Cứ kỷ luật nặng hiệu trưởng tự khắc dẹp nạn bán SGK kiểu "bia ít lạc nhiều"

03/07/2022 06:38
Hương Ly
GDVN- Sở, Phòng Giáo dục cần phải có hình thức kỉ luật thích đáng hiệu trưởng nếu trường nào có tình trạng "ép" học sinh mua sách tham khảo thì mới đủ sức răn đe.

Ngày 10/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT 2022 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. [1]

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương:

"Không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng".

Chỉ thị vừa được ban hành, phụ huynh có theo học tại một số cơ sở giáo dục đã bức xức phản ánh trên các phương tiện truyền thông tình trạng nhà trường gửi danh mục sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo có tổng số tiền lên đến gần triệu đồng một bộ.

Nhà trường có được bán sách tham khảo?

Ngày 7/7/2104, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT Quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. [2]

Theo đó, Điều 1 quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên bao gồm:

"Yêu cầu đối với xuất bản phẩm tham khảo; lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục các cấp trong việc lựa chọn, quản lí, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra".

Theo quy định này, nhà trường được phép sử dụng sách tham khảo nhưng phải tuân thủ một số quy định kèm theo như: tổ/ nhóm chuyên môn lựa chọn sách tham khảo, sau đó thủ trưởng cơ sở giáo dục quyết định phê duyệt danh mục xuất bản phẩm tham khảo... (Điều 4).

Tuy nhiên, có 2 vấn đề đáng bàn là: thứ nhất, tổ/nhóm chuyên môn của trường học đã lựa chọn sách tham khảo phù hợp với từng đối tượng học sinh theo quy định hay chưa?

Thứ hai, vì sao có hiệu trưởng vẫn phớt lờ quy định để rồi lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa để gửi phụ huynh đăng ký mua.

Có nơi, nhà trường không dùng tên gọi sách tham khảo mà gọi là sách bổ trợ. Ngày 28/6/2022, chị T. P. có con học ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho người viết thông tin, một trường tiểu học trên địa bàn phát cho phụ huynh danh mục sách giáo khoa và sách bổ trợ của học sinh lớp 4. Nếu phụ huynh có nhu cầu nhờ nhà trường mua hộ thì đăng kí với giáo viên chủ nhiệm.

Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Bộ sách giáo khoa có giá 87.000 đồng, còn sách bổ trợ là 185.2000 đồng và bìa bao sách (8000 đồng x 29 quyển) là 232.000 đồng. Tổng cộng tiền sách giáo khoa, sách bổ trợ và bìa bao sách là 998.000 đồng.

"Tôi mua 20 bìa bao sách ở nhà sách có giá 28.000 đồng, tính ra mỗi bìa chỉ 1.400 đồng nhưng ở trường bán lên đến 8.000 đồng/bìa", phụ huynh này cho biết.

"Ép" học sinh mua sách tham khảo, kỉ luật hiệu trưởng được không?

Người viết cho rằng, trường nào để xảy ra tình trạng "ép" học sinh mua sách giáo khoa kèm sách tham khảo thì Sở/ Phòng Giáo dục phải có hình thức kỉ luật hiệu trưởng.

Kể từ thời điểm Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, Hiệu trưởng của các trường công lập là viên chức.

Như thế, nếu hiệu trưởng vi phạm những điều cấm của ngành giáo dục - chẳng hạn làm trái Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT 2022 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông - thì sẽ bị xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ. [3]

Khoản 3 Điều 16 quy định áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức nêu rõ:

"Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp".

Điều 17 quy định áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với viên chức nếu: "Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định này mà tái phạm".

Điều 18 quy định áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với viên chức quản lý nếu: "Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 17 Nghị định này mà tái phạm".

Cùng với đó, theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 90/2020/NĐ-CP ban hành ngày 13/8/2020 quy định viên chức quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:

"Đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật; Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá".

Từ các căn cứ phân tích ở trên, theo người viết, Sở/ Phòng Giáo dục hoàn toàn có thể áp dụng hình thức kỉ luật nghiêm minh nếu hiệu trưởng (viên chức quản lí) vi phạm thì sẽ chấm dứt được tình trạng nhà trường bán sách giáo khoa theo kiểu "bia kèm lạc" mà "lạc" thì nhiều hơn "bia" khiến phụ huynh bức xúc.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng sửa đổi Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT theo hướng quy định nghiêm cấm các nhà trường bán sách tham khảo (núp bóng sách bổ trợ) để chấm dứt tình trạng bát nháo này.

Bàn về sách tham khảo, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có ý kiến rất xác đáng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: "Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo sát sao, phối hợp với các địa phương để thực hiện một cách nghiêm túc. Khi đó, từng địa phương cũng phải chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục, trước Thủ tướng và trước Chính phủ". Rõ trách nhiệm từng cấp, từng đơn vị và thực hiện nghiêm minh sẽ sớm giải quyết được vấn đề này.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/chi-thi-643-ct-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-222456-d1.html

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-21-2014-TT-BGDDT-quan-ly-su-dung-xuat-ban-pham-tham-khao-mam-non-pho-thong-238470.aspx

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-112-2020-ND-CP-xu-ly-ky-luat-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-453227.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly