Ngược đời: Có học sinh rồi mới "sinh" thầy cô dạy tích hợp KHTN

06/10/2022 06:46
Doãn Nhàn
GDVN- Bây giờ trường nào cũng có học sinh học chương trình GDPT mới, nhưng lại chưa có thầy cô giáo chính quy dạy tích hợp Khoa học tự nhiên.

Bước sang năm thứ hai triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học cơ sở, tuy nhiên đến nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong việc dạy và học ở các địa phương. Đặc biệt, những bất cập xoay quanh các môn học tích hợp (môn Khoa học tự nhiên - tích hợp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và môn Lịch sử và Địa lý - tích hợp hai môn Lịch sử, Địa lý) đang là thách thức lớn với thầy và trò ở các trường.

Ngược đời "sinh học sinh mà chưa sinh giáo viên"

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Trọng Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng Tiến (thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) cho biết việc triển khai dạy học các môn tích hợp tại trường hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn cho cả cán bộ quản lý và giáo viên dạy.

Đối với cán bộ quản lý, theo thầy Tú việc chọn giáo viên đủ trình độ để dạy môn tích hợp hết sức khó khăn.

Hiện tại nhà trường đang cố gắng động viên các thầy cô giáo trẻ dạy các môn học mới, với các thầy cô lớn tuổi việc phân công dạy sẽ khó khăn hơn.

Việc dạy môn học tích hợp đang gây ra nhiều khó khăn cho các trường trung học cơ sở trên cả nước khi đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về nội dung môn học mới. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Việc dạy môn học tích hợp đang gây ra nhiều khó khăn cho các trường trung học cơ sở trên cả nước khi đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về nội dung môn học mới. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

“Chúng tôi cũng cố gắng động viên thầy cô giáo trẻ đảm nhận các môn tích hợp vì họ xác định sẽ theo lâu dài với nghề giáo. Với các thầy cô đã lớn tuổi, vài năm nữa họ nghỉ hưu nên bây giờ bắt họ tự học và tìm hiểu cái mới sẽ khó khăn hơn.

Gọi là động viên nhưng nói thật cũng phải có sự sắp xếp, để thầy cô tự nguyện cống hiến, nhiệt tình hết mình trong giảng dạy các môn tích hợp thì chắc không ai "xung phong" cả, vì một người, đảm nhiệm 2, 3 phân môn, lại dạy nhiều lớp thì quá khó”, thầy Phó Hiệu trưởng tâm sự với phóng viên.

Ngoài chọn giáo viên dạy học, thầy Tú cũng cho biết một khó khăn nữa của người quản lý là xếp thời khóa biểu.

“Hiện tại trường chúng tôi phân công 1 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý cho 2 giáo viên cùng dạy. Cả lớp 6 và lớp 7 toàn trường có 11 lớp, mới tách 2 môn Lịch Sử và Địa lý thôi nhưng phân công thời khóa biểu dạy để tránh trùng lịch cũng đã rất vất vả.

Sang các năm tới, kiến thức lớp 8 và lớp 9 khó hơn, tôi đã hứa với các thầy cô sẽ tách môn Khoa học tự nhiên để họ yên tâm giảng dạy. Tuy nhiên để phân thời khóa biểu thế nào thì tôi còn chưa biết!”, thầy Tú chia sẻ.

Về đội ngũ giáo viên, theo thầy Tú khó khăn lớn nhất chính là kiến thức chuyên môn khi chưa có ai được đào tạo chính quy để đáp ứng theo chương trình dạy học tích hợp của sách giáo khoa mới.

"Kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên để đủ điều kiện dạy học theo chương trình mới hiện vẫn chưa có, trong khi đã vào năm học khiến giáo viên khi đứng lớp gặp rất nhiều khó khăn”, thầy Tú nói.

Thầy Phó Hiệu trưởng cũng cho rằng, vì kiến thức phổ thông càng lên cao càng khó, trong khi giáo viên chưa được đào tạo kiến thức chuyên môn toàn diện ở cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học nên rất khó để truyền đạt kiến thức chuyên sâu tới học trò.

Thầy Tú trăn trở khi học sinh là người chịu thiệt thòi nhất trước sự đổi mới, có học sinh nhưng chưa có giáo viên đáp ứng dạy môn tích hợp thì khác nào: "Sinh học sinh nhưng vẫn chưa sinh giáo viên".

“Học như thế này thì người thiệt nhất là các em học sinh. Một thầy cô giáo dạy cả 3 phân môn thì chỉ có thể dạy được những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, còn muốn hiểu kiến thức chuyên sâu thì rất khó đáp ứng được, vì chính các thầy cô giáo cũng chưa được đào tạo chính quy về bộ môn Khoa học tự nhiên mà họ đang giảng dạy”, thầy Tú chia sẻ.

Thực tế khập khiễng hiện nay phản ánh sự bất cập trong việc thực hiện chương trình đổi mới, cụ thể đó là đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, triển khai nhưng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ thầy, cô giáo giảng dạy lại đi sau.

Lo lắng về chất lượng dạy học khi đội ngũ giáo viên có độ già hóa cao

Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu sách giáo khoa cũng là khó khăn của Trường Trung học cơ sở Quảng Vinh (thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa). Thầy Ngữ Quốc Trị - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Một điểm khó khăn đặc thù ở trường chúng tôi là đội ngũ giáo viên già hóa cao, hầu hết độ tuổi trung bình đều là 45 tuổi trở lên. Do đó bây giờ yêu cầu các thầy cô học và tìm hiểu, bổ sung kiến thức môn mới chắc chắn sẽ không đảm bảo được chất lượng cao nhất”.

Hiện tại, Trường Trung học cơ sở Quảng Vinh đang tiến hành cho một giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, 2 giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý. Chia sẻ cách khắc phục về khó khăn trước mắt, thầy Trị cho biết nhà trường đang có kế hoạch cử các thầy, cô giáo tham gia đào tạo, tuy nhiên để triển khai được hết tới tất cả giáo viên dạy tích hợp thì cần có thời gian. “Trước mắt, nhà trường vẫn đang động viên các thầy, cô giáo tự tìm hiểu là chính”.

Trao đổi với vị đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sầm Sơn, đại diện đơn vị này cũng thừa nhận khó khăn trong việc dạy chương trình mới tại địa phương là đội ngũ giáo viên có độ già hóa cao.

“Hiện nay lượng giáo viên trẻ tầm độ tuổi dưới 30 rất ít đối với bậc trung học cơ sở do không có các đợt tuyển dụng mới hoặc có thì số lượng tuyển dụng cũng rất “nhỏ giọt”. Vì vậy, tình trạng chung của các trường trung học cơ sở hiện nay là giáo viên có độ tuổi chủ yếu từ 40-50 tuổi trở lên. Nếu yêu cầu thầy cô học bồi dưỡng chứng chỉ dạy tích hợp thì họ vẫn sẽ học, tuy nhiên chất lượng sẽ rất khó đảm bảo”, vị đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sầm Sơn cho biết.

Với việc triển khai dạy bộ môn Khoa học tự nhiên, hiện nay đang có hai cách làm chính là phân công 1 giáo viên dạy hoặc "bổ dọc", nghĩa là 3 giáo viên cùng dạy một sách, mỗi giáo viên sẽ đảm nhận một phân môn trong chương trình.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện phòng Giáo dục thành phố Sầm Sơn nói:

“Một giáo viên đảm nhận dạy môn tích hợp thì sẽ thuận tiện cho cả thầy và trò, tuy nhiên chúng ta biết rằng để có giáo viên đủ năng lực dạy môn Khoa học tự nhiên ở thời điểm hiện tại là rất khó thực hiện do yếu tố lịch sử đào tạo để lại.

Cách làm phổ biến của nhiều trường hiện nay là "bổ dọc", cho 3 giáo viên dạy cùng một sách. Điều này giúp giáo viên đảm bảo kiến thức chuyên môn vững khi truyền tải tới học trò, tuy nhiên thực tế cũng tồn tại rất nhiều bất cập.

Theo cách làm "bổ dọc", 3 giáo viên sẽ tự xây dựng chương trình phân môn riêng của mình rồi sau đó ghép chung lại để xây dựng chương trình chung theo trình tự phân phối của sách.

Theo đó, vấn đề kiểm tra đánh giá sẽ gặp khó khi một môn học nhưng có 3 giáo viên đánh giá thì sẽ có 3 kiểu đánh giá khác nhau. Đại diện phòng Giáo dục thành phố Sầm Sơn đưa ra một số khó khăn với cách làm này:

“3 người xây dựng trên 3 phần kiến thức của mình, sau đó ghép lại thành một đề chung, như vậy độ bảo mật đề sẽ khó được đảm bảo. Ngoài ra, việc cân đối lượng kiến thức để đảm bảo đủ thời lượng kiểm tra 45 phút cũng là một vấn đề khó, cần sự bàn bạc của các giáo viên với nhau, như vậy lại tốn thêm rất nhiều thời gian và công sức của các thầy cô”.

Vị này cũng bày tỏ lo lắng khi hiện nay vẫn chưa có hướng giải quyết khó khăn, trong khi chương trình học càng lên cao kiến thức càng phức tạp:

“Năm ngoái kiến thức lớp 6 đơn giản, tuy nhiên lên đến lớp 7 nội dung đã bắt đầu khó hơn. Sang tới lớp 8, lớp 9, kiến thức lại càng chuyên sâu hơn, nếu không có giải pháp kịp thời thì việc triển khai dạy học sẽ cực kỳ khó khăn”.

Trước tình hình khó khăn trong việc dạy học môn học mới, lãnh đạo các trường đều đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Sở và địa phương cần sớm có phương án tổ chức bồi dưỡng, đào tạo giáo viên:

“Tôi hi vọng sẽ sớm có giải pháp về nguồn nhân lực giảng dạy chương trình mới, cụ thể là đội ngũ giáo viên, càng nhanh càng tốt vì nếu không học sinh mình thiệt thòi lắm!”, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, hiện nay mặc dù đã là năm thứ 2 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với bậc trung học cơ sở, tuy nhiên đến nay các thiết bị dạy học phục vụ sách giáo khoa mới vẫn chưa có đầy đủ.

“Trang thiết bị đi kèm để phù hợp với yêu cầu dạy chương trình mới tại địa phương vẫn chưa có đầy đủ. Do vậy chúng tôi rất mong muốn các đơn vị phụ trách về cung cấp thiết bị dạy học đẩy nhanh tiến độ để bổ sung kịp thời, chuyển đến các đơn vị dạy học giúp các giáo viên có đủ thiết bị giảng dạy theo đúng yêu cầu chương trình mới”, vị đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sầm Sơn nêu kiến nghị.

Doãn Nhàn