VICEM "khuyết" Chủ tịch HĐTV, công việc bị đình trệ, ai phải chịu trách nhiệm?

26/09/2022 06:42
Minh Hoàng
GDVN- Vừa qua, một số Cục, Vụ của Bộ Xây dựng công tác cán bộ chậm được kiện toàn, mặt khác có vị trí kiện toàn khá nhanh đặt lên nhiều câu hỏi băn khoăn của dư luận.

Đặc biệt, Tổng công ty Xi măng Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước có vốn chủ sở hữu hơn 16 nghìn tỷ đồng. Việc khuyết vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên trong một thời gian gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kỳ lạ, vì sao VICEM vẫn chưa có Chủ tịch Hội đồng thành viên?

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã hơn một năm nay chưa có Chủ tịch Hội đồng thành viên. Đặc biệt kể từ 1/9/2022 đến nay (gần 30 ngày), VICEM còn không có cả người phụ trách Hội đồng thành viên. Vì vậy, các công việc hàng ngày phải xử lý thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên được phản ánh bị ách tắc, đình trệ, không được xử lý kịp thời... điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận hành của bộ máy điều hành ở VICEM.

Theo đó, từ ngày 01/6/2021, ông Bùi Hồng Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Nhằm đảm bảo hoạt động điều hành, quản lý VICEM được ổn định, liên tục, ngày 02/6/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ký Thông báo số 45/TB-BXD về việc giao nhiệm vụ đối với cán bộ. Theo thông báo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Bùi Hồng Minh phụ trách Hội đồng thành viên VICEM kể từ ngày 01/6/2021 cho đến khi bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM.

Ngày 07/6/2021, ông Bùi Hồng Minh ký văn bản Thông báo số 740/TB-VICEM về việc thực hiện nhiệm vụ theo Thông báo số 45/TBB-BXD ngày 02/6/2021 của Bộ trưởng Bộ xây dựng. Đáng chú ý là văn bản này có chữ ký của ông Bùi Hồng Minh và chức danh ghi là Thứ trưởng Bộ xây dựng nhưng lại đóng dấu VICEM?.

Đến ngày 18/6/2021, Bộ Xây dựng có văn bản số 2311/BXD-TCCB giao ông Phạm Văn Nhận, Thành viên Hội đồng Thành viên VICEM phụ trách Hội đồng thành viên VICEM kể từ ngày 18/6/2021 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM.

Trong thời gian ông Phạm Văn Nhận được giao phụ trách Hội đồng thành viên VICEM, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty đã nhiều lần báo cáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về tình hình công tác cán bộ của Tổng công ty. Ban Thường vụ Đảng ủy cũng ban hành nhiều Nghị quyết giao Hội đồng thành viên VICEM đề nghị Bộ Xây dựng sớm cho kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM.

Hội đồng thành viên VICEM cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM. Nhưng đến nay mặc dù Hội đồng thành viên VICEM đã 05 lần báo cáo, xin ý kiến về việc kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên nhưng vị trí này vẫn đang khuyết.

Mới đây nhất là ngày 20/9/2022, Hội đồng thành viên VICEM tiếp tục gửi văn bản số 1732/VICEM-HĐTV đề nghị Bộ Xây dựng kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM và trong khi chờ kiện toàn đề nghị giao phụ trách Hội đồng thành viên VICEM nhưng vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo từ Bộ Xây dựng.

Trước đó, ngày 14/4/2022, Bộ Xây dựng có Thông báo số 34/TB-BXD về việc nghỉ hưu đối với ông Phạm Văn Nhận kể từ ngày 01/9/2022 (thông báo trước thời điểm nghỉ hưu 6 tháng); đến ngày 02/6/2022, Bộ Xây dựng có Quyết định số 473/QĐ-BXD về việc nghỉ hưu đối với ông Phạm Văn Nhận - Phụ trách Hội đồng thành viên VICEM kể từ ngày 01/9/2022 (thông báo trước thời điểm nghỉ hưu 3 tháng), nhưng Bộ Xây dựng vẫn không chỉ đạo kiện toàn chức danh Chủ tịch hoặc giao Phụ trách Hội đồng thành viên VICEM.

Do đó từ 01/9/2022 đến nay đã gần 01 tháng, Hội đồng thành viên VICEM không có chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên/ Phụ trách Hội đồng thành viên VICEM để thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật, Điều lệ Tổ chức và hoạt động của VICEM, cũng như tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của cấp thẩm quyền…

Theo tìm hiểu được biết, kể từ ngày 01/9/2022 đến nay, các công việc hằng ngày phải xử lý thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên VICEM bị "tắc", đình trệ, không được xử lý kịp thời, thể thức một số văn bản của Hội đồng thành viên VICEM chưa phù hợp... ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của Tổng công ty; đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đòi hỏi Hội đồng thành viên VICEM phải lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời thực hiện các giải pháp đồng bộ để vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ chính trị của chủ sở hữu giao đối với Tổng công ty nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng.

Trước sự chậm trễ trong việc kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM, dư luận đặt câu hỏi về năng lực và vai trò tham mưu của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ xây dựng có đáp ứng được yêu cầu công việc? Việc chậm trễ này có nguyên nhân do đâu, có hay không lợi ích nhóm trong vấn đề này?

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có diễn biến khó lường, nhất là từ khi xung đột chính trị Nga- Ukraina đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp bị đứt gãy, đặc biệt đối với ngành công nghiệp xi măng từ quý 2/2022 bị ảnh hưởng khá lớn do nguồn cung về than bị ảnh hưởng, giá đầu vào tăng gấp 3-4 lần, cùng với đó là thách thức lớn cung vượt cầu trên thị trường nội địa… khiến VICEM càng thêm nhiều khó khăn trong xử lý, ứng phó các tình huống khi mà suốt 15 tháng qua chỉ có người phụ trách Hội đồng thành viên và hiện nay cũng không có người phụ trách Hội đồng thành viên (sau khi người phụ trách Hội đồng thành viên là ông Phạm Văn Nhận đã nghỉ hưu từ 1/9/2022).

Khó khăn là vậy, nhưng trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy VICEM, đội ngũ cán bộ, người lao động VICEM vẫn đoàn kết, thống nhất ý chí, tư tưởng chính trị, sáng tạo – đổi mới trong sản xuất kinh doanh, vượt qua rất nhiều thách thức lớn, đảm bảo tăng trưởng, việc làm và thu nhập của người lao động ổn định.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhà nước như VICEM có vốn chủ sở hữu hơn 16 nghìn tỷ đồng, việc kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên để thực hiện tốt chức năng quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhằm tạo sự thống nhất từ chủ trương đến hành động và hơn hết đó là sự bảo toàn vốn của nhà nước tại VICEM lúc này là vô cùng cần thiết.

Một doanh nghiệp nhà nước, một đơn vị chủ lực, nòng cốt, hiện quản lý, vận hành 16 dây chuyền sản xuất clinker, với năng lực sản xuất khoảng 22 triệu tấn clinker/năm và 28 dây chuyền sản xuất xi măng, năng lực sản xuất khoảng 32 triệu tấn/năm, chiếm 34% - 35% thị phần xi măng cả nước; sở hữu nhiều thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng cả nước tin dùng như: Hải Phòng, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hà Tiên, Hoàng Mai... và đặc biệt có vai trò dẫn dắt Ngành Xi măng Việt Nam nhưng lại không có chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên điều hành trong suốt thời gian dài.

Nhiều ý kiến trong dư luận hiện nay, đặc biệt là hơn 12.000 cán bộ công nhân viên của VICEM đang đặt câu hỏi, vì sao trong suốt 15 tháng qua mà VICEM vẫn chưa kiện toàn được chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên?

Và việc này còn kéo dài đến khi nào trong khi một doanh nghiệp nhà nước có vai trò dẫn dắt, định hướng như VICEM sẽ cứ chông chênh với các văn bản đóng dấu treo của Hội đồng thành viên thì xây dựng chiến lược, kế hoạch, quản lý, giám sát như thế nào?

Thiết nghĩ, trước những khó khăn, bất cập trong quản lý, điều hành mà VICEM đã và đang đối mặt thì việc kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên tại VICEM là vấn đề hết sức cấp bách, cần phải thực hiện ngay.

Chủ tịch Hội đồng thành viên có chức năng, nhiệm vụ gì?

Để giúp độc giả rõ hơn việc khuyết vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp, chúng tôi xin cung cấp các căn cứ pháp lý quy định quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên tại các luật liên quan.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên.

Tại Điều 95. Chủ tịch Hội đồng thành viên quy định:

1. Chủ tịch Hội đồng thành viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Hội đồng thành viên không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty và doanh nghiệp khác.

2. Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng quý và hằng năm của Hội đồng thành viên;

b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;

c) Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;

d) Tổ chức thực hiện quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu và nghị quyết Hội đồng thành viên;

đ) Tổ chức giám sát, trực tiếp giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của công ty, kết quả quản lý, điều hành của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;

e) Tổ chức công bố, công khai thông tin về công ty theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực và tính hệ thống của thông tin được công bố.

3. Ngoài trường hợp quy định tại Điều 94 của Luật này, Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể bị miễn nhiệm, cách chức nếu không thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 96. Quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên

1. Tham dự cuộc họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên.

2. Kiểm tra, xem xét, tra cứu, sao chép, trích lục sổ ghi chép và theo dõi hợp đồng, giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính, sổ biên bản họp Hội đồng thành viên, các giấy tờ và tài liệu khác của công ty.

3. Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ công ty, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 97. Trách nhiệm của Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên

1. Tuân thủ Điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty và quy định của pháp luật.

2. Thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm tối đa lợi ích hợp pháp của công ty và Nhà nước.

3. Trung thành với lợi ích của công ty và Nhà nước; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

4. Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Thông báo này được tập hợp và lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.

5. Chấp hành nghị quyết Hội đồng thành viên.

6. Chịu trách nhiệm cá nhân khi thực hiện các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng danh nghĩa công ty thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

b) Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác;

c) Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn khi nguy cơ rủi ro tài chính có thể xảy ra đối với công ty.

7. Trường hợp thành viên Hội đồng thành viên phát hiện có thành viên Hội đồng thành viên khác có hành vi vi phạm trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao thì có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với cơ quan đại diện chủ sở hữu; yêu cầu thành viên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả.

Điều 98. Chế độ làm việc, điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên

1. Hội đồng thành viên làm việc theo chế độ tập thể; họp ít nhất một lần trong một quý để xem xét, quyết định những vấn đề thuộc quyền, nghĩa vụ của mình. Đối với những vấn đề không yêu cầu thảo luận thì Hội đồng thành viên có thể lấy ý kiến các thành viên bằng văn bản theo quy định tại Điều lệ công ty. Hội đồng thành viên có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc trên 50% tổng số thành viên Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

2. Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc thành viên được Chủ tịch Hội đồng thành viên ủy quyền có trách nhiệm chuẩn bị chương trình, nội dung tài liệu, triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên. Các thành viên Hội đồng thành viên có quyền kiến nghị bằng văn bản về chương trình họp. Nội dung và các tài liệu cuộc họp phải gửi đến các thành viên Hội đồng thành viên và người được mời dự họp chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày họp. Tài liệu sử dụng trong cuộc họp liên quan đến việc kiến nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, thông qua phương hướng phát triển công ty, thông qua báo cáo tài chính hằng năm, tổ chức lại hoặc giải thể công ty phải được gửi đến các thành viên chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày họp.

3. Thông báo mời họp Hội đồng thành viên có thể gửi bằng giấy mời, điện thoại, fax, phương tiện điện tử hoặc phương thức khác do Điều lệ công ty quy định và được gửi trực tiếp đến từng thành viên Hội đồng thành viên và người được mời dự họp. Nội dung thông báo mời họp phải xác định, rõ thời gian, địa điểm và chương trình họp. Hình thức họp trực tuyến có thể được áp dụng khi cần thiết.

4. Cuộc họp Hội đồng thành viên hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng thành viên tham dự. Nghị quyết Hội đồng thành viên được thông qua khi có hơn một nửa tổng số thành viên tham dự biểu quyết tán thành; trường hợp có số phiếu ngang nhau thì nội dung có phiếu tán thành của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc người được Chủ tịch Hội đồng thành viên ủy quyền chủ trì cuộc họp là nội dung được thông qua. Thành viên Hội đồng thành viên có quyền bảo lưu ý kiến của mình và kiến nghị lên cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty.

5. Trường hợp lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên bằng văn bản thì nghị quyết Hội đồng thành viên được thông qua khi có hơn một nửa tổng số thành viên Hội đồng thành viên tán thành. Nghị quyết có thể được thông qua bằng cách sử dụng nhiều bản sao của cùng một văn bản nếu mỗi bản sao đó có ít nhất một chữ ký của thành viên Hội đồng thành viên.

6. Căn cứ vào nội dung và chương trình cuộc họp, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng thành viên mời đại diện có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự và thảo luận các vấn đề cụ thể trong chương trình cuộc họp. Đại diện cơ quan, tổ chức được mời dự họp có quyền phát biểu ý kiến nhưng không tham gia biểu quyết. Các ý kiến phát biểu của đại diện được mời dự họp được ghi đầy đủ vào biên bản của cuộc họp.

7. Nội dung các vấn đề thảo luận, các ý kiến phát biểu, kết quả biểu quyết, các nghị quyết được Hội đồng thành viên thông qua và kết luận của các cuộc họp Hội đồng thành viên phải được ghi biên bản. Chủ tọa và thư ký cuộc họp phải liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính trung thực của biên bản họp Hội đồng thành viên. Biên bản họp Hội đồng thành viên phải được thông qua trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời gian, địa điểm, mục đích, chương trình họp; danh sách thành viên dự họp; vấn đề được thảo luận và biểu quyết; tóm tắt ý kiến phát biểu của thành viên, đại diện được mời dự họp về từng vấn đề thảo luận;

b) Số phiếu biểu quyết tán thành và không tán thành đối với trường hợp không áp dụng phương thức bỏ phiếu trắng; số phiếu biểu quyết tán thành, không tán thành và không có ý kiến đối với trường hợp áp dụng phương thức bỏ phiếu trắng;

c) Các quyết định được thông qua;

d) Họ, tên, chữ ký của thành viên dự họp.

8. Thành viên Hội đồng thành viên có quyền yêu cầu Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý công ty, công ty con do công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn góp của công ty tại doanh nghiệp khác cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp theo quy chế thông tin do Hội đồng thành viên quy định hoặc theo nghị quyết Hội đồng thành viên. Người được yêu cầu cung cấp thông tin phải cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của thành viên Hội đồng thành viên, trừ trường hợp Hội đồng thành viên có quyết định khác.

9. Hội đồng thành viên sử dụng bộ máy quản lý, điều hành, bộ phận giúp việc của công ty để thực hiện nhiệm vụ của mình.

10. Chi phí hoạt động của Hội đồng thành viên, tiền lương, phụ cấp và thù lao được tính vào chi phí quản lý công ty.

11. Trường hợp cần thiết, Hội đồng thành viên tổ chức việc lấy ý kiến chuyên gia tư vấn trong nước và nước ngoài trước khi quyết định vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên. Chi phí lấy ý kiến chuyên gia tư vấn được quy định tại quy chế quản lý tài chính của công ty.

12. Nghị quyết Hội đồng thành viên có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực ghi trong nghị quyết, trừ trường hợp phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.

Cùng với đó, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cũng quy định rất rõ quyền, trách nhiệm của Chủ tịch Công ty, Hội đồng thành viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 44. Quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

1. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đề nghị cấp có thẩm quyền quy định tại các điều 40, 41 và 42 của Luật này quyết định việc điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung điều lệ; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Hội đồng thành viên đề nghị cấp có thẩm quyền quy định tại các điều 40, 41 và 42 của Luật này bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các quyền lợi khác đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên.

2. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt về các nội dung sau đây:

a) Chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp;

b) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc;

c) Huy động vốn, đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp theo quy định tại các điều 23, 24, 28 và 29 của Luật này;

d) Góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

đ) Tiếp nhận công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thành công ty con, công ty liên kết của doanh nghiệp;

e) Báo cáo tài chính; phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hằng năm của doanh nghiệp.

3. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định về các nội dung sau đây:

a) Quy chế quản lý nội bộ của doanh nghiệp;

b) Tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác đối với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, các chức danh khác do Hội đồng thành viên bổ nhiệm;

c) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các quyền lợi khác đối với Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng;

d) Quyết định hoặc ủy quyền cho Tổng giám đốc hoặc Giám đốc quyết định phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định thuộc thẩm quyền.

4. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quản lý, điều hành doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

5. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quản lý, sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn; báo cáo kịp thời cơ quan đại diện chủ sở hữu khi doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không bảo đảm khả năng thanh toán, không hoàn thành nhiệm vụ được giao và những trường hợp sai phạm khác.

6. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm gây tổn thất vốn, tài sản của doanh nghiệp.

7. Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty thực hiện quyền, trách nhiệm khác theo quy định của Luật doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan

Minh Hoàng