Nhật ký Lớp học Hy vọng:

Người thầy đặc biệt ở lớp học Hy vọng

23/11/2011 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - "Đi gần hết đời người, trải qua nhiều trường đoạn của cuộc sống và đang chiến đấu với bệnh ung thư, tôi muốn các bé tin vào cuộc sống và ham sống..."

Có lẽ, điều làm nên sự đồng điệu giữa con người với con người là những mảnh ghép tâm hồn. Với những con người có chung một hoàn cảnh, chung một số phận, chung một sự bất hạnh, kém may mắn trước cuộc đời, những mảnh ghép tâm hồn sẽ tự tìm đến với nhau để làm nên sự hài hòa, sự đồng điệu.

Trong quá trình thực hiện Nhật ký lớp học Hy vọng, chúng tôi đã gặp biết bao số phận đáng thương xót, bao hoàn cảnh éo le… và cũng vô cùng xúc động trước những tấm lòng, trước những sự sẻ chia của cộng đồng xã hội với những em nhỏ “3 lần thiệt thòi”.

Lớp học Hy vọng đang hằng ngày, hằng giờ mang đến niềm tin, hy vọng cho các em. (Ảnh Thu Hòe)
Lớp học Hy vọng đang hằng ngày, hằng giờ mang đến niềm tin, hy vọng cho các em. (Ảnh Thu Hòe)

Lớp học Hy vọng không chỉ đặc biệt bởi có những học sinh hết sức đăc thù mà còn có những thầy, cô giáo đứng lớp cùng hết sức đặc biệt.

Họ không chỉ là những thầy, cô giáo tình nguyện trong khối các trường học trên địa bàn thành phố, các thầy, cô giáo đã nghỉ hưu hay những người mẫu, hoa hậu, ca sỹ, nhạc sỹ… mà còn là những con người đã từng trải qua những “trường đoạn” cuộc sống như chính các em và cũng đang phải hằng ngày, hằng giờ chống chọi với bệnh tật.

Họ đến với Lớp học Hy vọng để cùng sẻ chia, tìm sự đồng điệu trong tâm hồn… và quan trọng hơn, họ muốn mang đến cho các em niềm tin và hy vọng với cuộc sống.

“Nằm trong chăn mới biết chăn có rận”

Lớp học Hy vọng mỗi ngày lại có thêm những tình nguyện viên, những thầy, cô giáo tình nguyện xin đứng lớp. Trong rất nhiều những thầy, cô giáo đặc biệt ấy có “thầy giáo” Hoàng Văn Quảng, Trưởng phòng hành chính BV Nhi Trung ương.

"Thầy giáo" Hoàng Văn Quảng, Trưởng phòng hành chính BV Nhi Trung ương: "Chỉ cần có niềm tin và còn hy vọng vào cuộc sống, chúng ta sẽ tạo ra những phép màu" . (Ảnh Thu Hòe)
"Thầy giáo" Hoàng Văn Quảng, Trưởng phòng hành chính BV Nhi Trung ương: "Chỉ cần có niềm tin và còn hy vọng vào cuộc sống, chúng ta sẽ tạo ra những phép màu" . (Ảnh Thu Hòe)

“Về BV Nhi Trung ương với biên chế là một họa sỹ. Tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc tâm lý trẻ em. Có thể nói, việc chăm sóc tâm lý trẻ em, BV Nhi Trung ương đã tiến hành từ rất lâu và luôn là đơn vị đi đầu. Hàng trăm bức tranh tường đã được vẽ, các hoạt động vui chơi, ngoại khóa dành cho trẻ cũng được BV tổ chức thường xuyên và định kỳ… khiến cuộc sống của các bé không còn xa lạ, quẩn quanh, chán nản.

Làm công việc này lâu năm nhưng chưa khi nào tôi dám nghĩ ngay tại BV của mình lại có một lớp học bài bản, nghiêm túc cho các bé như Lớp học Hy vọng. Tôi sẽ tham gia lớp học với tư cách một giáo viên đứng lớp, dạy các bé học vẽ 2 buổi/tuần. Màu sắc và hình khối sẽ giúp các bé có thêm tinh thần, niềm vui sống, niềm tin để chống chọi với bệnh tật…”, thầy Quảng cho biết.

Nói về lý do sẽ tham gia giảng dạy trong Lớp học Hy vọng, thầy Quảng bộc bạch: “ Đó vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ và cũng vừa là “đạo lý làm người” nên làm. Mỗi ngày chứng kiến bao trường hợp bệnh nhân vào viện điều trị, cháu bé nào cũng có những hoàn cảnh đáng thương.

Có những bé vừa sinh ra đã mang những căn bệnh mãn tính trong người phải nằm viện điều trị, chưa một ngày được hòa nhập với thế giới bên ngoài, chưa một ngày được đi học như bao bạn bè đồng trang lứa. Những đứa trẻ ngây thơ, chưa kịp nhận thức cuộc sống xung quanh đã sớm phải co mình lại với cuộc sống và chịu đựng sự giày vò của bệnh tật.  

Nhiều năm rồi, chứng kiến những cảnh tượng này, “đúng là nằm trong chăn mới biết chăn có rận”,  tôi luôn muốn làm được một điều gì cho các bé nên khi biết có Lớp học Hy vọng, trong đầu tôi đã tự nảy sinh ý định này mà không do dự gì…”

12 năm chống chọi với ung thư vẫn tin cuộc sống có phép nhiệm màu

Có thâm niên công tác, đảm trách nhiệm vụ “chăm sóc tâm lý trẻ em” trong BV Nhi Trung ương nhiều năm, Trưởng phòng hành chinh Hoàng Văn Quảng là người hiểu hơn ai hết tâm lý của những đứa trẻ không may mắn phải nhập viện điều trị.

Đến với trẻ bằng tình yêu thương của một người bạn, một người bác, một người ông… và cũng bằng sự đồng cảm, thấu hiểu của một người “có chung cảnh ngộ”, bởi chính anh cũng đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác.

Gần chục năm nay, "thầy Quảng" phải đội tóc giả mỗi khi đi làm. (Ảnh Thu Hòe)
Gần chục năm nay, "thầy Quảng" phải đội tóc giả mỗi khi đi làm. (Ảnh Thu Hòe)

“Hơn 50 tuổi, tôi đã sang đến cái dốc bên kia của cuộc đời. Tôi cũng đã trả qua nhiều “trường đoạn” của cuộc đời, biết và hiểu rõ hơn ai hết cái tâm lý, sự đau đớn của một con người không được sống khỏe mạnh và phải mang trong mình nỗi đau bệnh tật. Năm 1999, bác sỹ trả về kết quả xét nghiệm kết luận tôi bị ung thư vòm họng.

Đón nhận kết quả ấy, tôi không quá bình thản nhưng cũng không quá sốc để thấy cuộc sống này đã sụp đổ và mất hết hy vọng. 12 năm rồi, tôi vẫn sống, vẫn  vui, vẫn công tác và chiến đấu với bệnh tình của mình.

Cuộc sống còn có nhiều phép nhiệm màu lắm. Và chính con người chúng ta sẽ làm nên những sự nhiệm màu ấy…”, thầy Quảng tâm sự.

Thầy Quảng kể về hành trình chữa bệnh, giành giật cuộc sống của mình: “12 năm ròng, tôi chạy chữa ở khắp các bệnh viện chuyên về ung thư hàng đầu tại Việt Nam rồi sang cả nước ngoài điều trị. Hiện tại, bệnh ung thư vòm họng của tôi đã bị di căn xuống phổi và đã phải cắt bỏ 1/3 lá phổi.  Thế nhưng, 12 năm qua, chưa một ngày tôi bi quan, chán nản và mất niềm tin vào cuộc sống, vẫn tiếp tục chiến đấu và sẵn sàng lên bàn mổ khi cần.

Tôi có gia đình ở bên, có hội họa làm bạn, có công việc để làm, có niềm tin vào khoa học kỹ thuật, có khát khao để sống tiếp để làm những điều còn đang dang dở… từng ấy thứ đã níu giữ tôi lại với cuộc đời này.

Tôi luôn tâm niệm một điều rằng: Cuộc sống ý nghĩa không phải là khi người ta sống được nhiều hay ít mà người ta đã làm được những gì khi còn sống. Do đó, tôi luôn cố gắng để những ngày tháng được sống hữu hạn còn lại của mình sao cho thật ý nghĩa và đáng sống…”

“Hầu hết mọi người bị rơi vào trạng thái tuyệt vọng khi biết bản thân mắc những căn bệnh nan y khó chữa. Nhưng tôi luôn tin rằng cuộc sống có những phép nhiệm màu. Chừng nào con người vẫn còn có thể hy vọng, tin tưởng vào cuộc sống thì vẫn còn có những phép màu trong cuộc sống. Mọi người xung quanh tôi nhiều khi còn thấy ngỡ ngàng, lo lắng cho chính sự lạc quan của bản thân tôi…”, thầy giáo Quảng cho biết thêm.

“Tôi muốn đưa ra một dẫn chứng bằng xương, bằng thịt về nghị lực sống cho các em”

 “Các bé và các bậc phụ huynh sẽ có thêm nhiều niềm tin, hy vọng vào việc điều trị bệnh tình. Bản thân tôi sẽ là một minh chứng sinh động nhất, đầy đủ nhất với các bé và bố mẹ các bé. Tôi bị ung thư, căn bệnh nguy hiểm và rất khó cứu chữa, nhưng trong 12 năm qua, tôi vẫn sống khỏe mạnh, vui vẻ, có ích không chỉ cho gia đình mà còn có ích cho xã hội.

Lớp học Hy vọng sẽ có cả thầy và nhiều học trò cùng đầu trọc. (Ảnh Thu Hòe)
Lớp học Hy vọng sẽ có cả thầy và nhiều học trò cùng đầu trọc. (Ảnh Thu Hòe)

Tôi muốn lấy chính cuộc sống của mình, “cái đầu trọc” của mình ra để cho các em thấy được điều đó. Chỉ cần có niềm tin mãnh liệt, hy vọng sống mãnh liệt và khát khao sống mãnh liệt, các bé sẽ vượt qua được nỗi đau của những căn bệnh dù là hiểm nghèo nhất để giành giật lại cuộc sống của mình.

Cuộc đời con người như những chuyến tàu chạy trên đường ray. Có người chỉ chạy đến ga Đà Nẵng là hoàn thành xong nhiệm vụ, có người lại phải chạy đến tận ga Sài Gòn mới hoàn thành xong trách nhiệm… Số phận đã chỉ cho tôi dừng ở ga Đà Nẵng. Điều này có nghĩa là khi tôi đến được ga Đà Nẵng, tôi đã hoàn thành xong nhiệm vụ có mặt trên đời này của mình.

Tham gia dạy vẽ ở Lớp học Hy vọng, tôi muốn truyền lại cho các em tình yêu cuộc sống, khát khao sinh tồn, niềm tin vào khoa học kỹ thuật…” thầy Quảng chia sẻ.

Thu Hòe