Học sinh từ 'hỏng' thành 'đạt' sau phúc khảo thi nghề, ai phải chịu trách nhiệm?

11/07/2022 06:37
Hương Ly
GDVN- Kết quả phúc khảo Kì thi Nghề phổ thông cấp trung học phổ thông -Thành phố Hồ Chí Minh, có 8 học sinh được thay đổi kết quả từ "hỏng" thành "đạt".

Ngày 4/7/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố kết quả phúc khảo Kỳ thi Nghề phổ thông cấp trung học phổ thông khóa ngày 26/02 và 20/3/2022.[1]

Thống kê cho thấy, tổng số thí sinh trong danh sách: 429; số thí sinh dự thi: 429; số thí sinh hỏng: 421; số thí sinh đạt: 8; trong số này có 1 thí sinh được xếp loại Khá.

Vì sao nhiều thí sinh từ "hỏng" thành "đạt" sau phúc khảo?

Có 8 học sinh được thay đổi kết quả từ "hỏng" thành "đạt" khiến nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh thắc mắc, bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy, sao lại có chuyện sai sót như thế.

Học sinh từ 'hỏng' thành 'đạt' sau phúc khảo, ai phải chịu trách nhiệm? (Ảnh: Hương Ly)

Học sinh từ 'hỏng' thành 'đạt' sau phúc khảo, ai phải chịu trách nhiệm? (Ảnh: Hương Ly)

Theo tìm hiểu của người viết, quy trình chấm thi trắc nghiệm rất nghiêm ngặt, có tính bảo mật cao, nhưng vẫn có một số yếu tố có thể dẫn đến sai sót trong kết quả chấm thi.

Sau khi nhận túi bài thi còn nguyên niêm phong, các cán bộ chấm thi bắt đầu scan, quét hình ảnh bài thi. Kết quả bài thi có chính xác hay không là tùy thuộc vào độ chính xác của file ảnh. Việc này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật của cán bộ thực hiện cũng như chất lượng máy móc.

Kết quả bài thi trắc nghiệm sai lệch có thể do phiếu trả lời trắc nghiệm in không đạt chuẩn. Cũng có trường hợp thí sinh tô sai mã đề, nếu cán bộ chấm không phát hiện để sửa chữa thì sẽ sai sót.

Đối với Kì thi Nghề phổ thông cấp trung học phổ thông, học sinh có giấy chứng nhận nghề được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong giấy chứng nhận nghề.

Theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành, học sinh được cộng 2,0 điểm nếu có giấy chứng nhận nghề đạt loại giỏi; được cộng 1,5 điểm nếu có giấy chứng nhận nghề đạt loại khá; được cộng 1,0 điểm nếu có giấy chứng nhận nghề đạt loại trung bình.

Nhiều học sinh được xét tốt nghiệp trung học phổ thông đạt nhờ có chứng chỉ nghề. Vậy nên, học sinh bị rớt oan trong kì thi nghề là rất thiệt thòi cho các em. Hơn nữa, về mặt tâm lí, học sinh cũng dễ mặc cảm với bản thân, bạn bè vì học nghề cả năm nhưng thi không đỗ.

Cần công khai điểm phúc khảo tất cả các kì thi

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công khai điểm phúc khảo Kì thi Nghề phổ thông cấp trung học phổ thông là rất đáng hoan nghênh.

Tuy vậy, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh mong muốn ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh công khai điểm phúc khảo của tất cả các kì thi như: Kì thi tuyển sinh 10, Kì thi Nghề phổ thông cấp trung học phổ thông, Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm.

Hoặc các kì thi khác có liên quan như: thi văn hay chữ tốt (trung học cơ sở), Kì thi Olympic Thành phố, Kì thi học sinh giỏi cấp Thành phố, thậm chí cả Cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp Thành phố.

Nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông chia sẻ với người viết rằng, hàng năm thầy cô có hướng dẫn học sinh tham dự Cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp Thành phố, các em tự làm các dự án rất nghiêm túc, có hiệu quả nhưng không hiểu sao vẫn bị trượt.

Nếu cuộc thi này được phép phúc khảo và công khai điểm thi rõ ràng thì thầy trò sẽ tâm phục khẩu phục hơn.

Việc công khai điểm thi phúc khảo giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh thấy rằng, phúc khảo vẫn có cơ hội thay đổi điểm nếu cán bộ chấm nhầm hoặc sai sót trong việc vào điểm.

Hơn nữa, công khai điểm phúc khảo cũng là cách làm minh bạch giúp ngành giáo dục tăng thêm uy tín. Bởi, lâu nay dư luận xã hội luôn nảy sinh tâm lý hoài nghi: có hay không chuyện tiêu cực trong công đoạn chấm phúc khảo trong các kì thi.

Cán bộ chấm thi vi phạm bị xử lí thế nào?

Điều 53 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định xử lý các cá nhân tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan vi phạm quy chế thi như sau (trích):

Cảnh cáo đối với những người vi phạm một trong các lỗi sau đây: chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; ra đề thi nằm ngoài nội dung quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này; truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ GDĐT;

Tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau đây: gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh;

Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://hcm.edu.vn/thong-bao/ket-qua-phuc-khao-ky-thi-nghe-pho-thong-cap-thpt-khoa-ngay-2602-va-2032022/ct/41000/68754

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly