Quốc Toàn: Từ bỏ học vác đá tới vô địch cử tạ SEA Games

19/11/2011 13:54
Theo CAND
Xuất thân trong một gia đình đông anh em, Toàn phải bỏ học từ năm lớp 8 để đi làm phu đá ở làng nghề đá Non Nước (TP Đà Nẵng).
6 năm sau ngày "chạm mặt" cử tạ, Trần Lê Quốc Toàn giờ đã trở thành nhà vô địch SEA Games. Hôm qua, nhìn Toàn trả lời phỏng vấn và lũ trẻ nghèo người Indonesia vây quanh ngưỡng mộ, nhìn Toàn với ánh mắt như thần tượng, tôi thấy mừng cho Toàn. Có lẽ lúc đó, tất cả những đứa trẻ nghèo đều ước mơ một ngày được như chàng "phu đá" này: Đứng trên bục cao chiến thắng để mang vinh quang về cho Tổ quốc và để… thoát nghèo.
Quốc Toàn đạt HCV duy nhất tính tới 14h30. Ảnh: TTVH
Quốc Toàn đạt HCV duy nhất tính tới 14h30. Ảnh: TTVH

Hôm qua, trên sàn đấu cử tạ, sàn đấu của sức mạnh, tôi đã nhìn thấy chàng Hercules với sức mạnh thể lực phi thường và thấy cả hình ảnh của một thanh niên nghèo vươn tới đỉnh cao bằng ý chí thoát nghèo.


Trong khi mọi con mắt đổ dồn về Thạch Kim Tuấn, niềm hy vọng vàng của cử tạ Việt Nam thì một lực sĩ "vô danh" âm thầm xuất hiện. Dẫn đầu sau nội dung cử giật, bỏ lại phía sau hai cái tên lẫy lừng, VĐV Jadi của nước chủ nhà, và đồng đội Thạch Kim Tuấn, người được ca tụng là sẽ kế tục Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, lực sĩ 22 tuổi, quê Đà Nẵng khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Từ ngỡ ngàng, nhiều người bắt đầu sững sờ với những gì Toàn thể hiện. Sau khi Thạch Kim Tuấn thất bại ở 151kg, còn Jadi thành công ở 154kg cử đẩy, Toàn buộc phải thực hiện thành công lần cử đẩy 155kg mới giúp cử tạ Việt Nam giành vàng ở nội dung này.

Thời khắc ấy, quả tạ chỉ nặng 155kg nhưng áp lực lên Toàn thì lớn đến… ngàn cân. Phía dưới, những ánh mắt Việt Nam không chớp vì sợ bỏ lỡ khoảnh khắc vàng nhưng cũng có một số người quay mặt đi vì sợ phải chứng kiến một "bi kịch" nữa như hai năm trước Hoàng Anh Tuấn bị "tạ đè" ở Lào. Nhưng may sao, bi kịch đã không xảy ra khi Toàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chính bản thân Toàn cũng chưa bao giờ thực hiện cử đẩy thành công 155kg. Anh mới chỉ làm được điều đó vài lần trong lúc tập luyện, khi mà tâm lý hoàn toàn thoải mái. Nhưng hôm qua Toàn đã chiến thắng được sức ép ngàn cân để mang vàng về cho cử tạ Việt Nam một tấm HCV mà người hâm mộ đã mỏi mắt chờ đợi bao mùa SEA Games.
Quốc Toàn giành HCV SEA Games.
Quốc Toàn giành HCV SEA Games.

Xuất thân trong một gia đình đông anh em, Toàn phải bỏ học từ năm lớp 8 để đi làm phu đá ở làng nghề đá Non Nước (TP Đà Nẵng). Khi ấy Toàn bỏ học vì thương mẹ và bởi "là con trai trong nhà, em không thể để gánh nặng đè lên vai mẹ trong khi em có sức khỏe".

Làm phu đá được vài tháng, Toàn nghe người bạn mách rằng, "trung tâm thể thao Đà Nẵng đang tuyển VĐV cử tạ, mày đến thử sức xem sao". Thế là từ đó, Toàn dấn thân vào nghiệp cử tạ. HCV lần đầu tiên giải cử tạ trẻ toàn quốc ở Hải Dương với 700 ngàn đồng tiền thưởng, Toàn gửi cả cho mẹ. "Đây là khoản tiền thưởng đầu tiên của con dành tặng mẹ" - Toàn nói - "Dù ít nhưng khi đó mẹ em rất vui".

6 năm sau ngày ấy, Trần Lê Quốc Toàn giờ đã trở thành nhà vô địch SEA Games. Hôm qua, nhìn Toàn trả lời phỏng vấn và lũ trẻ nghèo người Indonesia vây quanh ngưỡng mộ, nhìn Toàn với ánh mắt như thần tượng, tôi thấy mừng cho Toàn. Có lẽ lúc đó, tất cả những đứa trẻ nghèo đều ước mơ một ngày được như chàng "phu đá" này: Đứng trên bục cao chiến thắng để mang vinh quang về cho Tổ quốc và để… thoát nghèo.
Theo CAND