Tiền học chứng chỉ tích hợp nhiều hơn cả lương GV, kiến nghị miễn phí đào tạo

25/09/2022 06:36
Ngọc Mai

GDVN- Giáo viên gặp lúng túng trong quá trình triển khai dạy học môn tích hợp. Không phải giáo viên nào cũng có thể chuyển từ dạy đơn môn sang dạy liên môn.

Khi triển khai dạy môn tích hợp cho lớp 6 và lớp 7, giáo viên tại nhiều trường gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế ghi nhận của phóng viên cho thấy, ở một số trường trung học cơ sở, không dễ để một giáo viên dạy kiến thức của 2-3 môn học và không phải giáo viên nào cũng có khả năng ngay lập tức chuyển từ dạy đơn môn sang dạy liên môn.

Số tiết của giáo viên ở từng phân môn không ổn định

Theo chương trình cũ, ở bậc trung học cơ sở, môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là riêng biệt. Nhưng ở chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, các môn học này sẽ tích hợp thành hai môn gồm: Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Lịch sử và Địa lý (tích hợp 2 môn Lịch sử và Địa lý).

Dù đã triển khai từ năm học trước cho lớp 6, nhưng đến nay, đa phần các địa phương chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản dạy môn tích hợp. Năm nay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu áp dụng cho học sinh lớp 7. Do đó, trường hợp 2-3 giáo viên cùng phụ trách một môn học đang trở nên phổ biến và trở thành thách thức đối với các trường. Trong đó, khó khăn nhất là việc bố trí giáo viên, sắp xếp thời khoá biểu sao cho hợp lý, hiệu quả.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Pa Tần (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) cho biết, để triển khai dạy môn tích hợp, cán bộ, giáo viên trong tổ bộ môn đã nghiên cứu kỹ lưỡng từng công văn hướng dẫn của ngành giáo dục.

Thầy Nguyễn Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Pa Tần (huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Pa Tần (huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Ảnh: NVCC.

“Trường Trung học cơ sở Pa Tần có 2 giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành Lịch sử - Địa lý. Trong đó, 1 giáo viên dạy khối lớp 6, 1 giáo viên dạy khối lớp 7. Riêng đối với môn tích hợp Khoa học tự nhiên, trường phải phân công 3 giáo viên dạy đơn môn sang dạy liên môn.

Theo đó, căn cứ vào chương trình trong sách giáo khoa sắp xếp theo logic tuyến tính, nhà trường xếp thời khoá biểu trên tinh thần cứ đến nội dung môn học của giáo viên nào thì giáo viên đó dạy”, thầy Nguyễn Tiến Thành chia sẻ.

Theo vị Hiệu trưởng, 1 giáo viên có đủ trình độ, chuyên môn đảm nhận dạy 1 môn tích hợp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với nhiều giáo viên cùng dạy 1 môn. Hơn nữa, việc 2-3 giáo viên cùng dạy 1 môn tích hợp cũng sẽ rất khó cho cả giáo viên và học trò trong quá trình dạy, học cũng như kiểm tra đánh giá chất lượng.

Cũng theo thầy Thành, để giáo viên đơn môn chuyển sang dạy liên môn thì việc bồi dưỡng kiến thức ở phân môn còn khuyết là rất quan trọng. Thế nhưng, từ năm ngoái đến nay, nhà trường không có giáo viên nào tham gia bồi dưỡng bởi còn nhiều vướng mắc.

Có thể thấy, khó khăn nhất trong triển khai dạy môn tích hợp đó là đội ngũ giáo viên chưa có đủ năng lực chuyên môn dạy tích hợp nhưng vẫn phải tham gia giảng dạy. Những điểm khó cụ thể được chỉ ra như:

Một là, chương trình lớp 6 khác lớp 7 nên không thể nói thầy cô có kinh nghiệm dạy tích hợp lớp 6 rồi thì lớp 7 sẽ dạy tốt. Việc rút kinh nghiệm từ năm trước có chăng chỉ là cách chia tỷ lệ để xây dựng đề kiểm tra.

Sự chuyển đổi từ học đơn môn sang tích hợp không mấy dễ dàng ngay cả với những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm. Bởi, bản thân giáo viên chỉ được đào tạo sâu 1 môn thì sao có thể đảm bảo dạy liên môn?

Dẫu chương trình dạy tích hợp được triển khai từ năm học trước đối với lớp 6, nhưng năm nay dạy cho lớp 7 lại hoàn toàn là kiến thức mới nên có những khó khăn riêng. Do vậy, những giáo viên không có đủ kiến thức của các phân môn thì đành phải tự đào tạo, tự trau dồi nên khó đảm bảo chất lượng.

Hai là, số tiền bỏ ra để học chứng chỉ tích hợp lớn hơn lương của nhiều nhà giáo.

Giáo viên dù có nguyện vọng được học bồi dưỡng nhưng với khoản tiền học phí phải đóng thì lại đắn đo. Chưa kể, những giáo viên có thâm niêm, thậm chí gần đến tuổi nghỉ hưu thì việc đi học chứng chỉ là điều khó thực hiện. Thời gian công tác ở trường còn ít thì học chứng chỉ có ý nghĩa gì?

"Trước những khó khăn này, trường đã kiến nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về mong muốn có hỗ trợ kinh phí đối với những giáo viên được cử đi đào tạo chứng chỉ tích hợp để bổ sung vào đội ngũ giáo viên cho trường", thầy Hiệu trưởng chia sẻ.

Ba là, trường khó điều tiết thời khoá biểu do thiếu phòng học.

Khi dạy tích hợp, số tiết giáo viên đứng lớp sẽ không ổn định. Có thời điểm, số tiết/tuần của giáo viên tăng lên nhiều và có thời điểm lại rất ít so với định mức.

"Để bớt áp lực cho giáo viên, trường dự định cân đối số tiết của lớp 8, 9 để sắp xếp dạy cho lớp 7 thuận lợi. Thế nhưng, do thiếu phòng học nên việc sắp xếp số tiết sao cho ổn thỏa đối với trường không khả thi", thầy Hiệu trưởng chia sẻ thêm.

Dự báo thiếu giáo viên dạy tích hợp khi triển khai cho lớp 8, 9

Cùng trao đổi về vấn đề này, thầy Dương Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Khoen On (huyện Than Uyên, Lai Châu) cho biết, từ năm học trước, trường đã có 2 giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành Lịch sử - Địa lý nên đảm bảo được chất lượng giảng dạy cho khối lớp 6, 7. Tuy nhiên, theo lộ trình 2 năm nữa sẽ triển khai cho khối lớp 8, 9 thì trường sẽ phải cắt cử giáo viên đơn môn Lịch sử và Địa lý cùng tham gia dạy tích hợp. Do đó, khó khăn đang chờ nhà trường ở phía trước.

“Với môn Khoa học tự nhiên, trường có 2 giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành Sinh – Hoá. Do đó, trường phân công 1 giáo viên chuyên ngành Sinh – Hoá sẽ đảm nhận dạy 2 phân môn là Sinh học và Hoá học trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên. Còn phân môn Vật lý sẽ cho giáo viên chuyên ngành Lý – Tin, Toán – Lý hoặc giáo viên Vật lý của trường giảng dạy.

Không phải giáo viên nào cũng ngay lập tức chuyển từ dạy 1 môn sang dạy tích hợp. Do vậy, với 2 môn tích hợp, trường phân công những giáo viên có chuyên môn ở môn nào thì dạy nội dung môn đó”, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Khoen On chia sẻ.

Tiết học của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Khoen On (huyện Than Uyên, Lai Châu). Ảnh: website nhà trường.

Tiết học của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Khoen On (huyện Than Uyên, Lai Châu). Ảnh: website nhà trường.

Về sắp xếp thời khoá biểu, trường căn cứ vào số tiết của từng môn thì sẽ xây dựng được số tiết của giáo viên dạy tích hợp.

Thầy Phó Hiệu trưởng nêu ví dụ, với môn Khoa học tự nhiên lớp 6, trong 17 tiết đầu tiên đều là tiết Vật lý thì trường để cho giáo viên Vật lý dạy toàn bộ nội dung. Sau khi giáo viên Vật lý dạy hết phần nội dung của môn học thì trường chuyển sang xếp lịch dạy cho giáo viên Sinh học, hoặc Hoá học.

Còn với môn tích hợp Lịch sử và Địa lý, do số lượng tiết của 2 phân môn đang tương đương nhau nên để đảm bảo việc kiểm tra giữa kỳ vào tuần thứ 9, nhà trường xếp 4 tuần đầu dạy 2 tiết Địa lý, 1 tiết Lịch sử và 4 tuần sau sẽ dạy 1 tiết Địa lý, 2 tiết Lịch sử.

“Với 1 giáo viên đảm nhiệm dạy 1 môn tích hợp thì kiến thức sẽ được xuyên suốt, đảm bảo tính logic, từ đó tiến trình kiểm tra đánh giá cũng rất thuận lợi. Ngược lại, nhiều thầy cô cùng dạy 1 môn thì phải có liên kết, trao đổi nhiều hơn mới nắm bắt được tâm lý, năng lực thực chất của học sinh.

Do chương trình mới triển khai dạy tích hợp đối với lớp 6, 7 nên trường vẫn đang trên tinh thần tận dụng đội ngũ nhân lực hiện có. Tuy nhiên, trường vận động, khuyến khích giáo viên phải tự đào tạo, tự học thêm để đảm bảo trang bị đủ kiến thức, năng lực chuyên môn giảng dạy tích hợp khi dạy cho cả lớp 8, 9”, Phó Hiệu trưởng cho biết.

Cũng theo vị Phó Hiệu trưởng, tránh tình trạng dôi dư giáo viên khi dạy tích hợp, trường linh động phân công để đảm bảo định mức 17 tiết/tuần/giáo viên. Khi giáo viên dạy các tiết chính vẫn chưa đủ định mức thì trường sẽ cử giáo viên tham gia dự giờ hoặc dạy thêm các môn học, hoạt động giáo dục khác.

Vấn đề bất cập lớn nhất là giáo viên phải có chứng chỉ tích hợp thì mới đảm bảo chất lượng đào tạo. Song, chi phí để học chứng chỉ không hề rẻ, nhất là đối với giáo viên đơn môn chuyển sang dạy liên môn Khoa học tự nhiên (vì phải học thêm chứng chỉ của 2 phân môn còn lại).

“Hiện tại, nhà trường có 155 học sinh lớp 7, 157 học sinh lớp 6. Trong 2 năm tới, trường mong muốn được bổ sung giáo viên được đào tạo bài bản chương trình tích hợp.

Nếu không được bổ sung đội ngũ giáo viên này thì trường kiến nghị có những lớp học bồi dưỡng ngay, miễn phí hoàn toàn để giáo viên yên tâm tham gia bồi dưỡng kiến thức môn tích hợp", thầy Dương Thành Nam kiến nghị.

Để giáo viên đơn môn tự tin chuyển sang dạy liên môn thì vấn đề về đào tạo bồi dưỡng cần được quan tâm. Ngoài mong muốn có thêm hỗ trợ kinh phí đào tạo chứng chỉ cho giáo viên, ngành giáo dục cần xây dựng kế hoạch sắp xếp thời gian bồi dưỡng như thế nào để thầy cô vừa có thể tham gia học, vừa đảm bảo đạt đủ định mức giảng dạy trên lớp.

Ngọc Mai