Lãnh đạo EVN trần tình về mức lương 7,3 triệu đồng

22/11/2011 16:10
Hoàng Lan - Xuân Ngọc (VNE)
"Tôi không dám nói ngành điện vất vả hơn ai nhưng chắc chắn đây là một nghề nặng nhọc, nói anh em ngành điện sướng quá thì e là hơi nặng lời". 

Đó là những chia sẻ của lãnh đạo của EVN với phóng viên báo chí.

"Chắc chắn đây là một nghề nặng nhọc".

Chiều nay, một lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, bản thân ông không muốn bình luận thêm về mức lương 7,3 triệu đồng, song theo ông, cần có cái nhìn công tâm hơn về ngành điện, một trong những ngành xương sống của đất nước.

Vị này khẳng định, điện thuộc ngành công nghiệp nặng, có chứa nhiều rủi ro về an toàn lao động song mức lương tập đoàn vẫn tính theo ngạch Nhà nước. Các hệ số lương tối thiểu, trường hợp làm việc trong khu vực độc hại có chế độ riêng nhưng vẫn tuân thủ theo quy định. "Tôi không dám nói ngành điện vất vả hơn ai nhưng chắc chắn đây là một nghề nặng nhọc", vị lãnh đạo này tâm sự.

Theo ông, cán bộ ngành điện lực rất vất vả, thường trực đối mặt với hiểm nguy. Khi điện mất lúc nửa đêm, nhân viên nhà đèn vẫn phải đi tìm hiểu khắc phục sự cố, lễ tết vẫn phải trực, thậm chí nhiều cán bộ cũng không có chế độ nghỉ phép. Một lò ở nhà máy nhiệt điện với hàng loạt dây chuyền sản xuất, và các bộ phận phụ như lò hơi nóng nhưng cán bộ vẫn phải túc trực ngày đêm. Trời nắng chang chang vẫn phải trèo đường dây, leo cột.

Ảnh: Hoàng Hà
EVN cho rằng, mức lương 7,3 triệu đồng là thu nhập không sống được ở thành thị. Ảnh: Hoàng Hà

"Tôi nhìn công nhân mà thấy rất thương, trời mưa cũng phải làm, trời bão cũng phải làm. Đơn cử như trường hợp bão đổ cột ở Tây Nguyên, mọi người có thể ở nhà tránh bão còn anh em ngành điện vẫn phải túc trực để khắc phục sự cố", ông này chia sẻ.

Đó là chưa kể, lãnh đạo EVN nói, chỉ cần sơ suất là có thể mất mạng. Để có dòng điện vào tận nhà từng người ở nhiều thôn, xóm công nhân phải làm vất vả, băng rừng lội suối, cõng từng cân xi măng trên lưng. Đến thôn xóm thì lại kéo dây vào từng nơi, rồi lại lo chống lũ, bão. Người dân nhìn thấy điện thì tránh xa còn công nhân thì phải lăn xả vào. Do dó, theo ông, ngành nào cũng vất vả và bản thân ông cũng không dám so sánh nhưng "nói anh em ngành điện sướng quá thì e là hơi nặng lời".

"Anh em ngành điện mùa khô lo thiếu điện, mùa hè lo thiếu nước. Đó là chưa kể, nhà đèn thường xuyên bị nghe dư luận chê trách. Thiếu điện thì bị hỏi vì sao không xả lũ, khi xã lũ thì lại bị kêu 'sao xả nhiều thế'", ông này nói.

Theo ông, dư luận không nên quá gay gắt trong phát ngôn của EVN, bởi đứng trên cương vị người quản lý, lãnh đạo sẽ phải lo toan công nhân cần gì, thiếu gì để họ toàn tâm toàn ý phục vụ công việc. "Lãnh đạo không thể để 'sống chết mặc bay', chuyện người quản lý đau lòng khi không lo được cho nhân viên là đáng trân trọng", vị lãnh đạo chia sẻ.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Đồng Tâm cho biết, việc xem xét một mức lương trung bình là cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhân công tại doanh nghiệp đó chủ yếu là trình độ phổ thông hay tốt nghiệp đại học. "Với mức lương 7,3 triệu đồng với doanh nghiệp đều là nhân công có trình độ đại học thì chưa phải là cao", ông Thắng nói.

Trong nhiều cuộc họp với Bộ Công Thương, lãnh đạo ngành dệt may cũng nhiều lần than phiền về việc thiếu lao động trầm trọng. Mặc dù đóng góp lớn cho ngành kinh tế, xuất khẩu dệt may 10 tháng đầu năm đạt 11,7 tỷ USD, nhưng ngành thiếu lao động trầm trọng vì mức lương quá thấp, khoảng 2 triệu đồng một tháng.

"7,3 triệu không thể sống được ở thành thị" là ước nguyện quá cao

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, bà cảm thấy ngạc nhiên vì thời điểm năm 2009, mức lương bình quân của nhân viên ngành điện đã lên tới 7,3 triệu đồng. Bản thân bà Lan đã chứng kiến nhiều người làm ở đơn vị Nhà nước làm 40 năm lương cũng chỉ 4-5 triệu đồng và vẫn sống đủ. Thậm chí kỹ sư bác sỹ cũng chỉ bằng một nửa mức lương của EVN. Do đó, quan điểm của lãnh đạo EVN "7,3 triệu không thể sống được ở thành thị" là ước nguyện quá cao.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội, tiền lương của người lao động trong năm 2009 ước đạt 2,84 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, các doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 3,35 triệu đồng, Tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước đạt 5,9 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng. Như vậy, mức lương trung bình là 7,3 triệu đồng của cán bộ, công nhận viên EVN còn cao hơn cả các doanh nghiệp có mức lương trung bình đầu bảng.

Sang đến năm 2010, tiền lương bình quân của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp đạt 3,2 triệu đồng. Lương trung bình của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn đầu tư nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 3,8 – 3,3 và 3 triệu đồng, mỗi tháng.

Đối chiếu với số liệu thống kê năm 2010, chỉ riêng lương thời điểm 2009 của ngành điện đã gấp đôi so với thu nhập của nhóm hộ giàu nhất. Cụ thể thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2010 đạt 1,387 triệu đồng mỗi tháng. Con số này của nhóm hộ giàu nhất là khoảng 3,4 triệu đồng.

Cũng trong năm 2010, những ngành nghề đứng đầu bảng về mức lương bình quân hàng tháng là: mỏ, luyện kim với 9,2 triệu đồng; ngân hàng với 7,6 triệu đồng; dược là 7 triệu đồng và điện tử viễn thông là 5,5 triệu đồng. Còn ngành dệt, da giày, chế biến thực phẩm, lương bình quân chỉ đạt 2,1-2,3 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, lương trung bình của EVN năm 2009 tương đương với lương của lao động thuộc top đầu của năm 2010.

Hoàng Lan - Xuân Ngọc (VNE)