Bộ GTVT nhận trách nhiệm trong vụ Vinashin

22/11/2011 09:02
Thế Dũng/Người lao động
Bình quân mỗi năm có gần 12.000 người chết vì tai nạn giao thông. ác tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư ngoài ngành hơn 21.800 tỉ đồng.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII về tình hình, các giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông và vấn đề đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...

Trong báo cáo của Chính phủ, về trách nhiệm của mình đối với vụ Vinashin, Bộ GTVT thừa nhận chưa kiên quyết có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để yêu cầu HĐQT tập đoàn này xây dựng, trình Thủ tướng ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động, bổ nhiệm hoặc thuê tổng giám đốc điều hành; chưa phát hiện kịp thời những yếu kém và cố ý làm trái trong hoạt động của tập đoàn để chủ động đề nghị các cơ quan chức năng báo cáo Thủ tướng ngăn chặn, xử lý.

Về TNGT, báo cáo của Chính phủ cho biết trong 10 tháng đầu năm 2011, toàn quốc đã xảy ra 11.036 vụ, làm chết 9.265 người, bị thương 8.379 người. So với cùng kỳ năm 2010, giảm được 181 vụ (1,61%), giảm 118 người chết (1,26%), tăng 214 người bị thương (2,62%). Còn tính bình quân 5 năm trở lại đây, mỗi năm cả nước có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do TNGT gây ra.

Báo cáo nhấn mạnh thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Chính phủ đặt mục tiêu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do TNGT hằng năm. Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp sẽ là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông; xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh… 

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ tính đến cuối năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đầu tư 3.576 tỉ đồng vào chứng khoán, 5.379 tỉ đồng vào bất động sản, 2.236 tỉ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm, 495 tỉ đồng vào quỹ đầu tư. Đặc biệt, lĩnh vực ngân hàng lên tới 10.128 tỉ đồng.

Chính phủ đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cơ cấu để giảm dần tỉ lệ vốn góp vào các lĩnh vực nêu trên. Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận việc thoái vốn ở những lĩnh vực này chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra của Chính phủ mà nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế thế giới và trong nước suy giảm. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về đầu tư vốn Nhà nước làm chủ sở hữu vào cuối năm 2011.

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi đại biểu Quốc hội về giải pháp bảo đảm an toàn cho các dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên nêu rõ sự cố rò rỉ xút ở dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng xảy ra trong thời gian gần đây là điều đáng tiếc, mà nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người thi công. Hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thuê đơn vị tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín để tái thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ Tân Rai. 

Dự án Luật Giám định tư pháp khó khả thi

Sáng 21-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giám định tư pháp.

Các đại biểu cho rằng dự luật này khó khả thi vì nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ. Đáng chú ý là vấn đề xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp và cho phép hoạt động giám định ngoài công lập. Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) băn khoăn: “Nếu có kết quả khác nhau giữa tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và Nhà nước thì sẽ lấy kết quả nào?”.

Theo ông Hội, việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp sẽ tạo nên khoảng trống về luật pháp mà quá trình xét xử sẽ gặp khó khăn. “Đơn cử là việc có thể các tổ chức giám định tư nhân chạy theo lợi nhuận nên cho ra những kết quả giám định sai trong khi nó vẫn có địa vị pháp lý tương đương như các bản giám định khác” – ông Hội phân tích.

Thế Dũng/Người lao động