Lai Châu kiến nghị không thực hiện tinh giản 10% biên chế giáo viên

10/08/2022 06:56
Ngân Chi
GDVN-Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu tính đến phương án phối hợp với các trường đại học sư phạm để đảm bảo nguồn tuyển.

LTS: Bài toán thiếu giáo viên đang gây khó tại nhiều tỉnh/thành đặc biệt khi thời điểm bắt đầu năm học mới đang cận kề, tỉnh Lai Châu không phải là địa phương ngoại lệ.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lưu Hồng Phương (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu) để lắng nghe giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên của địa phương này.

Phóng viên: Trước thềm năm học mới, nhiều địa phương đang đứng trước bài toán thiếu giáo viên và một số Sở cũng “than khó” về việc nâng chuẩn giáo viên giảng dạy bậc trung học phổ thông. Xin ông cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu có gặp khó khăn tương tự?

Ông Lưu Hồng Phương: Chuẩn bị bước vào năm học mới, cùng với việc chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, việc đảm bảo đội ngũ cán bộ giáo viên đủ số lượng, chất lượng cũng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục.

Song, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tỉnh Lai Châu cũng gặp khó khăn tương tự trước bài toán thiếu giáo viên.

Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu).

Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu).

Đặc biệt, khi đây là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc trung học phổ thông, nên đội ngũ giáo viên ở bậc học này đang thiếu so với định mức. Cụ thể, năm học 2022-2023, số biên chế giáo viên được giao 688, giáo viên theo định mức là 716; số giáo viên được giao hiện có mặt là 662; số giáo viên cấp trung học phổ thông còn thiếu so với biên chế giao 26 giáo viên; thiếu so với định mức 63 giáo viên.

Về vấn đề chuẩn giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy bậc trung học phổ thông tỉnh Lai Châu đều có ý thức tự học tự bồi dưỡng và chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm. Tính đến ngày 01/8/2022, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên bậc trung học phổ thông đạt chuẩn trình độ được đào tạo trở lên theo Luật Giáo dục năm 2019 là 688 người đạt tỉ lệ 100%, trong đó trên chuẩn đạt 10,3%.

Rào cản lớn nhất đối với việc bố trí giáo viên trên toàn tỉnh còn gặp khó khăn, là do chưa có sự đồng bộ về cơ cấu các bộ môn học còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số bộ môn.

Trước tình trạng thiếu giáo viên trong năm học mới, Sở có phương án sắp xếp, bố trí như thế nào để đảm bảo giáo viên đáp ứng nhu cầu người học?

Ông Lưu Hồng Phương: Năm học 2022-2023, để đảm bảo đủ số lượng người làm việc được giao cho các đơn vị trực thuộc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện một số phương án sắp xếp, bố trí đảm bảo giáo viên đáp ứng nhu cầu người học. Cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên giữa các cơ sở giáo dục, thời gian hoàn thành trong tháng 8/2022.

Một giờ học tại trường tiểu học ở Lai Châu. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu).

Một giờ học tại trường tiểu học ở Lai Châu. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu).

Hai là, thực hiện tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp với tổng số 26 vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp giáo viên; ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn chuyên ngành, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 như Tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Trong quá trình tuyển dụng có các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn tuyển như thông báo, tuyên truyền trên hệ thống thông tin truyền thông, phối hợp với các trường đại học sư phạm để đảm bảo nguồn tuyển.

Ba là, căn cứ vào nhu cầu thực tế của của các đơn vị sau khi đã thực hiện việc điều động, biệt phái giáo viên giữa các cơ sở giáo dục. Đối với những vị trí chưa được tuyển dụng, thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ, về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế để đảm bảo số lượng giáo viên cho các cơ sở giáo dục.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học các môn Tin học, Ngoại ngữ, Lai Châu đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào trước thềm năm học mới, thưa ông?

Ông Lưu Hồng Phương: Năm học 2022-2023 theo kế hoạch toàn ngành có 340 trường với 150.863 học sinh trong đó (tiểu học 86 trường; tiểu học và trung học cơ sở 26 trường, với tổng số 58.743 học sinh). Như vậy, có 112 trường có lớp tiểu học, 11.828 học sinh học môn tiếng Anh và Tin học bắt buộc với 455 lớp.

Để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới nói chung và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học các môn Tin học, Ngoại ngữ nói riêng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị rà soát thực trạng chuẩn bị tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học 2022-2023. Căn cứ hiện trạng cơ sở vật chất, phòng, lớp học, thiết bị, Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án bố trí, tổ chức dạy học cụ thể cho từng đơn vị trường học; đồng thời tiếp tục đưa học sinh về trung tâm học một cách hợp lý.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp để bảo đảm đủ sách giáo khoa, tài liệu khi bước vào năm học mới; với quan điểm không được để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa.

Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố bố trí đủ giáo viên để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh và môn Tin học từ năm học 2022-2023. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo nội dung, chương trình, kế hoạch bảo đảm 100% giáo viên được bồi dưỡng về chương trình môn học, tập huấn sử dụng sách giáo khoa trước khi được phân công giảng dạy.

Tính đến thời điểm hiện tại, cấp tiểu học có 42 phòng học Tin học; 29 phòng học Ngoại ngữ.

Dự kiến năm học 2022-2023 toàn tỉnh có 112 trường có lớp tiểu học, 11.828 học sinh học môn tiếng Anh và Tin học bắt buộc với 455 lớp.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn tiếng Anh và Tin học. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu).

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn tiếng Anh và Tin học. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu).

Đối với trang thiết bị dạy học các huyện đang thực hiện đầu tư mua sắm đảm bảo đầy đủ trang thiết bị sẵn sàng cho năm học mới.

Để đáp ứng dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 toàn ngành còn thiếu có 83 phòng học Tin học; 92 phòng học Ngoại ngữ.

Với những khó khăn đang tồn tại, Sở có kiến nghị, đề xuất gì để triển khai năm học mới hiệu quả hơn?

Ông Lưu Hồng Phương: Chúng tôi xin kiến nghị với Bộ Nội vụ tiếp tục giao bổ sung biên chế đảm bảo định mức số lượng người làm việc theo quy định; không thực hiện tinh giản 10% biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục tỉnh Lai Châu năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, mong Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phòng học bộ môn nói chung và phòng Tin học, Ngoại ngữ còn thiếu cho các đơn vị trường.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngân Chi