Nhóm sinh viên thử nghiệm thành công phần mềm chống gian lận thi cử

22/09/2022 06:53
Hoài Ân
GDVN- Để giúp ngăn chặn gian lận trong thi cử, một nhóm sinh viên đã thử nghiệm thành công phần mềm phát hiện các hành động trao đổi, quay cóp...

Nhóm sinh viên bao gồm ba bạn trẻ: Trần Vương Quốc Đạt, Lê Đức Anh Tuấn (sinh viên năm 3, ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và Phùng Phương Nhung (sinh viên năm 3, ngành Tài chính ngân hàng - Học viện Tài chính).

Phần mềm chống gian lận thi cử được Đạt, Tuấn và Nhung thử nghiệm thành công cũng là sản phẩm dự thi của nhóm trong cuộc thi về khoa học dữ liệu do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức gần đây.

Anh Tuấn (bên trái), Phương Nhung (ở giữa), Quốc Đạt (bên phải). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Anh Tuấn (bên trái), Phương Nhung (ở giữa), Quốc Đạt (bên phải). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về cơ duyên thành lập nhóm, Quốc Đạt cho biết: "Anh Tuấn (nhóm trưởng) và Phương Nhung quen biết nhau từ trước. Khi đọc được thông tin về cuộc thi và thấy nội dung liên quan trực tiếp đến ngành học của Tuấn, Nhung đã rủ Tuấn tham gia.

Em và Tuấn cũng từng làm chung một số dự án về công nghệ từ năm thứ hai đại học nên Tuấn có gợi ý em cùng đăng ký thi. Sau đó, cả ba lập nhóm và lấy tên là Hugging Team", Đạt nói.

Quốc Đạt cho biết, ban đầu, các thành viên trong nhóm đưa ra khá nhiều ý tưởng cho sản phẩm dự thi, nhưng xét về độ khả thi và tính thực tiễn của đề tài thì cuối cùng nhóm đã quyết định chọn phát triển phần mềm chống gian lận thi cử này.

"Phần mềm chống gian lận thi cử sẽ phân tích các hành vi trên cơ thể người, dựa trên việc nhận diện thay đổi cử chỉ của con người thông qua luồng video trực tiếp từ camera và tổng hợp dữ liệu để đưa vào mô hình phân loại.

Cụ thể, camera được lắp ở phòng thi sẽ ghi hình và truyền dữ liệu tới máy tính. Sau đó, phần mềm sẽ phân tích những đặc trưng trên cơ thể người. Ví dụ như tay, đầu, mắt... của các thí sinh trong phòng thi có chuyển động, có biểu hiện gian lận hay không.

Phần mềm chống gian lận thi cử sẽ phân tích các hành vi trên cơ thể người và phân loại xem thí sinh có biểu hiện gian lận hay không. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phần mềm chống gian lận thi cử sẽ phân tích các hành vi trên cơ thể người và phân loại xem thí sinh có biểu hiện gian lận hay không. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Để tăng độ chính xác, chúng em đã cùng nhau ngồi tìm hiểu, nghiên cứu về các kiểu gian lận trong phòng thi. Nhóm đã lập trình để máy "thuộc" những chuyển động từ video có trước, sau đó dự đoán, phát hiện những thí sinh có hành vi gian lận", Đạt chia sẻ.

Quốc Đạt cho biết, quá trình "thai nghén" ý tưởng và triển khai diễn ra khá nhanh, khoảng gần một tháng. Hiện, phần mềm của Hugging Team phát hiện được khoảng 5 hành động gian lận trong thi cử, nếu tiếp tục nghiên cứu, cho ra được sản phẩm hoàn chỉnh thì sẽ có rất nhiều hành động bất thường khác sẽ được phân tích và nhận diện.

"Để có những thành công bước đầu, các thành viên trong nhóm đã phối hợp khá ăn ý. Khi mới bắt tay vào thực hiện dự án, chúng em gặp khó vì không có dữ liệu liên quan đến gian lận thi cử thông qua hành động đã lập trình và phải tự tạo ra hoàn toàn mới bằng cách nhờ người đóng giả thí sinh để quay lại toàn cảnh một phòng thi giả lập. Nhung là người đảm nhận công việc này, bạn ấy đã làm rất tốt bằng sự khéo léo, tinh tế và nhiệt tình của mình.

Nhóm phải tạo phòng thi giả lập để thu thập dữ liệu liên quan đến gian lận thi cử. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhóm phải tạo phòng thi giả lập để thu thập dữ liệu liên quan đến gian lận thi cử. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Còn em và Tuấn đều được học các kiến thức cơ bản về trí tuệ nhân tạo nên khi nghiên cứu, phát triển phần mềm cũng khá thuận tiện. Cũng có lúc, hướng nghiên cứu của chúng em không giống nhau nhưng cả hai luôn tôn trọng những quan điểm riêng và từ đó tìm ra phương án hợp lý nhất.

Ngoài ra, việc chạy phần mềm cũng có sai sót nhất định, đôi khi phần mềm chạy không ổn định, phát hiện hành vi còn chưa chuẩn nên chúng em mất rất nhiều thời gian để tối ưu, tăng độ chính xác lên cao hơn, khả năng nhận diện nhiều hơn.

Quá trình nghiên cứu thực tế có một số khó khăn nhưng mục tiêu và định hướng của Hugging Team khá rõ ràng nên chúng em giải quyết những khúc mắc khá nhanh, cùng nhau nỗ lực, hoàn thành dự án", Đạt nói.

Trong thời gian gần đây, phần mềm chống gian lận thi cử của Hugging Team nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là những phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng khi nhóm giới thiệu thông tin về dự án. Với nhóm, đây là một hiệu ứng tốt để tiếp tục phát triển dự án.

"Gian lận trong thi cử đã tồn tại từ rất lâu. Vì vậy, nhóm rất mong dự án của mình sẽ được phát triển, tiến xa hơn nữa là có thể có thể áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để giảm bớt gánh nặng cho các thầy cô, giám thị coi thi, tạo sự minh bạch, công bằng trong thi cử.

Thông qua việc nghiên cứu phần mềm này, nhóm cũng mong các bạn học sinh, sinh viên sẽ chăm chỉ học tập hơn, chuẩn bị chu đáo trước mỗi kỳ thi bởi ý thức vẫn là yếu tố quan trọng nhất", Quốc Đạt cho hay.

Bật mí về kế hoạch trong thời gian sắp tới, Đạt cho biết, nhóm sẽ tiếp tục nâng cấp phần mềm để có thể phát hiện hành vi gian lận chính xác hơn, nhận diện được nhiều người, nhiều hành vi gian lận hơn. Sau khi hoàn thiện phần mềm chống gian lận thi cử, nhóm sẽ cùng nhau thực hiện một số dự án về công nghệ ở nhiều lĩnh vực quan trọng khác của đời sống.

Hoài Ân