Thi vào lớp 10 chỉ 1 điểm/môn đã đỗ, thực chất giáo viên dạy, HS học thế nào?

15/07/2022 06:35
Thuận Phương
GDVN- Muốn nâng cao chất lượng học tập một cách thực chất nhất, không còn cách nào khác ngoài việc mạnh dạn bỏ áp chỉ tiêu lên lớp cao ngất ngưởng vào đầu mỗi năm học.

Sau khi các trường học công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, ở nhiều địa phương, ngoài những trường học lấy điểm rất cao thì vẫn còn không ít trường lấy điểm chuẩn vô cùng thấp.

Có trường lấy điểm chuẩn 3 môn chỉ 9,25 điểm (sau khi nhân đôi hệ số 2 môn Toán và Ngữ văn thành 5 môn), thậm chí có trường lấy điểm chuẩn chỉ ở mức 7 hoặc 8 điểm sau khi đã nhân hệ số. Vậy là, mỗi môn chỉ hơn 1 điểm đã đỗ vào trường.

Không riêng một số trường học ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa mà ngay tại thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, có trường công lập học sinh chỉ cần đạt 3.5 điểm/môn (10,5 điểm cho 3 môn thi) là đã đỗ.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Thầy Hồ Đồng, giáo viên dạy toán tại tỉnh Kiên Giang khẳng định, trường nào lấy 5 môn 9 điểm (nhân hệ số 2 Toán, Văn) như vậy bình quân mỗi môn chỉ 1.8 điểm. Điều này có nghĩa kiến thức của những học sinh này còn chưa nắm được các kiến thức cơ bản, tối thiểu.

Nhiều người thắc mắc, lực học quá yếu như thế thì vào lớp 10 những học sinh này sẽ học ra sao?

Người viết cũng không ít lần đã đặt câu hỏi với một số đồng nghiệp đang giảng dạy tại một số trường trung học phổ thông ở nhiều địa phương: “Học sinh thi đạt điểm chuẩn thấp như thế, thầy cô sẽ phải dạy thế nào? Các em sẽ tiếp thu bài ra sao? Liệu có theo kịp kiến thức hay không?”.

Nhiều thầy cô đã chia sẻ thẳng thắn ở góc nhìn của người trong cuộc.

Những học sinh mỗi môn thi chỉ đạt hơn 1 điểm sẽ học ra sao khi kiến thức chỉ ở vạch xuất phát?

Đã từng coi thi vào lớp 10, bản thân người viết khẳng định đây là một kỳ thi rất nghiêm túc. Ngoài sự coi thi nghiêm ngặt từ các giám thị thì các thí sinh luôn thực hiện đúng nội quy của kỳ thi.

Do có sự cạnh tranh suất học vào trường công, trường chất lượng nên giữa các thí sinh không bao giờ có chuyện trao đổi hay hỗ trợ bài cho nhau.

Vì thế, điểm thi vào 10 luôn được đánh giá là điểm thật, phản ánh đúng năng lực của học sinh.

Khi đã trúng tuyển, vào đầu năm học, nhà trường tiếp tục có kỳ kiểm tra chất lượng đầu năm. Lúc này, chất lượng thật một lần nữa được bộc lộ.

Nhưng dù chất lượng có thấp như thế nào thì các chỉ tiêu đưa ra sau đó vẫn luôn nằm ở mức cao. Giáo viên sẽ được ký cam kết về các chỉ tiêu hoàn thành môn học, chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, về hạnh kiểm…

Ví dụ như những môn Toán, Văn, Ngoại ngữ phải có 95% học sinh đạt điểm từ trung bình trở lên. Những môn như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…chỉ tiêu đạt điểm trung bình trở lên từ 97 đến 99%.

Chỉ tiêu như hòn đá tảng đè nặng mỗi thầy cô giáo

Học sinh có lực học kém, thầy cô giáo nào cũng nỗ lực để giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều lúc lực bất tòng tâm. Có em không chịu học dù thầy cô giáo tạo điều kiện rất nhiều để kèm cặp, để giúp đỡ.

Thầy Thanh, giáo viên một trường chia sẻ, có em giáo viên cho sẵn bài học và nói về học thuộc để kiểm tra vào tiết học sau nhưng em đã thẳng thừng nói, "thầy cho em luôn con điểm 0 để đỡ mất công, chứ em không học bài đâu".

Việc hoàn thành chỉ tiêu về chất lượng được giao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích cá nhân cuối năm của mỗi thầy cô giáo. Không thể để những cố gắng của mình suốt một năm học bị vô ích nên thầy cô nào cũng buộc phải thực hiện đúng các chỉ tiêu trên giao.

Vì thế, sau những nỗ lực không mệt mỏi, vạn bất đắc dĩ lại phải dùng đến giải pháp mà nhiều thầy cô nói vui là “thủ thuật” để giúp học sinh cải thiện điểm số.

Những giải pháp và một số “thủ thuật” của nhiều thầy cô giúp đạt chỉ tiêu chất lượng

Thứ nhất, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên sẽ công bố chất lượng thật của học sinh sau kỳ thi và sau bài khảo sát chất lượng đầu năm.

Dù không kêu gọi, không ép buộc nhưng đa số phụ huynh sẽ rất nôn nóng cậy nhờ nhà trường rồi thầy cô mở lớp dạy thêm, dạy phụ đạo.

Có những phụ huynh sẵn sàng đăng ký cho con học thêm ở trường, ở nhà giáo viên và cả ở trung tâm dạy thêm.

Thứ hai, những kiến thức dạy thêm phần lớn sẽ có liên quan đến những bài kiểm tra ở lớp. Giáo viên dành phần nhiều cho việc giải đề, làm các dạng bài tập, các câu hỏi trong đề mà chúng tôi thường đùa là mớm đề, nhá đề.

Được thầy cô giảng kỹ, được làm đi làm lại và được sửa sai nên khi vào kiểm tra ở trường em nào đã đi học thêm đều làm được và làm rất tốt.

Thứ ba, mỗi khi tới kỳ kiểm tra giữa kỳ, học kỳ và cuối năm, đề cương ôn tập thường được rút ngắn hết mức có thể. Có những môn cho đề cương 5 câu thì trúng đề kiểm tra đến 4 câu. Đề Toán và Ngoại ngữ chỉ là thay bằng số liệu khác còn dạng bài, mẫu câu thì theo motip đã làm nhiều lần.

Vì thế, bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết hay học kỳ nhiều điểm cao xuất hiện và rất ít khi học sinh bị điểm yếu. Thế nên mới có những học sinh đạt điểm tổng kết 9.9, thậm chí là 10.0.

Để đạt được những chỉ tiêu cao ngất ngưởng thế này, thầy cô giáo giảng dạy cũng rất nhiệt tâm nhưng theo nhiều thầy cô thì một số học sinh không chịu học. Trong thực tế, dạy những học sinh này giáo viên vô cùng gian nan.

Muốn nâng cao chất lượng học tập một cách thực chất nhất, không còn cách nào khác ngoài việc bỏ cách áp chỉ tiêu lên lớp cao ngất ngưởng vào đầu mỗi năm học. Khảo sát chất lượng đầu vào một cách thực chất. Lấy mốc phần trăm đạt được để làm chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm.

Những học sinh có học lực yếu, sẵn sàng cho ở lại lớp. Có như thế học sinh sẽ chăm chú học tập hơn dẫn đến kỳ thi vào lớp 10 sẽ không còn cảnh 5 môn thi nhưng điểm chuẩn chưa tới 10 như một số trường hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương