Chương trình mới đẻ ra "giáo sư biết tuốt", GV "hiến kế" gỡ rối

21/09/2022 06:36
Cao Nguyên
GDVN- Các môn tích hợp thiếu khoa học, giống như cuộc “cưỡng hôn” là một trong những bất cập lớn nhất của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trên một số diễn đàn của giáo viên bậc phổ thông đang có rất nhiều cuộc tranh luận xung quanh các bộ sách giáo khoa và xuất hiện "cuộc chiến" thương mại âm thầm giữa các nhà xuất bản sách.

Hơn nữa, các bộ sách có nhiều sự khác biệt về nội dung, cấu trúc khiến việc dạy và học gặp rất nhiều trở ngại. Người viết đã tổng hợp ý kiến của giáo viên nhiều tỉnh thành trên cả nước những mong được góp thêm một tiếng nói cho ngành giáo dục trong việc thực hiện chương trình mới.

Ảnh minh họa: vtv.vn

Ảnh minh họa: vtv.vn

Những hạn chế của chương trình mới

Thứ nhất, các môn tích hợp thiếu khoa học, không những không giảm tải mà còn tăng thêm áp lực cho cả thầy và trò. Chẳng hạn, môn Khoa học tự nhiên ghép 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nhưng thực chất là gò ép vào một cuốn sách.

Thực tế, khoảng 7, 8 tuần đầu của năm học, học sinh lớp 6, lớp 7 được học cuốn chiếu phân môn Hóa học, thời lượng 4 tiết một tuần. Các tuần tiếp theo học sinh sẽ học môn Vật lý rồi kết thúc và chuyển sang học môn Sinh học, cuối kỳ các em lại quay lại ôn thi từng môn để kiểm tra. Việc sắp xếp này khiến học sinh quá tải, giống như bắt các em học tín chỉ như ở bậc đại học nhưng lại hơi nửa vời.

Cách thiết kế máy móc, thiếu khoa học khi đưa nội dung môn Hóa học lên trước chương trình ở cả lớp 6 và lớp 7 làm cho giáo viên giảng dạy rất vất vả, phải chạy sô, trong khi giáo viên Vật lý, Sinh học thì ngồi chơi chờ đến lượt.

Học sinh học cuốn chiếu một môn học đến năm sau mới tiếp tục. Ở độ tuổi từ 11 đến 15, các em không thể nhớ kiến thức vì không được học và luyện tập thường xuyên. Như thế làm sao có thể rèn kĩ năng, phát triển năng lực và phẩm chất như mục tiêu của chương trình đề ra.

Thứ hai, môn Lịch sử và Địa lí cũng được đánh giá là một cuộc “cưỡng hôn” vì một số nội dung liên quan đến nhau và hình thành một số chủ đề chung mà ép thành một môn học với hai phân môn độc lập, phải thực hiện dạy đồng thời với thời lượng 3 tiết/một tuần (tương đương mỗi phân môn 1,5 tiết).

Vì vậy, giáo viên phải xây dựng kế hoạch và thời khóa biểu thay đổi sau 4, 5 tuần thực hiện chương trình, thậm chí có trường một tuần điều chỉnh thời khóa biểu một lần.

Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí là môn tích hợp nên việc kiểm tra đánh giá phải thể hiện trên một đề. Khi khi kiểm tra định kì, giáo viên phải đổi giờ để có hai tiết liền nhau (90 phút), còn học sinh phải ôn tập quá nhiều kiến thức, dễ bị lẫn lộn và rất áp lực.

Thứ ba, chương trình giáo dục địa phương cũng đang gặp khá nhiều ý kiến. Mỗi môn có một phần trong đó, thường liên quan đến Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, Mỹ thuật. Chương trình mới sinh ra môn học mới và định hướng thực hiện là chủ đề nào liên quan đến môn học nào thì giáo viên đó dạy.

Sau một năm thực hiện chương trình lớp 6 rất phức tạp vì “cha chung không ai khóc” nên nhiều nơi yêu cầu một giáo viên phải dạy cả chương trình địa phương theo kiểu “giáo sư biết tuốt”. Thầy cô giáo phải đa năng, am hiểu mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật.

Thứ tư, hoạt động trải nghiệm, nghe tên rất thiết thực nhưng thực tế các trường công lập chỉ dừng lại ở việc tổ chức các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp. Các chuyên đề gần như lãng quên hoặc không có thời gian, kinh phí để tổ chức.

Hoạt động này thường được phân công cho giáo viên chủ nhiệm, nội dung giống như hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bình mới mà rượu cũ, đánh giá học sinh là ở mức Đạt hoặc Chưa đạt nên cơ bản học sinh đạt 100% mà không cần phải học.

Các chuyên đề của hoạt động trải nghiệm và chương trình giáo dục địa phương thường được sắp xếp vào các buổi chiều, nhưng chỉ là thể hiện trên kế hoạch và thời khóa biểu, vì buổi chiều nhiều nơi đang dành cho học thêm, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Thứ năm, môn Nghệ thuật, ghép Âm nhạc với Mỹ thuật – thực chất là hai môn, hai cuốn sách, hai giáo viên nhưng đánh giá chung. Như vậy làm sao đánh giá chính xác năng lực học sinh, không phải em nào cũng có khả năng âm nhạc, hội họa.

Vấn đề phức tạp là, khi học sinh Đạt ở môn này nhưng Chưa đạt ở môn kia thì hai giáo viên phải đánh giá thế nào cho hợp lí?

Điều kiện thực hiện chương trình mới chưa đáp ứng yêu cầu

Thứ nhất, những yếu tố cơ sở vật chất như phương tiện, đồ dùng, thiết bị dạy học chưa thể đáp ứng cho chương trình mới. Mặc dù mức đầu tư cho giáo dục rất lớn, nhưng nó không khác gì “chương trình 1-3-5” (ở sở thì 5, về đến phòng còn 3, đến các trường chưa chắc đã được 1).

Hầu hết các trường học hiện nay không có đủ các phòng chức năng, phòng bộ môn để thực hiện chương trình. Lớp học rất đông học sinh, nhiều trường hơn 50 học sinh một lớp thì không thể chú trọng rèn năng lực, kĩ năng cho học sinh.

Thứ hai, sinh ra các môn tích hợp nhưng giáo viên chưa được đào tạo để dạy môn tích hợp, chưa có trường đại học sư phạm nào đào tạo giáo viên dạy liên môn.

Những nhà biên soạn chương trình, viết sách cũng khẳng định, không buộc giáo viên dạy trái chuyên môn. Nhưng thực tế ở các trường vẫn ép giáo viên phải dạy tất cả các phân môn của môn tích hợp chỉ sau vài buổi tập huấn và chuyên đề.

Dự kiến là sắp tới giáo viên phải đi học thêm một số tín chỉ để dạy môn tích hợp, sẽ tốn một khoản ngân sách lớn của Nhà nước, của cá nhân giáo viên.

Có thể nhận thấy, chất lượng không thể đảm bảo khi giáo viên phải dạy trái chuyên môn: cô dạy Sinh học kiêm Vật lý, Hóa học; thầy dạy Địa lí phải dạy cả Lịch sử. Nhưng lên đến bậc trung học phổ thông thì các môn học lại hoàn toàn độc lập.

Một vài kiến nghị đề xuất của giáo viên

Thứ nhất, các môn tích hợp với cách viết sách, nội dung như hiện nay đã thực sự tích hợp chưa? Có ý kiến cho rằng, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí phải là môn học độc lập, nếu có phần chung thì liên quan đến môn nào môn đó sẽ đảm nhiệm qua các chủ đề tích hợp liên môn.

Thứ hai, nội dung giáo dục địa phương nên tách ra và ghép với các môn liên quan để đảm bảo tính lôgic, khoa học, được giảng dạy đúng chuyên môn. Cùng với đó là điều chỉnh Công văn 5512/BGDĐT hợp lý, tránh rườm rà, phức tạp và áp lực.

Thứ ba, nên bỏ cơ quan quản lý cấp Phòng Giáo dục, cơ quan này chỉ làm bộ máy thêm cồng kềnh, thường “đẻ” thêm việc cho trường học, tăng thêm yêu cầu so với quy định Bộ Giáo dục, gây áp lực, tốn ngân sách, không hiệu quả.

Thứ tư, Bộ Giáo dục không có quyền quyết định về chế độ lương hay độ tuổi nghỉ hưu, nhưng có thể tham mưu với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội giúp giáo viên sống được với nghề.

Thứ năm, xin hãy giảm bớt áp lực cho giáo viên, hãy để thầy cô chuyên tâm vào chuyên môn, hãy loại bỏ các kì thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi để học sinh được học đều các môn, tránh xa áp lực, chiêu trò ganh đua và bệnh thành tích của giáo dục. Các hoạt động như phổ cập giáo dục, phối hợp với địa phương không huy động giáo viên phải tham gia.

Thứ sáu, hãy thay đổi cách thanh tra, kiểm tra mang ý nghĩa tích cực, giúp nhà trường điều chỉnh cái chưa được, phát huy cái được chứ không phải dự một giờ mà đánh giá cả quá trình.

Xin hãy thanh tra mà không báo trước để nắm được thực chất của giáo dục như vấn đề cơ sở vật chất, vệ sinh và ý thức đạo đức nghề nghiệp.

Thanh tra báo trước thì nhà trường sẽ tổng động viên lực lượng để chuẩn bị, có trường mượn phương tiện của trường bạn về dùng, tập luyện, tập diễn, truy lại các kiểu hồ sơ để đẹp nhất, hoàn hảo nhất trong mắt đoàn thanh tra – nhưng lại không phải thực chất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên