn lại Sắc lệnh 31, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành 11 ngày sau khi nước VN Dân chủ Cộng hòa thành lập, ông Quốc cho rằng “phải nhìn biểu tình cả hai cách của nó, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp để thực thi quyền hành pháp. Nếu chỉ nhìn một mặt thì chúng ta chỉ nhìn thấy mặt hỗn loạn của nó thôi”. 
Cũng theo vị ĐB đã có thâm niên làm ĐB tới 3 nhiệm kỳ QH, “bây giờ chúng ta đang chứng kiến những sự kiện trong quá trình hội nhập thế giới, việc tỏ thái độ của người dân là cần thiết. Chính bởi vì không có luật (luật Biểu tình - pv) nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Tôi không tán thành các ĐBQH cứ nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn QH chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó vì nó dẫn đến tiêu cực xã hội”. 
Ông Quốc nói thêm: “Không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất chủ động đề cập đến việc đề nghị đưa vào chương trình luật pháp của chúng ta về biểu tình. Tôi nghĩ QH cần hết sức thận trọng. Phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân. Chính vì thế càng thấy chúng ta cần phải có luật Biểu tình càng sớm càng tốt. Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, chúng ta phải có lộ trình thích hợp, thận trọng”. 

Quy định rõ để buộc người dân hiểu về luật pháp

Chiều qua, QH thảo luận về dự án luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Các ĐB khẳng định việc ban hành luật là cần thiết và nhất trí với quan điểm xây dựng luật phải tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả; phải xác lập trách nhiệm và cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực của các cơ quan, tổ chức và xã hội cho công tác này.

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm, chỉnh sửa cho phù hợp với đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật, phù hợp với nguyên tắc, gắn với đối tượng nghe cụ thể. Trong khi người dân chưa thấy hết sự cần thiết của việc phổ biến giáo dục pháp luật như thế nào đối với mình thì nhà nước cần có quy định ràng buộc để cho dân buộc phải nghe để hiểu về luật pháp.

Chất vấn vụ “phù phép” 23.000 tấn muối công nghiệp

Nhiều ĐBQH đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về chuyện cho phép nhập khẩu muối, kể cả muối ăn thời gian qua, đặc biệt là việc “phù phép” 23.000 tấn muối công nghiệp thành muối ăn.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng: “Việc nhập khẩu phù phép 23.000 tấn muối công nghiệp thành muối ăn trong khi cả nước không thiếu muối ăn, chắc chắn sẽ dẫn đến dư thừa, phá vỡ cung cầu, làm giá muối sụt giảm, đe dọa sự sống còn của muối nội và đẩy diêm dân đến chỗ khốn cùng. Bên cạnh đó, muối công nghiệp chủ yếu khai thác từ các mỏ muối của các nước là Ấn Độ, Pakistan... nên chứa rất nhiều kim loại nặng gây tác hại đến sức khỏe con người như rối loạn tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch và bệnh ung thư”.

Theo Thanh niên