Đoàn giám sát cần làm rõ nhà trường có "tiếp tay" bán sách tham khảo kèm SGK?

19/09/2022 06:50
Hoài Ân
GDVN- Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, nếu có sai phạm trong phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông thì cần xử lý nghiêm, kịp thời.

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nội dung giám sát gồm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội. Kiến nghị giải pháp thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Về đối tượng giám sát là Chính phủ và các bộ, ngành; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nhận định, việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thời điểm này là hết sức đúng đắn và cần thiết, giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời phát hiện ưu, nhược điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết trên.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, thực hiện tốt các chuyên đề giám sát, đặc biệt là giám sát những vấn đề "nóng" mà nhân dân quan tâm sẽ tạo bước chuyển biến mới trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tạo đồng thuận xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Quochoi.vn)

"Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 được Quốc hội ban hành với nội dung rõ ràng, cụ thể. Đó cũng là một trong những căn cứ để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 ngành giáo dục và đào tạo tổ chức triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, thậm chí là bất cập, cần phải được đánh giá đầy đủ, kịp thời, từ đó đưa ra giải pháp để tiếp tục đổi mới hiệu quả trong những năm tiếp theo", Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế: "Trong quá trình đi tiếp xúc cử tri, nhân dân, tôi thấy rất nhiều người dân phàn nàn về sách giáo khoa, đặc biệt là giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có giá cao gấp 2-3 lần sách cũ.

Giá sách chương trình mới tăng cao là một nhẽ nhưng khi triển khai về trường học, mỗi trường lại thông báo bộ sách có giá khác nhau.

Cũng có ý kiến phản ánh, một số trường “tiếp tay” cho việc bán sách tham khảo kèm sách giáo khoa, giới thiệu danh mục sách nhập nhèm khiến phụ huynh mua trọn bộ sách giáo khoa, sách bài tập, thiết bị học tập, gây nhiều bức xúc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra chỉ thị yêu cầu trường học không lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác để học sinh, phụ huynh mua và sử dụng. Bộ cũng quán triệt không vận động, tư vấn để phụ huynh mua những xuất bản phẩm ngoài sách giáo khoa trong danh mục đã được phê duyệt.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định trên, nhưng dường như chỉ thị của Bộ bị các cơ sở giáo dục phớt lờ và liên tiếp tái diễn trong nhiều năm qua.

Cũng rất nhiều phụ huynh không đăng ký mua sách giáo khoa cho con tại trường mà chọn mua tại các nhà sách. Tuy nhiên, cận kề ngày khai giảng vẫn xảy ra tình trạng phụ huynh đi 4-5 nhà sách vẫn không thể mua đủ một bộ sách giáo khoa. Thậm chí, học sinh vào học chính thức đã được 2 tuần nhưng vẫn phải học "chay" vì thiếu sách..."

Thông qua chuyên đề giám sát lần này, Đại biểu Phạm Văn Hòa mong Đoàn giám sát sẽ làm rõ những băn khoăn, phản ánh của người dân về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa trên tinh thần công khai, cởi mở.

Trường hợp phát hiện sai phạm trong phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, tùy theo mức độ vi phạm sẽ phải có biện pháp xử lý kịp thời để ngăn chặn những tình trạng tiêu cực đó không tái diễn trong những năm tiếp theo.

"Về đối tượng giám sát, tôi cho rằng rất khó thực hiện giám sát toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Đoàn giám sát có thể chọn đối tượng giám sát như Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; các cơ quan, tổ chức có liên quan và một số tỉnh, thành phố cụ thể. Sau đó, tiếp tục giao cho Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố triển khai các cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương.

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả giám sát cũng rất cần các bộ, ngành và cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương chủ động cung cấp thông tin; phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát, kịp thời kiến nghị, đề xuất với các Đoàn những vấn đề phát sinh", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Hoài Ân