GV giỏi Vật lý giờ dạy thêm Hóa-Sinh, lo lắng khi HS hỏi đành tính nghỉ hưu non

18/09/2022 06:30
Sơn Quang Huyến
GDVN- Đi dạy, nhưng giáo viên sợ học sinh hỏi bài, chắc chắn không thể dạy đạt chứ chưa nói giỏi hay khá.

Từ trước đến nay, khi nói đến người thầy, ai cũng nghĩ để làm thầy, để dạy được học trò, thầy phải biết 10 chỉ dạy 1.

Không ít người trưởng thành sau này thấy mình may mắn được học với một thầy cô nào đó, người thầy đã gieo hạnh phúc, gieo thành công cho mình.

Thực tế, những giáo viên lên lớp không cần sách giáo khoa, không cầm giáo án là lời khẳng định chất lượng của thầy trước học sinh và điều đó cũng thu hút người học.

Ngày tôi còn đi học, từ phổ thông cho đến đại học, những thầy cô giáo “tay không” dạy học đã làm tôi vô cùng ngưỡng mộ, sao mà thầy cô giỏi thế, kiến thức “uyên thâm” của thầy cô là động lực để chúng tôi cố gắng học tập.

Đặc biệt, có những thầy cô khi dạy học, khuyến khích học sinh hỏi bài. Tôi còn nhớ như in những tiết học Vật lý với thầy Đinh Nho Qùy, chẳng bao giờ thấy thầy đụng đến cuốn sách giáo khoa.

Trong tiết học, học trò có thể hỏi thầy Đinh Nho Qùy “trên trời dưới đất” kiến thức bộ môn, kể cả những điều mà lũ mới lớn chúng tôi chưa biết. Vì thế, mỗi tiết học là một kỉ niệm đẹp, khó quên trong đời học trò.

Nghịch lý: Đi dạy nhưng giáo viên sợ học sinh hỏi bài?

Người viết được cô giáo Minh (tên nhân vật đã được thay đổi), giáo viên dạy Vật lý trung học cơ sở đã hơn 30 năm, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chia sẻ “Năm nay nhà trường giao tôi dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 7.

Ngày xưa đi học, đọc ký hiệu hóa học đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, cha mẹ, anh chị bày được cho em, nay đổi mới, đọc cách khác.

Để khỏi dạy học sinh đọc ký hiệu hóa học cho đúng, tôi phải học, tập đọc cho đúng, rối cả đầu, cứ lo đọc sai tên các nguyên tố.

Chương trình cũ chỉ yêu cầu học sinh nhớ tên một số nguyên tố thường gặp, nay sách mới giới thiệu cả bảng tuần hoàn 118 nguyên tố, giáo viên khó lòng mà đọc đúng được.

Nhưng khổ nhất, sợ nhất là khi học sinh hỏi những vấn đề liên quan của bộ môn mà mình không có kiến thức chuyên sâu để trả lời.

Hôm trước có bạn hỏi “Cô ơi, sao không đọc ký hiệu hóa học như năm trước chị em học cho dễ...?”, nói thật, tôi bó tay.

Khi dạy Vật lý, tôi thường khuyến khích học sinh hỏi bài, nay dạy môn Khoa học tự nhiên, mỗi khi học sinh giơ tay là tôi giật thót.

Đó là kiến thức môn Hóa học, sang phần Sinh học chưa biết sẽ ra sao đây, nghĩ đến là tôi rùng mình, lo sợ, đọc nát sách mà không thấy tự tin.

Đi dạy mà giờ mình sợ học sinh hỏi bài, thật chán hết chỗ nói, bao nhiêu uy tín mình gầy dựng 30 năm dạy học, nay bỗng chốc đổ sông đổ biển.

Cứ thế này, làm sao tôi dạy tốt môn Khoa học tự nhiên được. Tôi đang phải tính chuyện nghỉ hưu trước tuổi”.

Từ giáo viên giỏi, giáo viên tâm huyết, sau khi dạy môn Khoa học tự nhiên, cô giáo Minh đã trở nên tự ti, lo lắng, khi kiến thức bộ môn của mình không đủ để làm thầy, phải tính chuyện nghỉ hưu vì sợ trách nhiệm với học trò.

Sách Khoa học tự nhiên lớp 7 đã được cô Minh đọc "nhàu nát" - Ảnh Sơn Quang Huyến

Sách Khoa học tự nhiên lớp 7 đã được cô Minh đọc "nhàu nát" - Ảnh Sơn Quang Huyến

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn gọi là “tích hợp” như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm … đang là “vấn đề” của các cơ sở giáo dục.

Đáng lo hơn cả vẫn là môn Khoa học tự nhiên, vì kiến thức bộ môn Khoa học tự nhiên ảnh hưởng nhiều đến hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh trong định hướng nghề nghiệp, chọn tổ hợp môn sau này ở trung học phổ thông.

Thực tế, chương trình môn Khoa học tự nhiên gần như là “gộp cơ học” của chương trình môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong chương trình cũ (2006).

Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6, lớp 7 không mang tính “tích hợp”, mà chỉ mang tính “ghép môn”.

Vì thế, khi dạy môn Khoa học tự nhiên, giáo viên như đang dạy kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học trong chương trình cũ (2006).

Để dạy tốt kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học, trong chương trình cũ (2006), giáo viên phải có bằng cử nhân theo Luật Giáo dục 2019.

Giáo viên không được đào tạo bài bản kiến thức đồng bộ 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học không thể dạy tốt môn Khoa học tự nhiên là điều chắc chắn.

Đi dạy nhưng giáo viên sợ học sinh hỏi bài, chắc chắn không thể dạy đạt chứ chưa nói giỏi hay khá, lỗi này không thuộc về giáo viên.

Kiến thức cơ bản 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học của học sinh ở trung học cơ sở bị hổng, liệu lên trung học phổ thông học sinh có đủ điều kiện để học tốt?

Chất lượng đào tạo sẽ ra sao? Lực lượng lao động khi học xong chương trình mới có đạt như kì vọng khi thay đổi chương trình giáo dục?

Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp với thời lượng đào tạo 3 tháng liệu giáo viên có đủ kiến thức để dạy được nhiều đơn môn như thế. Câu hỏi này rất cần những người có chức trách làm rõ và trả lời.

Theo người viết trước thực tế trên rất cần nghiên cứu việc thực hiện triển khai môn Khoa học tự nhiên ở lớp 8, lớp 9. Nếu vẫn thực hiện môn Khoa học tự nhiên ở lớp 8, lớp 9 các cơ sở giáo dục chưa có giáo viên tốt nghiệp sư phạm Khoa học tự nhiên, nên phân công giáo viên đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy theo mạch kiến thức.

Sơn Quang Huyến