Cô giáo ở bản Hon (Phú Thọ) biến sân nhà thành thư viện nhỏ

01/06/2022 06:44
Đỗ Thị Phương Huệ
GDVN- Cô giáo Đặng Thị Thu Hương đã tự tạo ra một thư viện tại nhà với hàng trăm đầu sách để phục vụ bà con bản Hon (Phú Thọ) và các học sinh của mình.

Cô giáo của bà con bản Hon

Những ngày cuối tháng 5, khi các em học sinh được nghỉ hè thì cũng là lúc cô giáo Đặng Thị Thu Hương (giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Lương, huyện Yên Lập) lại bắt tay vào việc dạy bà con bản Hon ở xã Xuân An - một xã vùng núi thuộc huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ làm những chiếc nón xinh xắn từ vật liệu thật đặc biệt, đó là những tấm bạt rách, ô rách bỏ đi.

Với bà con miền núi quanh năm làm bạn với nắng mưa thì nón là vật dụng thiết yếu, nhưng vì nơi đây còn vất vả, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên cần ưu tiên tận dụng những vật liệu bỏ đi hay những vật liệu không mất tiền mua như lá cọ để làm nón, vừa bền đẹp, tiết kiệm lại thân thiện với môi trường.

Cô giáo Hương may nón từ bạt cũ. Ảnh: Phương Huệ

Cô giáo Hương may nón từ bạt cũ. Ảnh: Phương Huệ

Thực tế, làm nón là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nên cả người học và người dạy đều phải kiên nhẫn và nghiêm túc.

Đôi tay gầy guộc, đôi chỗ phồng rộp vì cầm kim chặt, cô Hương thoăn thoắt may những đường chỉ cước chắc chắn để cố định những tấm vải bạt có phần tả tơi, lành phành.

Được mẹ truyền dạy từ tấm bé nên cô Hương rất thành thạo công việc này, chỉ khoảng 30 phút sau, cô đã có thể cho ra thành quả là một chiếc nón hoàn thiện với vành khung chắc chắn, đường kim mũi chỉ chỉn chu, cẩn thận.

Với sự hướng dẫn tận tình của cô Hương, bà con bản Hon và các thôn làng lân cận đã rất nhiều người biết làm nón bạt, vừa để sử dụng, vừa bán đi để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Mỗi chiếc nón hoàn thiện như vậy được bà con mang xuống chợ thị trấn bán với mức giá 40.000 đồng.

Những đường may cẩn thận, chỉn chu của cô Hương. Ảnh: Phương Huệ

Những đường may cẩn thận, chỉn chu của cô Hương. Ảnh: Phương Huệ

Biến sân nhà thành thư viện nhỏ

Tận dụng những thứ không dùng tới để làm những thứ có giá trị cũng giống như việc cô Hương đã gom góp sách, truyện, báo cũ mà mọi người quyên góp thành một thư viện nhỏ ngay tại sân nhà, để phục vụ bà con và các em học sinh đến đọc vì thấu hiểu được những thiếu thốn ở vùng cao.

“Ở Yên Lập chỉ có một hiệu sách nhân dân dưới thị trấn cách đây 15km, nên các bạn học sinh muốn đọc sách chỉ có thể mượn ở thư viện nhà trường... Sách tham khảo, sách nâng cao sẽ rất là hiếm đối với các bạn” – cô Hương cho biết.

Những cuốn sách đã cũ sờn ở Thư viện của cô Hương. Ảnh: Phương Huệ

Những cuốn sách đã cũ sờn ở Thư viện của cô Hương. Ảnh: Phương Huệ

Có những cuốn sách đã sờn cũ, phai màu... có những cuốn sách đã mất vài trang hay không còn bìa nguyên vẹn... nhưng tất cả đều được cô Hương sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn và giữ gìn cẩn thận.

Kể từ năm 2015 đến nay, thư viện nhỏ mang tên cụ Ngô Quang Bích của cô Hương với hơn 100 đầu sách là điểm đến của cả trẻ em và người lớn trong vùng.

Khi việc đến hiệu sách với người dân nơi đây là một điều gì đó xa xỉ thì họ tìm đến với thư viện của cô Hương để tìm kiếm tri thức, tìm kiếm những bài học hay chỉ đơn giản là tìm kiếm niềm vui, nỗi buồn, sự đồng cảm, sẻ chia qua từng con chữ.

Các trò nhỏ đến thư viện của cô Hương đọc sách. Ảnh: Phương Huệ

Các trò nhỏ đến thư viện của cô Hương đọc sách. Ảnh: Phương Huệ

Lan tỏa niềm yêu sách

Và cứ như thế, mỗi ngày đến thư viện của cô Hương, các em cũng say mê đọc từng dòng chữ, nhẹ nhàng lật giở từng trang và cẩn thận xếp lại gọn gàng.

Rồi cũng từ những lần đến đọc sách tại đây, cô học trò nhỏ người dân tộc Mường tên Đinh Thị Phương Linh cũng đã có cho mình một góc đọc sách nho nhỏ ngay tại ngôi nhà sàn của mình ở bản Hon.

“Lúc trước thì trên này cũng là chỗ để hóng gió thôi nhưng khi cô Hương nói là chỗ này dùng để để sách thì em cũng để sách ở đây. Ban đầu thì cũng ít lắm, dần dần khi em sưu tầm thì được nhiều như thế này” – Em Đinh Thị Phương Linh, học sinh Trường Tiểu học Xuân An, Yên Lập, Phú Thọ chia sẻ.

Góc đọc sách nhỏ của bé Đinh Thị Phương Linh. Ảnh: Phương Huệ

Góc đọc sách nhỏ của bé Đinh Thị Phương Linh. Ảnh: Phương Huệ

Xuất phát từ tình yêu sách, mê sách khi lập nên thư viện nhỏ tại nhà, cô giáo Thu Hương còn lan tỏa tình yêu ấy đến với các bạn học sinh của mình, cô muốn gây dựng thêm nhiều điểm đọc sách tại chính ngôi nhà của các bạn.

Nhờ có sự khích lệ, hướng dẫn của cô Hương mà bạn Đinh Thị Hàn Châu, học sinh Trường Tiểu học Mỹ Lương, huyện Yên Lập cũng tự lập nên “Thư viện Tình bạn” ở góc học tập của mình để mời các bạn đến nhà đọc sách.

Hàn Châu chia sẻ: “Em đặt tên thư viện này là “Thư viện Tình bạn” vì em rất yêu quý các bạn và muốn để cho các bạn đọc được những cuốn sách hay”.

Thư viện Tình bạn của bé Hàn Châu. Ảnh: Phương Huệ

Thư viện Tình bạn của bé Hàn Châu. Ảnh: Phương Huệ

Với mong muốn mỗi em học sinh đều có một tủ sách nhỏ trong nhà, cô giáo Thu Hương đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực sưu tầm thêm nhiều sách để chia sẻ với các em, giúp các bạn nhỏ vùng cao khám phá thế giới bằng tri thức.

Ngày nay, khi văn hóa đọc dần mai một bởi sự lên ngôi của văn hóa nghe – nhìn thì tình yêu sách và những mô hình thư viện nhỏ như của cô giáo Thu Hương hay góc đọc sách của bé Hàn Châu, bé Phương Linh lại càng cần được nhân rộng hơn bao giờ hết.

Đỗ Thị Phương Huệ