Bầu Đức: “Bóng đá phải có nền tảng văn hóa"

21/11/2011 12:05
Theo TTO
Chủ tịch CLB HAGL, Đoàn Nguyên Đức đã có những bình luận về việc nhiều cầu thủ nội đang được đẩy giá lên quá cao, thậm chí đến cả chục tỷ đồng.
Bầu Đức cho biết: Có người nhận xét Hoàng Anh Gia Lai khá im lìm đối với thị trường chuyển nhượng. Thực tế chúng tôi không im lìm chút nào cả. Hoàng Anh Gia Lai đã và đang chạy đua ráo riết chuẩn bị cho mùa bóng mới. Có điều cách làm thì khác trước, không công bố rộng rãi mà chỉ có thể nói cánh cửa CLB luôn rộng mở với tất cả cầu thủ có tài, có tâm và có tầm. Chúng tôi làm việc âm thầm vì không muốn chen chân vào thị trường chuyển nhượng đang quá phức tạp.

* Ông có thể nói rõ hơn về sự phức tạp ấy?
"Chằng có cầu thủ nào có giá hơn 5 tỷ đồng". Ảnh: Vũ Ngọc
"Chằng có cầu thủ nào có giá hơn 5 tỷ đồng". Ảnh: Vũ Ngọc

- Nói thật dễ mích lòng, nhưng vẫn phải nói huỵch toẹt rằng với bóng đá chuyên nghiệp hiện tại ở VN, không cầu thủ nào có giá chuyển nhượng cao hơn 5 tỉ đồng cho một bản hợp đồng kéo dài ba năm. Tôi không chấp nhận cái giá cao hơn 5 tỉ, do vậy đứng ngoài cuộc chơi. Cuộc chơi ấy đang bị một số người thao túng theo chiều hướng có lợi cho riêng họ chứ không phải vì sự phát triển của bóng đá VN.

Một số ông bầu mới nhảy vào cuộc ham muốn thành tích, thiếu tiềm lực, cần sự nổi danh nên nhắm mắt chiêu mộ cầu thủ với giá chuyển nhượng, lương tháng cao ngút trời. Tôi quá hiểu điều đó nên tránh sang một bên để chờ xem sự hào hứng của họ kéo dài bao lâu. Bầu Thắng của Đồng Tâm Long An và bầu Tuấn của Hòa Phát cùng tôi có thừa tiềm lực kinh tế để làm điều ấy, nhưng chúng tôi không làm vì không muốn nằm trong mớ bòng bong đó.

Rất nhiều cầu thủ hiện đang ngộ nhận về giá trí đích thực của mình nên đưa ra những yêu sách, đòi hỏi quá đáng, trong khi giá trị sử dụng của họ không tương xứng với những khoản đòi hỏi về quyền lợi, vật chất. Tệ hại nhất là luôn có màn “đứng núi này trông núi nọ”, gây khó cho CLB.

* HLV Kiatisak trở lại và thất bại ở V-League 2010. Hoàng Anh Gia Lai không tham gia thị trường chuyển nhượng với giá ảo. Có phải đó là nguyên nhân khiến đội bóng ông chỉ kịp trụ hạng vào giờ chót?

- Thành công hay thất bại của một đội bóng có rất nhiều lý do. Tôi thừa nhận Hoàng Anh Gia Lai không thành công ở V-League vừa qua, nhưng không thể vì thế mà nói rằng HLV Kiatisak kém. Tại sao không đặt ngược vấn đề là HLV trong nước ngày một xuất sắc hơn. Nhìn lại 10 năm chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp sẽ thấy rõ điều đó khi HLV Thái Lan (ông Arjhan), HLV Bồ Đào Nha (ông Calisto) chỉ mang về cho Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An bốn chức vô địch V-League, sáu ngôi vô địch còn lại thuộc về các HLV bản xứ. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng và cho thấy HLV người Việt nào có kém HLV ngoại, điển hình là các HLV trẻ tài hoa như Lê Huỳnh Đức của SHB Đà Nẵng rồi mới đây là Phan Thanh Hùng của Hà Nội T&T.

* Thói quen ồn ào với bóng đá của ông đang mất dần khiến giới hâm mộ và dân trong giới bóng đá kháo nhau rằng bầu Đức đã chán ngấy bóng đá?

- Nếu chán bóng đá thì sao tôi bỏ ra đến 50 tỉ đồng để xây mới sân vận động Pleiku. Nếu không còn đam mê tôi đâu có dại bỏ ra hằng năm hơn 1 triệu USD để chi cho Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG. Tôi chấp nhận chi cả trăm tỉ đồng một năm chỉ vì mục đích trồng người và phát triển bóng đá chuyên nghiệp một cách thật sự. Đó là thành quả mà lớp lãnh đạo đi sau sẽ thừa hưởng.

Tôi làm bóng đá vì đam mê cháy bỏng của riêng mình. Chỉ vì không chấp nhận sự đòi hỏi phi lý, yêu sách của một bộ phận cầu thủ nên tôi buộc phải “trồng người” từ ba năm qua. Có thể lứa cầu thủ đầu tiên ra lò của học viện không xuất chúng, nhưng họ đá bóng được và quan trọng là được học văn hóa bài bản để trở thành những thanh niên có ích cho xã hội mai sau.

* Có vẻ như ông đặt trọn niềm tin vào lứa cầu thủ của học viện?

- Tin chứ. Giờ đây họ là nguồn vui của tôi vào mỗi chiều khi có dịp ghé sang xem các em tập luyện. Tôi dám đoan chắc đó là thế hệ cầu thủ trẻ, có tư cách tác phong, có chuyên môn và không đi vào vết xe đổ của lứa đàn anh. Bóng đá phải có nền tảng văn hóa mới mong phát triển được. Bốn năm nữa, lứa cầu thủ đầu tiên sẽ ra lò, nhưng theo tôi, phải tới sáu năm nữa hay nhiều hơn một chút, tài năng các em mới chín muồi. Tôi ước ao sao họ sẽ làm vẻ vang hình ảnh bóng đá VN trên sân cỏ quốc tế.

* Mười năm đến với bóng đá đỉnh cao, theo ông, bóng đá chuyên nghiệp VN hiện nay ra sao?

- Cạnh tranh khốc liệt, chức vô địch không đơn giản chút nào, yếu tố hấp dẫn còn đó. Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái. Đó là những chuyện hết sức nhạy cảm, thậm chí là chán chường thật sự mà cụ thể nhất là giá trị chuyển nhượng leo thang đến chóng mặt. Tôi tâm niệm đến với cuộc chơi này ai là người “ăn xổi ở thì”, hám thành tích, háo danh, không có tiềm lực sẽ nhanh chóng bị hạ nốc ao. Sự hỗn độn trên thị trường chuyển nhượng sẽ được lập lại trật tự nếu các ông bầu tỉnh táo, ngồi lại cùng nhau chung tay lèo lái bóng đá chuyên nghiệp đi lên theo chiều hướng tích cực. Tiền làm ra khó lắm, do vậy không thể để mồ hôi và nước mắt chảy đi một cách dễ dàng.
Theo TTO