Thi tốt nghiệp THPT hay không đã quy định rõ tại Luật GD, sao vẫn còn tranh cãi?

04/08/2022 06:40
Sơn Quang Huyến
GDVN- Vấn đề bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không cần tranh luận, nó đã được luật hóa trong Luật Giáo dục 2019.

Cứ sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông “thành công tốt đẹp” với tỷ lệ tốt nghiệp trên 99%, lại xuất hiện ý kiến đề nghị bỏ kì thi này.

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2022-2023, báo tuoitre.vn đã đăng tải bài viết “Giáo viên đề xuất một kỳ thi 'tuyển sinh đại học toàn quốc'” của nhà giáo Nguyễn Quang Thi.

Theo đó, tác giả Nguyễn Quang Thi đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thay vào đó xét công nhận tốt nghiệp như bậc trung học cơ sở. Những học sinh nguyện vọng học lên đại học tham gia một kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào cuối tháng 7 hằng năm, là 'tuyển sinh đại học toàn quốc'”.[1]

Đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoàn toàn không mới với dư luận trong thời gian qua. Nếu bạn gõ vào Google cụm từ “Đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông” sẽ có ngay 27.500.000 kết quả trong vòng 0.5 giây.

Kết quả tìm kiếm trên Google. Ảnh: Sơn Quang Huyến

Kết quả tìm kiếm trên Google. Ảnh: Sơn Quang Huyến

Còn số 27.500.000 kết quả trong vòng 0.5 giây đủ để nói lên một điều: dư luận xã hội đã và đang rất quan tâm đến kỳ thi này.

Vào tháng 1/2022, trả lời ý kiến của cử tri Hải Phòng, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiên cứu phương án không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, thay vào đó là thực hiện xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện ở trường phổ thông; qua đó định hướng thực hiện phân luồng học sinh ngay từ đầu cấp học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc học sinh phải tham gia kỳ thi cuối cùng khi kết thúc 12 năm học tập ở bậc phổ thông được tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và sử dụng kết quả vào nhiều mục tiêu khác nhau là cần thiết.[2]

Chương trình mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông như thế nào?

Vấn đề không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được đặt ra nhiều lần, từ nhiều năm trước, ngay cả khi xây dựng Luật Giáo dục năm 2019.

Trước câu hỏi “Bộ Giáo dục và Đào tạo có khẳng định học sinh trung học phổ thông sẽ không phải thi tốt nghiệp?”

Tại buổi họp báo giới thiệu dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 12/4/2017, tại Hà Nội, Tổng chủ biên Chương trình 2018, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã trả lời báo chí:

"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Ban soạn thảo cùng với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp trung học phổ thông khi chương trình mới này được triển khai đến cấp trung học phổ thông.

Do đó, từ nay đến 2020 vẫn ổn định thi trung học phổ thông quốc gia. Sau đó, khi chương trình mới triển khai đến hết cấp trung học phổ thông, học sinh nào tích lũy đủ kiến thức thì được xét tốt nghiệp, không nhất thiết phải thi”.

Thông tin "học sinh nào tích lũy đủ kiến thức thì được xét tốt nghiệp, không nhất thiết phải thi” khi học chương trình mới 2018 do Tổng chủ biên Chương trình 2018, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời báo chí đã từng gây xôn xao dư luận.

Thực tế, Khoản 3 Điều 34, Luật Giáo dục 2019 ghi rõ:

3. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Như vậy, thi tốt nghiệp trung học phổ thông là nhu cầu của người học, kể cả chương trình cũ hay chương trình mới.

Luật Giáo dục 2019 không bắt buộc người học phải thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mà mở ra cơ hội cho người học, nếu muốn có và được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải thi đạt kết quả theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nếu thi không đạt kết quả theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, hay không cần cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Vấn đề bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không cần tranh luận, nó đã được luật hóa trong Luật Giáo dục 2019.

Vấn đề mới nảy sinh, không phải bỏ hay giữ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà thi tốt nghiệp trung học phổ thông chương trình mới sẽ được tổ chức như thế nào?

Chương trình mới sẽ áp dụng vào trung học phổ thông trong năm học 2022-2023, thế nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có phương án thi tốt nghiệp chương trình mới.

Các địa phương kiến nghị Bộ sớm công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với học sinh theo học Chương trình 2018 để các cơ sở thuận lợi trong việc xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Nội dung chương trình trung học phổ thông với các môn bắt buộc và tự chọn, các cơ sở giáo dục vẫn “Mong Bộ Giáo dục sớm có hướng dẫn thực hiện các môn học lựa chọn bậc THPT”.

Người viết vừa là phụ huynh học sinh, vừa là giáo viên, mong Bộ Giáo dục sớm có hướng dẫn thực hiện các môn học lựa chọn và công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với học sinh theo học Chương trình 2018, giúp phụ huynh, học sinh an tâm hơn khi bước vào năm học mới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/giao-vien-de-xuat-mot-ky-thi-tuyen-sinh-dai-hoc-toan-quoc-20220730094351219.htm

[2] https://giaoduc.net.vn/cu-tri-de-xuat-bo-ky-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-bo-giao-duc-noi-gi-post224043.gd

[3] https://tienphong.vn/khong-thi-tot-nghiep-thpt-sau-2020-post

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả

Sơn Quang Huyến