Kỷ niệm về ngày 20-11 đầu tiên cho riêng mình

20/11/2011 18:06
Bùi Việt Phương (một giáo viên ở Hòa Bình)
(GDVN) - Tôi không phải là một trí thức còn quá trẻ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có ngày 20-11 cho riêng mình...
Và dường như, sau rất nhiều va vấp, trải nghiệm với trường đời tôi mới hiểu, mới thương những học trò của mình. Thương như thương những đứa em bé bỏng của tôi.

Cho dù gần đây, ngành giáo dục còn ngổn ngang với nhiều vấn đề nảy sinh của xã hội hiện đại thì với người Việt Nam, thầy cô giáo vẫn là người được tin và yêu nhất. Hẳn thế, chỉ cần nghe tôi nói là đi dạy, anh lái taxi dạn dĩ với đời chợt thở phào nhẹ nhõm và dành tặng tôi những từ chân trọng.

Tất cả những hồi ức suốt thời đi học được lục tung lên, tuy lẫn lộn, chắp vá nhưng được anh kể lại bằng sự hồn nhiên trong trẻo của tâm hồn học trò thuở nào. Lần khác, là một bác xe ôm đứng tuổi. Trước khi đưa tôi đội chiếc mũ bảo hiểm “năm cha ba mẹ” cũng vội phủi phủi lớp bụi đường (chả hiểu có sạch thêm được chút nào không) vì sợ lấm mái tóc ngay ngắn của tôi. Thế đó, dân ta vẫn kính thầy, tin thầy vì họ vẫn tin vào chữ nghĩa, tin rằng tri thức sẽ lấn át cái ác, cái xấu xa trong cuộc sống mưu sinh bon chen này.

Biết là thế, nhưng ngày 20-11 đầu tiên đến với tôi vẫn thật sự bất ngờ. Tôi không hiểu, cậu sinh viên có mái tóc vàng, chỉ thích nhắn tin trong lớp, hay “tranh thủ” vào muộn ra sớm nghe ai bảo mà tinh mơ mờ đất đã nhắn tin chúc mừng tôi những lời rất cảm động từ hôm 19. Rồi đến lúc gặp mặt, cậu lại láu táu chúc tôi lần nữa. Đến những cô học trò chăm chăm chỉ, ngoan hiền thì khỏi phải nói. Và, cả cái cô vẫn mở to đối mắt long lanh nhìn thầy giáo trẻ rồi đỏ bừng đôi má… ồ, xúc động lắm chứ.

Những ngày 'tết' của ngành mình, con đường tới trường tôi ngập đầy hoa, những nụ cười sinh viên dành cho mình như cũng tươi tắn hơn. Bước vào giảng đường chợt thấy bên ngực trái mình trái tim như đập mạnh hơn. Con đường phấn đấu để làm người thầy tốt còn xa tắp mà đôi mắt học trò nhìn thầy tin tưởng quá. Đêm về nằm vắt tay lên chán nghĩ, tôi lại cố lục tung cái hành trang kinh nghiệm va vấp với trường đời để chơ che cho các em, giúp các em đi qua những cám dỗ và cạm bẫy. Lo và thương cho học trò mình như giữ gìn con người mình vậy.

Giờ tôi mới hiểu câu nói của người thầy tôi đã đi xa: mỗi lời “chào thầy” của học trò là một bông hoa mà mình được nhận. Mình phải gìn giữ và chăm chút cho nó mãi xanh tươi. Được làm thầy cũng là một cái duyên trong cuộc đời này!

Bùi Việt Phương (một giáo viên ở Hòa Bình)