GV mầm non diện 102 ở TP.Thanh Hoá đã được ký hợp đồng nhưng còn tâm tư về lương

27/09/2022 06:43
Trần Phương
GDVN- Sau phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các trường mầm non ở thành phố Thanh Hóa đã tiến hành ký hợp đồng với số giáo viên tiếp tục có nhu cầu đi làm.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "Vào năm học mới, nhiều giáo viên mầm non ở thành phố Thanh Hóa vẫn thấp thỏm chuyện hợp đồng" ngày 14/9/2022, trong đó thông tin: dù đã bước vào năm học mới, giáo viên mầm non trong diện thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ (giáo viên mầm non diện 102) tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa thể yên tâm công tác vì chưa được ký hợp đồng.

Ngày 22/9, thông tin tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Việt Nga – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa cho biết, ngay sau phản ánh của Tạp chí, thành phố đã rà soát, kết quả cho thấy tại thời điểm thông tin bài báo đưa, còn 4 trường hợp giáo viên tại Trường Mầm non Đông Cương và 2 trường hợp giáo viên tại Trường Mầm non Thiệu Vân chưa được ký hợp đồng do Hiệu trưởng chậm triển khai.

Thành phố Thanh Hóa đã yêu cầu các Hiệu trưởng ký ngay hợp đồng lao động cho giáo viên để các cô yên tâm công tác.

Cũng theo thông tin của Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa: “Để đảm bảo đủ giáo viên cho năm học 2022 – 2023, thành phố đã giao cho các nhà trường chủ động ký hợp đồng từng tháng với các giáo viên mầm non diện 102 có nhu cầu công tác và ký hợp đồng tiếp. Mức lương tối thiểu là 3.670.000 đồng/tháng (trong đó nguồn từ ngân sách thành phố hỗ trợ mỗi cô giáo là hơn 2,7 triệu đồng/tháng, số còn lại do nhà trường hỗ trợ chi trả từ nguồn thu, chi thường xuyên).

Hiện các trường mầm non trên địa bàn thành phố thực đang thực hiện mức hỗ trợ chi trả giáo viên mầm non diện 102 số tiền tối thiểu là 898.000 đồng/tháng.

Trong đó, các cô phải tự đóng bảo hiểm. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố có kêu gọi các nhà trường ngoài mức lương cơ bản, sẽ tiến hành hỗ trợ thêm cho các cô từ một số nguồn thu hợp pháp khác để các cô có thêm thu nhập và hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm cho giáo viên”.

Trước đó, theo phản ánh của giáo viên mầm non diện 102 tại thành phố Thanh Hóa, được ký hợp đồng từng tháng, các cô phải tự đóng 1.174.000 đồng tiền bảo hiểm từ số tiền lương 3.670.000 đồng. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Trước đó, theo phản ánh của giáo viên mầm non diện 102 tại thành phố Thanh Hóa, được ký hợp đồng từng tháng, các cô phải tự đóng 1.174.000 đồng tiền bảo hiểm từ số tiền lương 3.670.000 đồng. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Riêng tại Trường Mầm non Quảng Thành, bà Trần Thị Thảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường đã ký hợp đồng với các giáo viên mầm non diện 102 với mức lương 4.400.000 đồng/tháng. Hiện tư tưởng các giáo viên rất ổn định.

Tại Trường Mầm non Quảng Thành, tổng số giáo viên mầm non diện 102 được điều chuyển về là 6 giáo viên, đến nay có 3 giáo viên làm đơn xin nghỉ. Trong đó 2 giáo viên nghỉ từ ngày 1/8 và 1 giáo viên nghỉ từ ngày 1/10. Số giáo viên mầm non diện 102 còn lại là 3 người và được ký hợp đồng đầy đủ".

Nói thêm về các trường hợp giáo viên nghỉ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Thành cho biết: "Các cô xin nghỉ là vì mong muốn được chuyển công tác về gần nhà, thuận tiện cho việc đi lại, theo tôi được biết, trường gần nhà của các cô cũng đang rất cần tuyển người".

Tuy vậy, không phải giáo viên nào cũng được ký mức lương như ở Trường Mầm non Quảng Thành, thông tin tới phóng viên, có giáo viên mầm non diện 102 đã không thể duy trì việc tiếp tục đứng lớp, phải bỏ nghề giáo để đi tìm nghề khác kiếm sống vì mức lương quá thấp.

“Với mức lương hơn 3,6 triệu đồng, lại phải tự đóng gần 1,2 triệu tiền bảo hiểm, lương mỗi tháng thực nhận chỉ còn hơn 2,4 triệu đồng để duy trì cuộc sống. Số tiền này tiền ăn hàng tháng cho cả nhà còn chưa đủ chứ chưa nói đến chuyện đóng học cho các con. Chính vì vậy, dù rất yêu nghề giáo viên mầm non nhưng em phải bỏ nghề”, một người từng là giáo viên mầm non diện 102 cho biết.

Cũng có giáo viên tâm tư: “Cũng là đi làm giáo viên mà sao chúng em thấy tủi thân quá, lương thì ít, bảo hiểm phải tự đóng. Tháng nào cũng trong tình trạng phải đi vay tiền để trang trải cuộc sống”.

Vấn đề hợp đồng lao động của giáo mầm non diện 102 tại thành phố Thanh Hóa đã nhiều lần được báo chí phản ánh. Trước đó, tháng 7/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của giáo viên mầm non hợp đồng tại thành phố Thanh Hóa cho biết, hàng chục người đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì nhiều tháng nay họ không nhận được bất cứ thông báo nào về việc có được tiếp tục tái kí hợp đồng làm tiếp hay không?

Sau phản ánh, ngày 19/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có văn bản số 1888/BC-SGDĐT gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung tòa soạn đã đưa trong bài viết : “Thanh Hóa: Giáo viên mầm non rơi cảnh "tiến thoái lưỡng nan", mòn mỏi chờ ký hợp đồng”. Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nhấn mạnh, phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là có cơ sở.

Đến ngày 14/9, một số giáo viên tiếp tục phản ánh đến tòa soạn về việc mới chỉ được thông báo bằng miệng chuyện sẽ ký tiếp hợp đồng hoặc chưa nhận được thông tin có được ký tiếp hợp đồng hay không dù năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tuần.

Đến ngày 22/9, theo thông tin từ Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, tất cả các trường có giáo viên mầm non diện 102 đã được ký hợp đồng từng tháng.

Tháng 12/2021, các cơ quan liên ngành tỉnh Thanh Hóa gồm Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính đã tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh để thẩm định, tổng hợp số lượng giáo viên còn thiếu của các cấp học.

So với biên chế được giao năm 2022 thì nhu cầu biên chế các cấp học còn thiếu tại Thanh Hóa là 6.725 chỉ tiêu. Trong đó, mầm non thiếu: 1.688; tiểu học thiếu: 3.121; trung học cơ sở thiếu: 1.532; trung học phổ thông thiếu: 384.

Theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa được bổ sung 1.681 chỉ tiêu giáo viên.

Trần Phương