Không công bố dịch tay-chân-miệng vì sợ mang tiếng yếu kém

21/11/2011 13:43
Võ Tuấn/Lao động
Ngày 20.11, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng (TCM).
Tại hội nghị, nhiều tỉnh vẫn cho rằng dịch bệnh là do khách quan, nhưng thực tế, không công bố dịch bởi sợ cho là yếu kém. 

Theo Cục Y tế dự phòng, không chỉ ở VN, bệnh TCM đang diễn biến phức tạp tại một số nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Ở VN, từ đầu năm 2011 đến nay, số ca mắc TCM đã lên đến 90.189 trường hợp tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó có 153 trường hợp tử vong tại 28 địa phương.

Không công bố dịch tay-chân-miệng vì sợ mang tiếng yếu kém  ảnh 1


Tới thời điểm này, Ninh Thuận là địa phương duy nhất của VN tiến hành công bố dịch TCM và đã huy động được tổng lực trong việc phòng, chống dịch này. Ngược với tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi là địa phương có tỉ lệ mắc/100.000 dân cao nhất VN là 524,8 và trước đó, lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang đã cho rằng, với tỉ lệ người mắc trên thì tỉnh này có thể công bố dịch.

Cụ thể, số ca mắc đến thời điểm này lên đến 6.657 trường hợp với 5 ca tử vong. Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia về bảng báo cáo của Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi về phòng, chống dịch bệnh TCM tại tỉnh này khi tham luận tại hội nghị đó là một bảng... báo cáo đẹp với 3/4 nội dung toàn thành tích truyền thông phòng, chống dịch và khó khăn khiến dịch bệnh tăng là do... khách quan.

Chính vì việc chưa có địa phương tiếp theo “dũng cảm” công bố dịch TCM đặc biệt ở điểm nóng của dịch tại các tỉnh phía nam nên theo BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc BV Nhi Đồng 1, TPHCM, gần 61% số bệnh nhân nhập viện điều trị TCM đều được chuyển viện từ các tỉnh như: Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Bình Dương...

Được biết, nếu địa phương công bố dịch, các địa phương sẽ được hưởng cơ chế tài chính mua sắm vật tư, hóa chất, đầu tư trang thiết bị phòng, chống dịch như máy thở, máy lọc máu và huy động tổng lực các cơ quan vào cuộc nhưng ngặt nỗi địa phương nào cũng sợ mang tiếng... yếu kém. Thậm chí, nhiều địa phương không dám công bố dịch, tuy nhiên, trên thực tế, những địa phương này đã tạo cơ chế mở về tài chính và huy động các đoàn thể chính trị tập trung phòng, chống không khác gì lúc có dịch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố cần quyết liệt, sâu sát, nắm chắc thực tế tình hình bệnh TCM tại địa phương, đồng thời căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch đúng thời điểm theo thẩm quyền.

Đại diện Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh vẫn có nguy cơ mắc phải và gây tử vong cao vì những nguyên nhân như: Bệnh do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Không có vaccine phòng bệnh, không có thuốc đặc trị đặc hiệu. Tỉ lệ người lớn mang trùng cao là nguồn lây nhiễm cho trẻ em.

Ý thức của người chăm sóc trẻ còn yếu kém, không áp dụng biện pháp rửa tay trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Một số địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ về bệnh TCM và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng chưa sâu rộng, chủ yếu chỉ nói đến tình hình dịch, bệnh mà không tuyên truyền về cách phòng bệnh thế nào.

Võ Tuấn/Lao động