"Tôi không tin là hậu kiểm có thể kết luận thu hồi bằng tiến sĩ của một ai đó"

14/05/2022 06:32
Phạm Minh
GDVN- Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, yêu cầu bài báo quốc tế như là một trong những sản phẩm đầu ra có thể coi là giải pháp khả dĩ cho công tác đào tạo tiến sĩ.

Thời gian qua, đào tạo tiến sĩ lại trở thành vấn đề nóng khi xuất hiện những đề tài, luận án tiến sĩ gây nhiều tranh cãi. Nhiều người băn khoăn khi nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu những đề tài quá hẹp, chưa “xứng tầm” tiến sĩ.

Chia sẻ vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khuyến cáo, các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý. [1]

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng rất khó để “hậu kiểm” với đề tài nghiên cứu đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, bởi vấn đề là ở Hội đồng bảo vệ và giáo viên hướng dẫn, còn nghiên cứu sinh chỉ làm theo quy trình, yêu cầu đã đặt ra.

Và thực tế, lực lượng nghiên cứu ở nước ta đang vừa thiếu lại vừa yếu về số lượng lẫn chất lượng.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: NVCC)

Các đề tài nghiên cứu đủ chất lượng thì thường lại có chuyên môn rất sâu, và thường là ở Việt Nam hiếm có đủ người chuyên môn giỏi để tham gia vào Hội đồng bảo vệ, đây chính là “khoảng trống” lớn của khoa học Việt Nam.

“Tôi cho rằng, việc dư luận đánh giá một luận án tiến sĩ thông qua tên đề tài có giá trị tham khảo thôi, bởi để đánh giá đúng thì vẫn cứ phải thông qua Hội đồng chuyên môn trong ngành hẹp.

Nếu chúng ta tiếp tục đánh giá như vậy thì câu chuyện này sẽ không bao giờ đi đến hồi kết.

Quan trọng là chúng ta phải có một Hội đồng đủ năng lực chuyên môn để đánh giá chất lượng của một đề tài, một luận án.

Về lâu dài, nếu không tìm kiếm được đủ thành viên Hội đồng chuyên môn đủ năng lực với từng đề tài thì có thể mời các chuyên gia quốc tế (bao gồm người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài) tham gia vào Hội đồng này. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi kinh phí cao, tốn kém, trong ngắn hạn có lẽ chưa áp dụng được.

Vậy cách còn lại là chúng ta phải đặt ra tiêu chuẩn đánh giá 1 phần luận án tiến sĩ thông qua bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI hoặc Scopus. Đây cũng chỉ là tiêu chuẩn tối thiểu, mức sàn thấp nhất mà chúng ta hướng tới đảm bảo tính hội nhập quốc tế”, Tiến sĩ Hiệp nêu quan điểm.

Với cách làm này, ít nhất chúng ta cũng yên tâm là một phần luận án tiến sĩ đã được một Hội đồng biên tập và các phản biện của một tạp chí quốc tế theo chuẩn ISI/Scopus thông qua.

Bãi bỏ Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT là bước thụt lùi trong đào tạo tiến sĩ

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho biết, vấn đề chất lượng tiến sĩ thực tế đã được nêu ra từ cách đây hơn 10 năm, nhưng dường như không có nhiều giải pháp đột phá.

Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT (Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2017) trong đó yêu cầu nghiên cứu sinh phải có 01 bài báo ISI/Scopus hoặc 2 bài hội thảo quốc tế từng được xem là một biện pháp tốt, là chốt chặn quan trọng để loại bỏ những “lò ấp” tiến sĩ.

Thế nhưng, chỉ sau có 3 năm áp dụng, chưa có dịp tổng kết, đánh giá thì không hiểu sao quy định này đã được bãi bỏ và thay bằng Thông tư 18/2021.

“Cần lưu ý, những đề tài gây tranh cãi thời gian qua phần lớn đều là sản phẩm của các nghiên cứu sinh nhập học trước 2017 (trước khi Thông tư 08 ra đời). Vậy mà giờ chúng ta bỏ Thông tư 08 là chúng ta lại quay về thời kỳ trước, là bước thụt lùi trong đào tạo tiến sĩ”, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho hay.

Đối với những phản ánh liên quan tới chất lượng luận án tiến sĩ, chất lượng đào tạo tiến sĩ thời gian qua, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành. [2]

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng rất khó để “hậu kiểm” với đề tài nghiên cứu đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, bởi thực tế nghiên cứu sinh hầu như đáp ứng đúng những gì đã quy định.

“Tôi không tin là hậu kiểm có thể đưa ra kết luận rút lại bằng tiến sĩ của một ai đó.

Trong tương lai, tôi đề xuất quy định về bài báo quốc tế đối với nghiên cứu sinh có thể được khôi phục lại.

Đây có thể không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng lại là giải pháp khả dĩ nhất cho chúng ta trong bối cảnh hiện nay” – Tiến sĩ Hiệp cho biết.

Trong đào tạo tiến sĩ, giữa số lượng và chất lượng thì cần phải ưu tiên chất lượng. Nhưng cách làm của chúng ta hiện nay là đang ưu tiên số lượng.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Phạm Hiệp kỳ vọng vào sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Đề án 89, theo đó, học bổng không chỉ cấp cho nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài mà cả nghiên cứu sinh học tại các chương trình tiến sĩ trong nước.

Tất nhiên, mức học bổng đó phải giúp nghiên cứu sinh đủ sống, để không phải lăn tăn gì đến việc phải kiếm tiền trong 3-4 năm làm nghiên cứu sinh.

Về cách thức làm việc của Hội đồng chuyên môn, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho biết, mô hình ngồi họp hội đồng hiện nay đã lỗi thời.

Chúng ta cần học mô hình đánh giá của Quỹ NAFOSTED và cách làm của một số quốc gia phát triển, hồ sơ được gửi đến các ủy viên, sau đó được đánh giá, phản biện và trả lời bằng văn bản. Đây là cách làm khoa học, khách quan và tiết kiệm thời gian thay vì 1 ngày ngồi 18 hội đồng bảo vệ như một số Hội đồng đang làm hiện nay

Tài liệu tham khảo:

[1] [2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lum-xum-ve-luan-an-tien-si-vu-truong-vu-gddh-noi-gi-post226332.gd

Phạm Minh